Tôi từng gặp rất nhiều người nước ngoài mang trong mình một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam, nhưng yêu đến mức quyết định từ bỏ công việc kinh doanh, bán cả nhà bên Mỹ và chia đôi thời gian sống giữa Mỹ và Việt Nam, dành hầu hết thời gian, sự quan tâm và năng lượng của mình để “chụp” tâm hồn Việt Nam và “khoe” với thế giới để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam giống như nghệ sĩ Lawrence d’attilio đã làm thì quả không dễ có mấy người.

Có một người Mỹ yêu Việt Nam như thế!

Một Thế Giới | 01/02/2016, 13:33

Tôi từng gặp rất nhiều người nước ngoài mang trong mình một tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam, nhưng yêu đến mức quyết định từ bỏ công việc kinh doanh, bán cả nhà bên Mỹ và chia đôi thời gian sống giữa Mỹ và Việt Nam, dành hầu hết thời gian, sự quan tâm và năng lượng của mình để “chụp” tâm hồn Việt Nam và “khoe” với thế giới để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam giống như nghệ sĩ Lawrence d’attilio đã làm thì quả không dễ có mấy người.

Việt Nam - Bữa tiệc không bao giờ kết thúc
Tôi biết đến nghệ sĩ Lawrence D’Attilio thông qua triển lãm ảnh “Tâm hồn Việt Nam” của ông diễn ra vào cuối năm 2015 tại Hà Nội. Bị hấp dẫn bởi “tham vọng” của một người nước ngoài muốn vẽ phác họa “Tâm hồn Việt Nam” thông qua những bức ảnh ông đã chụp, tôi tìm tới buổi khai mạc triển lãm của ông. Giống như hầu hết những buổi ghé thăm các triển lãm của tôi, hôm đó tôi đi một mình tới triển lãm của ông. Không ngờ, khi bước vào phòng triển lãm, không hẹn mà tôi đã được gặp nhiều bạn bè của tôi tại buổi lễ. 
Trò chuyện với một người bạn của tôi, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân tại buổi triển lãm tôi mới biết Lawrence D’Attilio hoàn toàn không còn là một vị khách với Việt Nam nữa, ông đã có 9 năm gắn bó với mảnh đất thân thương này. Và ông không chỉ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông còn là một nhạc công tài ba. Mối duyên đưa đến những thân tình giữa Vũ Nhật Tân và Lawrence D’Attilio chính là từ âm nhạc chứ không phải từ nhiếp ảnh. Buổi khai mạc triển lãm tranh hôm ấy, người đến thăm triển lãm được thưởng thức màn trò chuyện bằng âm nhạc rất tinh tế giữa Vũ Nhật Tân và vợ của Lawrence D’Attilio. Bà là một nghệ sĩ violin tại Mỹ nhưng đã bị tình yêu đặc biệt của chồng đối với Việt Nam mê hoặc nên đã theo chồng sang Việt Nam sinh sống. Thế mới biết, đôi vợ chồng nghệ sĩ này gắn bó với Việt Nam nhường nào. Tôi đưa mình khám phá những bức ảnh về Việt Nam của Lawrence D’Attilio với một mối thiện cảm sâu sắc dành cho người nghệ sĩ già. 
Tôi thật sự hứng thú muốn biết “tâm hồn Việt Nam”, muốn khám phá tâm hồn của đất nước tôi là như thế nào dưới con mắt và trong trái tim của một nghệ sĩ Mỹ. Và tôi đã tìm thấy trong những bức ảnh về phong cảnh, về nhân vật, về những khoảnh khắc khác biệt một Việt Nam đang đổi thay nhanh chóng, một đất nước của nguồn năng lượng vô biên với những hình ảnh đại diện là người phụ nữ có vẻ ngoài bình thường song ẩn chứa một sức sống vô cùng mãnh liệt và khác biệt. Ông bảo, tâm hồn Việt Nam quá thú vị, đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng đang tràn đầy năng lượng. Sống ở Việt Nam, ông tưởng như mình được tham gia vào một bữa tiệc không bao giờ kết thúc. “Việt Nam giống như một bữa tiệc không bao giờ kết thúc. Lúc nào cũng tươi vui, sống động và nảy nở không ngừng” - Lawrence D’Attilio nói. Khám phá “tâm hồn Việt Nam” của Lawrence D’Attilio, xúc động trước cái nhìn vô cùng nhạy cảm, tinh tế và nhân văn của người nghệ sĩ, tôi không thể ngăn được ham muốn tìm hiểu về người nghệ sĩ này. 
Đặc biệt, khi nghe ông nói: “9 năm qua, Việt Nam đã làm sâu sắc, phong phú hơn tâm hồn tôi. Cuộc sống Việt Nam đã định nghĩa lại tôi theo cách mà tôi không thể ngờ trước khi tôi đến đây lần đầu tiên, năm 2006. Vì vậy, mỗi lần triển lãm là một lần bản ngã của tôi được diễn dịch lại, thể hiện khác đi và đó chính là điểm khác biệt”, thì người nghệ sĩ già này càng khiến tôi tò mò hơn nữa về ông. 

Chân dung một “người Mỹ thầm lặng” 

Lawrence D’Attilio học nhiếp ảnh, học mỹ thuật, là một nhạc công từng chơi đàn bassoon cho ba dàn nhạc giao hưởng lớn ở Mỹ, từng tham gia giảng dạy về nhiếp ảnh và một số trung tâm nghệ thuật ở Mỹ. Ông là một người New York nhưng không thích cái ồn ào của thành phố này đã chọn California làm nơi cư ngụ. Nhưng nay, vì quá say mê Việt Nam mà ông cùng vợ, một cây vĩ cầm, lên kế hoạch sống ở Việt Nam. Ông kể, ông bắt đầu bén duyên với Việt Nam từ năm 2016, trong một dự án triển lãm sắp đặt với các bức ảnh in âm bản làm trung tâm, có tên gọi Những cửa sổ Hà Nội tại Hà Nội (Hanoi Campus). 
Lúc đó, khi quyết định tham gia vào dự án tại Việt Nam, ông nhận được rất nhiều lời khuyên từ bạn bè là không nên tham gia. Với bạn bè ông và với ông khi đó, tất cả những gì về Việt Nam chỉ là nghèo đói, lạc hậu và chiến tranh. Nhưng, vì một lẽ sâu kín khó hiểu nào đó, Lawrence D’Attilio vẫn quyết định tham gia vào dự án tại Việt Nam. Và Việt Nam - một “đất nước nhỏ bé nhưng tràn đầy năng lượng” - đã lập tức quyến rũ người nghệ sĩ ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Kể từ đó, Lawrence D’Attilio năm nào cũng tìm cách “hẹn hò” với Việt Nam. 
Ông mang theo những dự án của mình, từ dự án nghệ thuật cho tới dự án xã hội. Tất cả đều nhằm mục đích để ông được thỏa lòng khám phá tâm hồn Việt Nam, được lặn ngụp trong tâm hồn Việt Nam và được đắm say với nó. Ban đầu ông đi một mình, ở mỗi năm chừng 3 - 4 tháng; nay thì ông đã thuyết phục được cả người vợ xinh đẹp đi cùng và dành một nửa thời gian trong năm cho Việt Nam. Từ 2014, vợ chồng ông quyết định sẽ chia đôi thời gian trong năm cho Việt Nam và Mỹ. Vợ ông, ngoài thời gian tìm kiếm các công việc liên quan đến cây đàn violin như chơi cùng nhóm nhạc công Việt Nam nhân một sự vụ gì đó, còn dành thời gian để làm từ thiện và viết về cuộc sống ở đây. 
Bà thậm chí còn có ý định viết tiểu thuyết về cuộc sống Việt Nam, với hy vọng sẽ giúp người nước ngoài cảm nhận đa chiều và hiểu hơn về đất nước kỳ ảo này. Chính bà lúc này cũng đang bị Việt Nam quyến rũ. Để bây giờ, đôi vợ chồng già trong những ngày sống ở Việt Nam đều chở nhau trên xe máy, len lỏi khắp ngõ ngách Hà Nội giống như bao người dân Việt Nam khác. Lawrence D’Attilio tự hào khoe, ông đã có “kỹ năng của người Việt Nam”. 
Kể từ sau dự án Những cửa sổ Hà Nội năm 2006, đến nay Lawrence D’Attilio đã kịp có thêm hai triển lãm cá nhân giới thiệu dự án nhiếp ảnh ở Việt Nam tiêu đề Tâm hồn Việt Nam (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Thọ Studio, cùng trong năm 2008), sau đó là các chuyến chu du đến Milan và một số gallery khác quanh nước Mỹ cho các triển lãm nói trên. Đỉnh điểm là tour triển lãm Tâm hồn Việt Nam do The Museum of the Gulf Coast, bang Texas, thực hiện trong năm 2014. Ngoài các dự án nghệ thuật, Lawrence D’Attilio cũng kịp thực hiện xong một dự án xã hội giúp đỡ phụ nữ nông thôn vay vốn quy mô nhỏ để phát triển cuộc sống ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Cùng từ dự án này, ông khám phá được rất nhiều về tâm hồn Việt Nam thông qua hình ảnh những người phụ nữ can đảm và vô cùng đặc biệt. 

Được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam 

Giống như bao người nước ngoài khác, giao thông của Việt Nam từng là nỗi kinh ngạc lớn với Lawrence D’Attilio. Nhưng nay thì ông đã có thể tham gia rất “ngọt” vào giao thông “hỗn loạn” ấy bằng chiếc xe máy. 74 tuổi, Lawrence D’Attilio vẫn có thể đi xe máy “ngon lành” tới mọi ngõ ngách của Hà Nội - một việc tưởng đáng ngạc nhiên ngay cả với một người Việt Nam. Hỏi ông nguyên do, ông hóm hỉnh bảo, là vì ông đã được truyền cảm hứng và sự dũng cảm của phụ nữ Việt Nam! Đó là câu nói vui, nhưng ông bảo nó vẫn có sự thật ở trong đó. Bởi lẽ, ông đã học được những câu chuyện về cuộc sống và thái độ sống của người Việt Nam, nhất là người phụ nữ. 
Sự mạnh mẽ, can đảm đối diện khó khăn và đạo đức của họ trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Họ ít nhiều làm thay đổi con người ông và truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong gia đình ông, cùng đến và gắn bó với Việt Nam. “Tôi rất khâm phục họ. Có chị ở huyện trung du Lập Thạch, chỉ nhờ chút vốn vay nhỏ, đã xoay xở tạo công ăn việc làm cho cả chủ với 10 - 15 nhân công khác, còn dạy dỗ được con cái vào đại học lần đầu trong cả họ mạc. Nhiều bạn gái trẻ ở nông thôn ra thành phố học tập và tìm cách trụ lại, rất căng thẳng song vẫn cố gắng không để mất đi bản ngã cá nhân vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống họ mạc gia đình và bản sắc địa phương; tôi gọi đó là “những phụ nữ toàn cầu mới”” - Lawrence D’Attilio xúc động chia sẻ về những người đã truyền cảm hứng và lòng dũng cảm cho ông. 
“Tôi, một người đàn ông phương Tây, phải học được họ chút gì để không tự cảm thấy kém cỏi trước họ chứ? Giao thông ở Hà Nội quả là đáng kinh ngạc nhưng không hề gì, chúng tôi đã có kỹ năng của người Việt Nam” - Lawrence D’Attilio vui vẻ khoe. Người nghệ sĩ già còn bảo, cũng bởi những người Việt Nam giản dị, bé nhỏ nhưng rất đặc biệt như thế đã khiến cho tâm hồn ông được phong phú, sâu sắc hơn. Yêu và cảm phục những người phụ nữ Việt Nam, ngay trước triển lãm Tâm hồn Việt Nam, Lawrence D’Attilio đã làm triển lãm riêng về những người phụ nữ Việt Nam vào đầu tháng 11.2015 tại Hà Nội. Triển lãm có tên Những phụ nữ toàn cầu mới trưng bày các tác phẩm thử nghiệm nhiếp ảnh và đồ họa vi tính, với ý niệm khai phá những căng thẳng của người phụ nữ Việt Nam trước áp lực sống mới.
Nguyễn Khánh / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một người Mỹ yêu Việt Nam như thế!