Người ấy không xa lạ với bạn đọc Báo Thanh Niên trong cả nước: đó là anh Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Có một người vì quá yêu bóng đá

Thanh Niên | 21/10/2016, 15:15

Người ấy không xa lạ với bạn đọc Báo Thanh Niên trong cả nước: đó là anh Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

​Là Tổng biên tập Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Công Khế còn là người chủ chốt lập ra Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên. Thú thật, thân quen với Nguyễn Công Khế đã lâu, anh em hiểu nhau, nên tôi không ngạc nhiên khi anh chủ trương một tờ báo. Thoạt đầu, Báo Thanh Niên còn mang tên Tuần Tin Thanh Niên và chỉ khiêm tốn ra mỗi tuần vài kỳ. Tôi hăng hái tham gia với anh Khế và anh Đặng Thanh Tịnh trong tính cách bạn bè, vui là chính, chứ cũng chưa nghĩ tới chuyện viết báo chuyên nghiệp. Thế mà chẳng bao lâu, từ một tờ “tin”, Báo Thanh Niên đã vươn mình trở thành một tờ nhật báo, một tờ báo lớn. Khi Báo Thanh Niên ra hằng ngày, là “nhật trình” rồi thì tôi cũng đã thành người làm thuê “chuyên nghiệp” của báo.

Nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Minh Triết - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tại giải U.21 năm 2005

Từ năm 1994, tôi đã viết về bóng đá, đầu tiên là bóng đá thế giới, rồi tới bóng đá khu vực, cuối cùng là bóng đá Việt Nam. Không hiểu sao tôi lại “ngược đường” như thế khi trở thành một người viết bình luận bóng đá. Bình thường, thì người ta viết về bóng đá trong nước trước. Nhưng tới năm 1997, khi lần đầu tiên Báo Thanh Niên đứng ra tổ chức giải bóng đá U.21, thì tôi ngạc nhiên thực sự. Vì thông thường, các giải đấu bóng đá trong nước từ trước đều do VFF đảm nhiệm. Năm nào cũng đều đặn tổ chức các giải trẻ, nhưng thú thực là ít người để ý tới. Bỗng đâu có một tờ báo “nhảy ra” tổ chức một giải bóng đá nghiêm chỉnh là giải U.21, thoạt đầu tôi cũng thấy... sao sao, chắc do mình lâu nay quen với tư duy bao cấp, cái gì hơi khác khác là ngại, thậm chí tỏ thái độ dè dặt, nghi ngờ. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy chính tính cách của Tổng biên tập Nguyễn Công Khế đã quyết định cho sự ra đời của giải đấu này. Đó là sựquyết đoán, nồng nhiệt, say mê khi làm những việc mà trước anh ít người làm, thậm chí chưa ai làm. Thì bóng đá cũng chỉ là bóng đá, nhưng ai đã luôn dõi theo bóng đá thế giới đều biết, bóng đá còn là môn thể thao vua thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên của một quốc gia. VN không phải ngoại lệ trong chuyện này. Vậy thì nếu tổ chức một giải đấu U.21 thành công, cầu thủ trẻ và các đội bóng trẻ VN sẽ có một sân chơi mới với tiêu chí mà bóng đá VN trước đó chưa có: đó là tiêu chí bóng đá “Xanh, Sạch, Đẹp” được Báo Thanh Niên tung ra như một slogan đầy ấn tượng. Giống như môi trường sống, môi trường bóng đá VN cũng cần phải được “Xanh, Sạch, Đẹp” để tồn tại và phát triển. Đã có không ít tài năng bóng đá trẻ của chúng ta bị môi trường bóng đá ô nhiễm làm thui chột ngay lúc họ có thể đưa tài năng của mình tới đỉnh cao. Đó là nỗi đau mà một người làm báo như Nguyễn Công Khế cảm nhận sâu sắc. Như thế, làm bóng đá U.21 “Xanh, Sạch, Đẹp” cũng là thể hiện lòng yêu nước. Mà yêu nước một cách cụ thể, thiết thực, chứ không nói suông. Với cách làm bóng đá U.21 của Báo Thanh Niên, bây giờ người ta gọi như thế là “đột phá”. Mà đã “đột” thì phải “phá”, phá cái cũ làm cái mới ban đầu bao giờ cũng gây… choáng. Nhưng rồi, chính tư duy đột phá lại tạo nên sự hào hứng, lại thu hút được những người ham thích cái mới, cái đẹp đích thực của bóng đá - môn thể thao được coi là tổng hợp tất cả vẻ đẹp, sức mạnh cũng như nghệ thuật cùng kỹ năng của con người.

Còn tại sao lại chọn giải đấu U.21 để tổ chức, mà không phải là U.17, U.19 hay U.23 ? Có lẽ, vị tổng biên tập và đồng nghiệp của mình ở Báo Thanh Niên đã nhận định rằng U21 là lứa tuổi “bắc cầu” trong bóng đá chuyên nghiệp. Có nhiều cầu thủ thành danh khi chưa tới 20 tuổi. Nhưng cũng có rất nhiều cầu thủ khác cần một “cú hích” mạnh mẽ ở lứa tuổi U.21 để có thể vươn lên thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Và một giải đấu dành cho lứa tuổi U.21 sẽ là một chiếc cầu hữu ích nhằm nâng đỡ và tạo đà cho rất nhiều cầu thủ trẻ. Ở lứa tuổi ấy, cầu thủ chưa đủ độ già dặn về kinh nghiệm nhưng lại đầy nhiệt huyết, tràn đầy nhiệt tình sáng tạo và cống hiến. Bắc được một “chiếc cầu” tốt thì người “qua sông” sẽ thuận lợi hơn, thanh thản hơn và nhìn thấy con đường mình sắp đi rõ ràng hơn. 20 năm của giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên đã làm được chuyện “bắc cầu” ấy, vượt qua tất cả những khó khăn vốn vẫn tồn tại ở môi trường bóng đá VN. Chỉ riêng trong lĩnh vực tổ chức giải bóng đá U.21 này thôi, Nguyễn Công Khế cùng cộng sự của anh ở Báo Thanh Niên đã chứng tỏ người làm báo có thể làm tốt được cả những việc ngoài khuôn khổ tờ báo. Nếu đó là những việc được xã hội ủng hộ, thì không khó khăn nào ngăn cản được nhiệt huyết của nhà báo. Giải đấu U.21 tồn tại được 20 năm là một minh chứng: khi chúng ta thực sự yêu nước, chúng ta sẽ thể hiện được sức mạnh cũng như sự sáng tạo tiềm ẩn của mình. Giải U.21 hàng năm là một điểm sáng cho tinh thần sát cánh ấy.

Theo THANH THẢO (Thanh Niên Tuần San)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một người vì quá yêu bóng đá