Mỗi năm, hàng chục ngàn thí sinh trúng tuyển Đại học nô nức vào TP.HCM để làm thủ tục nhập học. Bước vào một môi trường mới, các tân sinh viên đều cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng khi phải sống xa gia đình. Mối bận tâm chung của đa số sinh viên ngày đầu nhập học là tìm được một chỗ ở tốt.

Có nên 'ở trọ' nhà người quen?

19/08/2014, 19:38

Mỗi năm, hàng chục ngàn thí sinh trúng tuyển Đại học nô nức vào TP.HCM để làm thủ tục nhập học. Bước vào một môi trường mới, các tân sinh viên đều cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng khi phải sống xa gia đình. Mối bận tâm chung của đa số sinh viên ngày đầu nhập học là tìm được một chỗ ở tốt.

Có sinh viên lựa chọn cuộc sống tập thể ở kí túc xá, có bạn lại chọn ở trọ để sống tự lập. Không phải sinh viên tỉnh lẻ nào cũng có nhà người thân ở TP.HCM để có thể xin ở nhờ. Tuy nhiên, chuyện ở trọ nhà người quen thoạt đầu ai cũng nghĩ là tốt nhưng tới khi... "sống thật".
Co nen  o tro  nha nguoi quen?
Mối bận tâm chung của đa số sinh viên ngày đầu nhập học là tìm được một chỗ ở tốt sau khi lên thành phố ( Ảnh: Thành Linh)
Bạn Phạm Thị Thảo Trang, cựu sinh viên trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp chia sẻ: "Nhà dì ruột mình ở Sài Gòn, lúc trước dì thương mình lắm, hay gửi quà từ thành phố về quê cho mình. Khi biết mình sắp thi Đại học, dì mới bảo mình lựa trường nào gần nhà dì thi rồi vô đây ở chung cho tiện. Dì còn hứa hẹn vô đây ở thì ba mẹ chỉ phải lo tiền học phí thôi, còn tiền sinh hoạt phí dì sẽ lo hết".
Nghe lời dì, Trang đăng kí thi vào một trường Cao đẳng ở Q.7 gần nhà dì. Tưởng chừng, những năm tháng sinh viên sắp tới sẽ rất tốt đẹp nhưng đó lại là nỗi ám ảnh của Trang mỗi khi nhắc lại. Dì của Trang sống với dượng cùng hai đứa con đang đi học.
Từ khi có Trang vào ở thì cô bạn phải đứng ra san sẻ một phần việc nhà với dì. Những chuyện như lau nhà, rửa chén, phơi đồ, mua sắm linh tinh... Trang phải phụ giúp. Dần dà, Trang bị xem như là "ô-sin", từ dì dượng tới hai đứa em họ đều bắt Trang làm mọi chuyện trong nhà. Đến khi Trang làm sai chuyện gì, dì lại gọi điện về quê mắng vốn, bảo con gái càng lớn càng sinh hư, không có ý tứ.
Sau 3 năm ở trọ nhà người quen, đến khi tốt nghiệp rồi Trang về quê xin việc. Tình cảm giữa hai dì cháu cũng không còn mặn mà như xưa mà để lại chỉ toàn là mâu thuẫn, xích mích nhau.
Co nen  o tro  nha nguoi quen?
Chuyện ở trọ nhà người quen, nếu sống hòa hợp được với họ hàng thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập, còn nếu mâu thuẫn thì sẽ dẫn tới sứt mẻ tình cảm, đôi khi là không thèm nhìn mặt nhau. ( Ảnh: Thành Linh )
Đồng cảnh ngộ với Trang, bạn Đỗ Quỳnh Hương, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM ngán ngẩm kể lại: "Năm đầu mới vô học Đại học mình cũng ở nhà chú thím, nhưng vì trường ở xa dưới Thủ Đức nên mới chuyển ra ở kí túc xá 2 năm, thi thoảng mới ghé nhà chú thím chơi nên không có chuyện gì xảy ra. Cho tới năm 3 chuyển lên nội thành học, mình quay trở lại ở nhà chú thím cùng đứa em ruột mới đậu Đại học thì nhiều cớ sự bắt đầu xảy ra...".
Khi có hai đứa cháu tới ở chung thì chú thím của Hương rất vui vẻ tiếp nhận. Ban đầu, Hương không phải động tay vào việc nhà nhưng vì ở nhà mà không làm gì hết cũng kì nên Hương mới xắn tay vào phụ giúp việc nhà. Về sau, tất tần tật việc nhà Hương và đứa em đều phải làm hết, từ nấu cơm, quét nhà, rửa chén, giặt giũ tới chăm em bé con chú thím.
Vốn là một sinh viên Báo chí, Hương thường lăng xăng các công việc bên ngoài, đi làm thêm, đi cộng tác ở nhiều cơ quan. Từ đó, những công việc nhà Hương không đảm bảo chu toàn mọi thứ, dẫn tới việc bị chú thím nói nặng nhẹ, bảo suốt ngày chỉ đi chơi ngoài đường mà không chịu làm việc nhà. Quy định ở nhà là 22 giờ đóng cửa tắt đèn đi ngủ, do tính chất công việc nên Hương phải đi sớm về khuya, chú thím cũng không hỏi han hay thông cảm mà cho rằng cô bạn đi chơi khuya ảnh hưởng tới giấc ngủ của cả nhà.
Mâu thuẫn kéo dài cho đến cuối năm 4, Hương cùng đứa em quyết định chuyển ra ngoài ở trọ. Tình cảm vốn đã sứt mẻ, chú thím cũng không níu kéo chị em Hương ở lại.
Khi kể lại câu chuyện của mình, Hương ngậm ngùi chia sẻ: "Mỗi thế hệ có một suy nghĩ khác nhau, đến bố mẹ của mình cũng có lúc không hiểu mình. Dù có sai sót, dù có hiểu lầm thì họ vẫn là bố mẹ mình, dù mình có sai họ vẫn yêu thương và tha thứ còn như người thân thì khó lắm!".
Chuyện ở trọ nhà người quen, nếu sống hòa hợp được với họ hàng thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập, còn nếu mâu thuẫn thì sẽ dẫn tới sứt mẻ tình cảm, đôi khi là không thèm nhìn mặt nhau.
Lời khuyên cho các bạn tân sinh viên từ những người trong cuộc là: nếu có nhà người thân ở TP.HCM thì thời gian đầu có thể xin ở nhờ để làm quen với môi trường, đến khi quen rồi thì nên chuyển ra ngoài sống tự lập. Nếu bạn có thể đi làm thêm được thì tốt, ngoài việc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình thì còn học được nhiều kĩ năng sống. Không nên ở nhà người quen lâu dài nếu muốn giữ tình cảm giữa hai bên, vì "bát đĩa trong chạn còn khua", huống chi con người.
Nguyễn Thành Linh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên 'ở trọ' nhà người quen?