Người làm báo, làm văn, phàm đã theo nghề chữ nghĩa, viết lách thì phải đặt lên hàng đầu việc viết sao cho dễ hiểu, gãy gọn. Báo chí, ngay cả báo điện tử (vốn rất thoải mái về "đất đai") không nên rườm rà, vừa mất công tốn sức người viết, vừa làm mất thời gian của người đọc.

Thừa thiếu trong bài báo

05/10/2016, 11:50

Người làm báo, làm văn, phàm đã theo nghề chữ nghĩa, viết lách thì phải đặt lên hàng đầu việc viết sao cho dễ hiểu, gãy gọn. Báo chí, ngay cả báo điện tử (vốn rất thoải mái về "đất đai") không nên rườm rà, vừa mất công tốn sức người viết, vừa làm mất thời gian của người đọc.

Báo chí và các báo cáo, văn bản của nhà nước bây giờ cứ dùng các cụm từ chỉ chức danh: Thủ tướng chính phủ, Phó thủ tướng chính phủ. Ví dụ: Phó thủ tướng chính phủ Phạm Bình Minh, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Xin thưa, viết thế là thừa, thừa chữ "chính phủ". Bộ máy hành pháp ở nước ta là trung ương tập quyền, chỉ có chính phủ quốc gia chứ không có chính phủ liên bang. Ở nhiều nước phương Tây, ngoài thủ tướng chính phủ quốc gia còn có thủ tướng bang, vì vậy phải phân biệt rõ, nói rõ thủ tướng chính phủ để phân biệt với thủ tướng bang. Nhưng ở xứ ta, chỉ có một chính phủ, trong đó có thủ tướng và một số phó thủ tướng, vì vậy chỉ cần nói hoặc viết thủ tướng, phó thủ tướng là được, mặc nhiên là chính phủ rồi.

Nhiều phóng viên khi viết về thời gian cụ thể rất rườm rà. Chẳng hạn: 18 giờ chiều ngày chủ nhật 21.6, hoặc 9 giờ sáng ngày thứ bảy. Đã sáng hoặc chiều thì không cần ngày, đã ngày thì không cần nêu buổi, nêu thứ; ví dụ: sáng 20.6, gần 9 giờ ngày 20.6, lúc 10 giờ chủ nhật 21.6... Vừa gọn, vừa chính xác.

Lại nữa, cũng thời gian, nếu tính thời gian theo nhóm nửa ngày (12 tiếng) thì viết 7 giờ sáng, 5 giờ chiều là chính xác, nhưng tính theo 24 tiếng thì phần nửa ngày về sau không nên viết kiểu như 17 giờ chiều. Đã viết 17 giờ thì ai cũng hiểu đó là 5 giờ chiều, cần gì phải thêm chữ chiều, 21 giờ tức là 9 giờ tối, không cần phải viết 21 giờ tối.

Một sai nữa cũng xuất hiện nhiều trên báo là tính thời gian theo kiểu tính hệ thập phân. Nhiều phóng viên viết: 2,5 ngày, 6,5 giờ, bị án tù 7,5 năm tù giam... Xin nhớ: Một ngày có 24 tiếng đồng hồ, 1 giờ có 60 phút, 1 năm có 12 tháng... chứ không phải chí có 10 mà tính theo hệ thập phân. Trong những trường hợp có phần thời gian chỉ chiếm 1 nửa như trên, tiếng Việt đã có từ rất sát hợp là "rưỡi", ví dụ 2 giờ rưỡi, án tù 7 năm rưỡi.

Để chỉ thời gian ta cũng hay thấy trường hợp: đã từng, hiện đang... "Từng" bản thân nó hàm nghĩa "đã" rồi, ví dụ: tôi từng dạy học (không viết: tôi đã từng dạy học). “Hiện" là hàm nghĩa "đang" rồi, ví dụ nước ta hiện có 30% hộ nghèo (không viết: nước ta hiện đang có 30% hộ nghèo).

Không ít phóng viên, khi tường thuật, phản ánh những sự vụ hình sự, xã hội, chẳng hạn cháy nhà, tai nạn giao thông thường thòng câu cuối bản tin, rằng cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân. Như thế cũng thừa, bởi đó là nhiệm vụ bắt buộc của họ, điều tra là việc tất nhiên. Khi nào có kết quả điều tra thì thông tin tiếp, chứ không cần viết câu đó.

Có lần mua tờ báo Sài Gòn giải phóng, đang bận nên tôi liếc vội, thấy có cái tin "Xe lửa chạy xuyên trong nội thành TP.HCM", sực nghĩ vài điều liên quan, bèn biên ra đây.

Trong tiếng Việt, từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn, ta gọi chúng là từ Hán Việt. Trước khi tìm được những từ mới thuần Việt thay thế (mà chả biết đến bao giờ mới xong), việc cần làm là phải dùng cho chính xác, cụ thể là tránh những trường hợp thừa.

Trong cái tin nói trên, rõ ràng thừa chữ "trong" bởi từ "nội thành" đã hàm nghĩa "trong" rồi. Vì vậy chỉ cần viết "Xe lửa chạy xuyên nội thành TP.HCM" đã toát nghĩa, mà lại gọn. Nói đến chữ "nội" này, tôi nhớ đến người xứ Huế có vế đối "Không vô trong nội nhớ hoài" hình như chả ai đối được. Đành rằng trong nghĩa là nội, nhưng ở vế đối này nội còn có nghĩa là Đại nội thuộc kinh thành Huế, nó không trùng lặp với chữ trong.

Tình trạng thừa chữ khi dùng từ Hán Việt khá phổ biến trên báo chí, chẳng hạn: giữa trung tâm, tái lập lại, ngày sinh nhật, đường quốc lộ... Có người bảo dùng mãi quen rồi, cứ vẽ chuyện dọn vườn, nhưng tôi cho rằng nếu ta bớt chữ thừa đi mà nghĩa vẫn không suy suyển thì tại sao không làm. Ví dụ ta viết: kỷ niệm ngày sinh, mừng sinh nhật, trên quốc lộ... là được rồi, đèo thêm chữ thừa làm gì cho tốn giấy, tốn công gõ, công viết.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa thiếu trong bài báo