Tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. Nếu tái khởi động dự án, PVN phải chú trọng tới nhiều vấn đề, đặc biệt là nhân lực và chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến.

Có nên mở cửa cho PVN tái đầu tư dự án xơ sợi 7.000 tỉ đồng đang 'đắp chiếu'?

tuyetnhung | 04/10/2017, 14:17

Tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. Nếu tái khởi động dự án, PVN phải chú trọng tới nhiều vấn đề, đặc biệt là nhân lực và chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến.

          

Liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ PVTex, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có cuộc gặp riêng với một số đối tác để bàn về việc có nên tái khởi động dự án 7.000 tỉ đồng "đắp chiếu" suốt thời gian qua hay không?

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, hiện nay việc giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% sản phẩm xơ là sự khó khăn đối với các doanh nghiệp sợi, nhưng vì Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được đầu tư rất lớn, nằm trong kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, nên việc áp thuế nhập khẩu xơ 2% là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho ngành dệt may.

Theo ông Cẩm, sản phẩm xơ polyester có rất nhiều thuận lợi, từ thị trường đến kỹ thuật công nghệ, nhưng để có sản phẩm phù hợp, giá cả, chất lượng đảm bảo thì nhà máy vẫn chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, giá bán sản phẩm của Đình Vũ trước đây luôn cao hơn so với giá sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu. Chính vì vậy, cạnh tranh về giá sẽ rất khó khăn.

Vấn đề thứ hai là con người, nguồn nhân lực. Ông Cẩm cho rằng khâu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực nắm vững thiết bị công nghệ để sản xuất tốt là khâu quan trọng nhất. Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) nên thuê chuyên gia vận hành mới có thể đảm bảo chất lượng và độ ổn định sản phẩm của nhà máy. Nếu được thì thuê hẳn một doanh nghiệp chuyên nghiệp vận hành toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Hiện nay, ngành dệt may đang xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn sợi và nhập khoảng 900 nghìn tấn nguyên liệu/năm. Năm vừa qua, thuế thu được từ mặt hàng xơ nhập khẩu khoảng 3 triệu USD. "Vì vậy, tôi đề nghị PVTEX nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ một phần vốn từ nguồn thuế này. Mặt khác, lượng vốn lưu động còn lại cần mở cửa cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì chỉ có PVN mới đủ khả năng đầu tư cho PVTex", ông Cẩm đề nghị.

Thị trường sợi miền Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lượng xơ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Tại khu vực này có một lượng khách hàng rất lớn sản xuất "hàng chợ". Những tiểu thương này không cần hóa đơn đầu vào, xuất bán hàng chất lượng thấp nên họ giảm sâu giá thành. Họ bán sợi với giá cực thấp, thậm chí chỉ ghi hóa đơn 7.000 đồng/kg, trong khi giá thành sợi thấp nhất của Việt Nam đã tới 38.000 đồng/kg. Thực tế 7.000 đồng chưa đủ tiền mua xơ nguyên liệu. Đây là sự phá giá trắng trợn khiến nhiều doanh nghiệp miền Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn.

Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)... đều hy vọng Nhà máy xơ sợi Đình Vũ có thể hoạt động trở lại để tạo sự cạnh tranh công bằng, làm trong sạch thị trường.

Với dự án này, Bộ Công Thương cho biết tình trạng hiện tại vẫn còn hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. "PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên của tập đoàn (PVFCCo, PVCFC, BSR) đến hỗ trợ PVTex rà soát, đánh giá thực trạng nhà máy; thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng nhà máy. Đồng thời, PVN đã thành lập tổ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý... từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại nhà máy. Thời gian tới sẽ triển khai thực hiện và thông tin đầy đủ về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ", Bộ Công Thương cho hay.

PVTex có tổng mức đầu tư 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỉ đồng) tại Hải Phòng với chủ đầu tư do Đạm Phú Mỹ góp 25,99% vốn và PVN góp 74% vốn thành lập. Dự án ra đời cuối năm 2008 trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Một trong những khó khăn chính khiến công ty thua lỗ triền miên từ khi đi vào vận hành là giá dầu thô, bông giảm kỷ lục khiến giá bán sản phẩm của công ty, vốn đã ở mức thấp vì chất lượng, càng gặp khó. 

Báo cáo tài chính năm 2015 tiết lộ PVTex có khoản lỗ 1.255 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỉ đồng. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỉ đồng, lỗ 1.085 tỉ đồng. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỉ đồng của nhà máy này.

Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ ngày 17.9.2015 đến nay. Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỉ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.

Trong văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định: "Tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nhà máy có nguy cơ phá sản. Do vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là hỗ trợ vốn cho công ty tồn tại, cấp vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất".

Tuyết Nhung

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên mở cửa cho PVN tái đầu tư dự án xơ sợi 7.000 tỉ đồng đang 'đắp chiếu'?