Từ gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tháng 6.1997, Giải bóng đá U.21 đầu tiên, khi đó gọi là U.22 đã ra đời mà giải thưởng cho đội vô địch là 150 triệu đồng, cao hơn cả đội giành ngôi vô địch quốc gia thời điểm đó.

Nhớ về Giải U.21 đầu tiên

Thanh Niên | 21/10/2016, 14:00

Từ gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tháng 6.1997, Giải bóng đá U.21 đầu tiên, khi đó gọi là U.22 đã ra đời mà giải thưởng cho đội vô địch là 150 triệu đồng, cao hơn cả đội giành ngôi vô địch quốc gia thời điểm đó.

Tôi còn nhớ vào ngày cuối cùng của tháng 4.1997, anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập và anh Đặng Thanh Tịnh, Phó tổng biên tập gọi tôi lên phòng thông báo: “Em chuẩn bị đi Hà Nội nhé để cùng với Liên đoàn Bóng đá VN làm giải bóng đá trẻ dành cho lứa tuổi dưới 22. Cuối tháng 5 báo mình sẽ làm giải”. Chưa hết ngạc nhiên vì có bao giờ một tờ báo đứng ra tổ chức giải bóng đá trẻ đâu, tôi được anh Nguyễn Lân Trung khi đó là ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN gọi điện “bồi” thêm: “Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho Đoàn và Hội rồi, cần phải xây dựng lại nền bóng đá VN bằng việc củng cố tốt chân rết. Phải làm lại từ bóng đá trẻ. Đây là yêu cầu tất yếu, em là phóng viên viết thể thao và cũng có quan hệ tốt với những hoạt động trong giới, nên phải ra đây phụ anh. Tụi mình không thể thoái thác”.

Chỉ chưa đầy 1 tháng chuẩn bị nhưng anh Khế, anh Tịnh rất xông xáo, lo cho giải đủ thứ, nhất là kiếm tiền. Khi đó chi phí cho giải gần 2 tỉ đồng, một con số lớn khủng khiếp mà vận động tài trợ lúc bấy giờ chỉ chưa được một nửa. Ban biên tập đã quyết định “có lỗ vẫn làm” vì lời hứa phải thực hiện với Thủ tướng, với mệnh lệnh của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ủy ban TDTT cũng như trách nhiệm với phong trào thanh niên và bóng đá trẻ. Thậm chí anh Khế lúc đó còn quyết lấy tiền tài trợ của chương trình ca múa nhạc thời trang Duyên dáng VN để bù cho U.21 giúp cho giải diễn ra đúng tiến độ và đảm bảo nguồn chi phí cần thiết.

Nhằm gây ảnh hưởng và tạo tiếng vang, giải thưởng của giải U.22 lên đến hơn 300 triệu đồng, trong đó chức vô địch là 150 triệu đồng. Công tác truyền thông khi đó đẩy mạnh đến mức chóng mặt khi giải đấu thu hút hơn 40 đơn vị truyền hình, báo nói và báo in với gần 100 phóng viên tề tựu về Hà Nội để đưa tin cho giải. Hàng trăm bài viết trước giải đã cổ vũ mạnh mẽ đến mức đi đâu ở Hà Nội cũng nghe nói về giải U.22.

Mùa hè năm đó Hà Nội rất nóng, việc tổ chức lại diễn ra ở 2 sân, một ngày sân Hàng Đẫy đá thì hôm sau sân Cột Cờ đá. Lúc đó chỉ có 8 đội được mời tham gia vì không phải địa phương nào cũng có đội trẻ như bây giờ. Ngoài Nghệ An, TP.HCM, Hà Nội, và Quân đội là có đội trẻ đúng nghĩa, còn lại Gia Lai, Đồng Tháp, Hải Phòng và Bình Dương được mời vì có yếu tố vùng miền và các đội này phải tăng cường nhân sự từ vài địa phương khác, như Bình Dương phải chọn Đức Mạnh của Đồng Nai, Đồng Tháp bổ sung Phan Văn Giàu và Phan Anh Tuấn của Long An.

Thể thức lúc đó cũng đá loại trực tiếp 2 lượt, khá gay go, nhưng từng trận đều rất hay như Quân đội với dàn hảo thủ tài năng Đặng Phương Nam, Nguyễn Mạnh Dũng, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng... gặp khó trước Gia Lai của Nguyễn Văn Đàn, Trịnh Duy Quang; hoặc Hà Nội của Tuấn Thành, Đỗ Thành Tôn mướt mồ hôi mới thắng được Bình Dương ngoan cường. Đặc biệt trận chung kết chỉ có 1 lượt, nghĩa là toàn giải chỉ có 13 trận, nhưng trận nào lúc đó cũng thu hút người xem rất đông, chen đầy trên cả 2 sân. Anh Quốc Phong, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên lúc đó, anh Lân Trung và tôi vừa phải lo phụ với các anh Trần Bảy, Tồng thư ký Liên đoàn Bóng đá và anh Ngô Tử Hà, Trưởng bộ môn bóng đá về chuyên môn, vừa phải tham gia viết bài tuyên truyền cung cấp cho đồng nghiệp, và còn đi phát từng tờ báo, giải quyết đủ thứ chuyện như việc đặt bảng quảng cáo đụng hàng của 2 hãng nước ngọt, vụ kiện cáo liên quan đến tuổi đội Gia Lai…

Và rồi giải cũng diễn ra suôn sẻ, thành công. Ngày thi đấu bán kết trên sân Cột Cờ, chính phủ vừa họp xong thì Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã lập tức đến sân động viên 2 đội tranh tài. Còn hôm TP.HCM đá chung kết với Quân đội trên sân Hàng Đẫy, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến sân xem và xuống sân trao giải. Chính sự có mặt dự khán của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước là nguồn cổ vũ và động viên to lớn cho giải U.21 ngày càng thành công và sau này trở thành giải đấu trẻ uy tín bậc nhất của bóng đá VN

Sau mỗi giải U.21 là đi thi đấu quốc tế

Năm 1997, sau khi tổ chức thành công giải U.21 đầu tiên, Báo Thanh Niên đã cùng Liên đoàn BĐVN thành lập đội tuyển U.22 đi Perak (Malaysia) thi đấu. Đây là đội bóng do HLV Weigang huấn luyện và 2 trận đấu tại đây đã giúp nhiều cầu thủ trẻ tích lũy được kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Năm 1998 sau Giải U.21 lần 2, lại có đội U.21 đi tham dự Cúp thế giới đoàn kết tại Pháp. Năm 1999, 2000 sau giải U.21, Báo Thanh Niên lại cùng với Liên đoàn lập đội U.21 đi dự Cúp Mùa Đông tại Norcia (Ý). Năm 2001 sau giải U.21 lần 5, đội U.21 lại đi thi đấu tại Argentina. Năm 2006, Báo Thanh Niên quyết định mời đội U.21 Thái Lan sang đá giao hữu trên sân Chi Lăng làm tiền đề cho việc tổ chức Giải U.21 quốc tế bắt đầu từ năm 2007 đến bây giờ.

Theo Quang Tuyến (Thanh Niên Tuần san)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ về Giải U.21 đầu tiên