Đài CNN phỏng vấn Phó giáo sư y tế lâm sàng Leana Wen (Đại học George Washington, Mỹ) quanh vấn để sử dụng đồng hồ thông minh hỗ trợ tập luyện thể thao và theo dõi sức khỏe.
Khoa học - công nghệ

Có nên dùng đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe?

Cẩm Bình 27/07/2024 15:47

Đài CNN phỏng vấn Phó giáo sư y tế lâm sàng Leana Wen (Đại học George Washington, Mỹ) quanh vấn để sử dụng đồng hồ thông minh hỗ trợ tập luyện thể thao và theo dõi sức khỏe.

Ngày nay đồng hồ thông minh không còn chỉ để xem giờ, nhắn tin, nghe nhạc nữa mà đã trở thành thiết bị quan trọng trong thói quen chăm sóc sức khỏe của nhiều người. Vậy chúng có thể phát hiện vấn đề tim mạch chẳng hạn như nhịp đập không đều hay đau tim không; nên dùng chúng đo nồng độ oxy hay lượng đường trong máu không, đồng hồ có giúp ngủ ngon không...?

screenshot-2024-07-27-141243.png

Công cụ hỗ trợ tập luyện thể thao đắc lực

Sở hữu tính năng kết nối bluetooth và có thể kết nối với điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh cho phép người dùng sử dụng một số tính năng trên điện thoại như nhận tin nhắn, nghe nhạc, trả lời cuộc gọi hoặc thư điện tử.

Ngoài ra chúng còn thu thập dữ liệu về thể chất và sức khỏe. Phó giáo sư Wen - một người thích tập luyện - đặc biệt thích tính năng đếm số bước chân.

Theo một nghiên cứu công bố tháng 3, người ít vận động nếu đi bộ được 9.000 - 10.000 bước mỗi ngày giúp giảm 21% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 39% nguy cơ qua đời sớm. Một nghiên cứu công bố năm ngoái cũng xác định chỉ đi bộ 4.000 bước mỗi ngày cũng giảm nguy cơ qua đời sớm.

Đồng hồ thông minh giúp theo dõi số bước chân trong ngày, nhắc nhở đi đủ số bước cần thiết và khuyến khích mọi người đi bộ nhiều hơn.

Người tập luyện thể thao, đặc biệt là vận động viên thường cần theo dõi nhịp tim lúc tập. Mức lý tưởng là dưới 70 - 75% nhịp tim tối đa (cảm thấy được bản thân đang tập luyện nhưng không quá sức). Đồng hồ thông minh với tính năng theo dõi nhịp tim đóng vai trò nhắc nhở, giúp vận động viên tự giác duy trì mức lý tưởng.

Thiết bị tiên tiến hơn còn theo dõi tốc độ, khoảng cách cùng nhịp chạy, thậm chí nhận biết loại hình thể thao mà người dùng đang tập luyện. Một số có tính năng dẫn đường bằng GPS.

Dùng đồng hồ thông minh phát hiện vấn đề tim mạch

Phó giáo sư Wen lưu ý rằng đồng hồ thông minh không được cấp phép để làm thiết bị chẩn đoán đau tim. Nếu người dùng đau ngực mà đồng hồ thông minh hiển thị nhịp tim lẫn điện tâm đồ bình thường thì không có nghĩa họ không gặp vấn đề gì. Lúc đó người dùng nên tìm kiếm trợ giúp y tế ngay lập tức.

Theo Phó giáo sư Wen, đồng hồ thông minh không thay thế thiết bị theo dõi y tế chuyên dụng.

Số ít thiết bị như Apple Watch, Fitbit Sense, Samsung Galaxy được Cơ quan Quản lý thực phẩm - dược phẩm Mỹ (FDA) được cấp phép cho chức năng phát hiện nhịp tim bất thường ở nhóm người trưởng thành không có tiền sử bị rung nhĩ. Rung nhĩ khá thường gặp và dễ dẫn đến suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.

Khi nhận thông báo bất thường từ đồng hồ thông minh, người trước đây không có bất thường về tim nên liên hệ ngay với bác sĩ.

Đo nồng độ oxy và lượng đường trong máu

Phó giáo sư Wen cho biết đồng hồ thông minh chưa chắc đo chính xác nồng độ oxy. Người cần theo dõi vì có vấn đề tiềm ẩn về phổi nên sử dụng thiết bị chuyên dụng. Máy đo nồng độ oxy xung không đắt và dễ mang theo, lại đáng tin cậy hơn.

Còn về đo lượng đường trong máu, FDA đã ra khuyến nghị không nên dựa vào đồng hồ thông minh hay nhẫn thông minh vì kết quả đo không chính xác. Dữ liệu không chính xác đặc biệt nguy hiểm cho người bị tiểu đường, khiến họ hiểu lầm bản thân dùng quá ít hoặc quá nhiều thuốc.

Đồng hồ thông minh có giúp ngủ ngon không?

Nhiều đồng hồ thông minh thu thập dữ liệu giấc ngủ, cho người dùng biết họ ngủ bao lâu, dành bao nhiêu thời gian cho từng giai đoạn ngủ.

Phó giáo sư Wen nhận định tính năng này rất hữu ích. Bà thử liên hệ dữ liệu giấc ngủ với thay đổi trong không gian nơi bà ngủ để tìm hiểu xem thay đổi nào giúp ngủ ngon hơn.

Ngoài ra bà Wen cũng thích tính năng ghi nhận thay đổi nhịp tim lúc ngủ. Ví dụ khi không ngủ ngon hay luyện tập nặng thì nhịp tim lúc ngủ ít thay đổi, báo hiệu cơ thể căng thẳng và ít phục hồi hơn, do đó bà sẽ ưu tiên ngủ thêm hoặc điều chỉnh quá trình tập luyện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên dùng đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe?