Đọc rất nhiều báo, cả báo giấy lẫn báo điện tử, trên chuyên trang quốc tế, tôi thường bắt gặp từ “phiến quân”.
Trong khá nhiều cuộc chiến đã và đang xảy ra trên thế giới, như ở Afghanistan, Iraq, Congo, Gruzia, Syria, Ukraine…, cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ (đang cầm quyền) và người chống lại chính phủ luôn được giới báo chí truyền thông theo dõi chặt chẽ, phản ánh từng giờ. Tuy nhiên, tùy góc độ, quan điểm của người viết hoặc tờ báo mà đối tượng được mô tả xấu tốt khác nhau. Nếu cứ máy móc, rập khuôn bê nguyên xi nội dung bài báo trên báo nước ngoài về, chuyển ngữ thành bài của mình thì sẽ có những điều không khách quan thấy rõ. Cũng chả khác gì chuyện “yêu cho tốt, ghét nên xấu” kiểu La Quán Trung viết Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị nết xấu cũng thành tốt, Tào Tháo điều tốt cũng hóa xấu.
Cái sai thường gặp nhất ở chỗ các nhà báo ta gán cho lực lượng nào đó mà họ chưa biết rõ là phiến quân. Với quân khủng bố IS ở Syria, ở Trung Đông chẳng hạn, nó xấu xa thì quá rõ, có gọi nó là gì cũng được, những người có lương tâm chả thắc mắc. Nhưng có những lực lượng đứng lên đấu tranh giành quyền sống, chống lại thế lực cầm quyền thối nát đang tồn tại thì phải gọi cho đúng tên, chứ không thể là phiến quân.
Hiểu nôm na, phiến quân tức là quân phiến loạn, quân làm loạn, bất nghĩa, vô pháp luật. Phiến trong từ Hán Việt có nghĩa chính là mảnh, một tấm. Thơ cổ có câu “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (một mảnh tài tình khiến ngàn đời phải vấn vương rơi nước mắt) của nhà nho Phạm Quý Thích khi nhận xét về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ta thường nói phiến đá, phiến gỗ cũng theo nghĩa “mảnh” ấy. Nhưng phiến còn có nghĩa là xúi bẩy, làm điều xấu. Phiến loạn tức là xui người ta làm loạn, xúi giục làm loạn, làm điều bất chính, chống lại nhà nước. Quân phiến loạn là quân làm loạn xã hội, gây đau khổ cho nhân dân, cần phải trừng trị.
Thực chất, trong khá nhiều cuộc đối đầu trên thế giới, chính nhà nước, bộ máy cầm quyền đương thời mới là xấu. Nó độc tài, phát xít, mất dân chủ, kìm kẹp nhân dân, áp bức bóc lột, tham nhũng, bán nước… khiến có những lực lượng vùng dậy đấu tranh chống lại để lật đổ nó, nhằm xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp hơn, bộ máy cầm quyền trong sạch hơn. Lực lượng đó không thể là quân phiến loạn. Mà là lực lượng nổi dậy.
Quân chính phủ thường mạnh hơn, lực lượng nổi dậy thường yếu hơn, không thể lấy mạnh yếu để luận anh hùng, tốt xấu, nhưng muốn đánh giá đúng về từng phía từng bên, thì cần coi họ chiến đấu vì cái gì, có được lòng dân chúng hay không. Nếu chưa có dịp tìm hiểu kỹ, thì đừng làm cái loa phát ngôn không công cho một thế lực nào đó, đừng vô hình trung đứng về phía nào đó.
Nguyễn Thông