Trước đây nhiều nhà khoa học cho rằng có một vài làn sóng người tiền sử di cư khỏi châu Phi là lục địa nơi xuất hiện loài người chúng ta.
Chẳng hạn, có giả thiết cho rằng trong một đợt di cư, tổ tiên của những người thổ dân Australia đã đi men theo bờ phía Nam của châu Á. Còn một giả thiết khác cho rằng có một đợt di cư muộn hơn dẫn đến việc định cư ở lục địa Á-Âu. Nhưng những kết quả phân tích di truyền mới đây lại khiến người ta nghi ngờ về điều đó.
3 nhóm khoa học độc lập đã phân tích hệ gen đầy đủ của nhiều thổ dân Australia và New Guinea. Họ đã đi đến kết luận rằng giống như cư dân lục địa Á- Âu, những thổ dân đó cũng xuất phát từ nhóm người Homo sapiens, rời bỏ châu Phi chừng 50-60 nghìn năm trước theo các hướng khác nhau. Cả 3 công trình nghiên cứu của họ đều được công bố trên tạp chí khoa học Nature. Gần 10 năm trước đã xuất hiện giả thiết về làn sóng di cư sớm của những người gốc Phi qua cái gọi là “con đường phương Nam”: Ethiopia, bán đảo Arabian, bờ biển Ấn Độ, Đông Dương, Australia.
Một số công trình nghiên cứu di truyền đối với vật liệu ADN ti thể đã khẳng định giả thiết đó. Chúng cho thấy những khác biệt đáng kể giữa những người thổ dân Australia và những người khác sống ở bên ngoài châu Phi.
Giờ đây các công trình nghiên cứu đã được tiến hành trên hệ gen đầy đủ. 3 nhóm chuyên gia về di truyền đã bổ sung vào cơ sở dữ liệu hiện có hàng trăm hệ gen của người châu Phi, người New Guinea và người Australia. Mỗi nhóm đều sử dụng các mô hình máy tính giả định sai và phân tích thống kê để lý giải sự giống nhau và khác nhau trong các hệ gen đó.
Sau khi so sánh hệ gen của các thổ dân Australia với hệ gen của những người khác, nhóm nghiên cứu do nhà di truyền học tiến hóa Eske Willerslev ở Đại học Copenhagen, Đan Mạch, lãnh đạo, đã đi đến kết luận rằng người Australia tách khỏi cư dân lục địa Á-Âu 50-70 nghìn năm trước sau khi tổ tiên chung của họ tách khỏi người châu Phi. Điều đó có nghĩa là chỉ có một lần họ di cư khỏi châu Phi.
Phải ghi nhận rằng Eske Willerslev đã đến miền Tây Australia để xin các bộ lạc cho phép sử dụng vật liệu di truyền gồm các mẫu tóc mà các nhà khoa học thu thập được trong các năm 1920. Sở dĩ như vậy là vì cho đến tận thời gian gần đây, các công trình nghiên cứu nhân chủng học đối với các thổ dân và việc thu thập các mẫu sinh học đều được tiến hành mà không được họ đồng ý. Việc sử dụng những tài liệu đó là vấn đề phức tạp đối với những người Australia hiện đại. Nhiều đại diện của thổ dân phản đối chống lại việc nghiên cứu di truyền và thu thập những mẫu gen mới.
Trong một công trình nghiên cứu khác, các nhà khoa học do nhà di truyền học quần thể David Reich cùng các đồng nghiệp ở Đại học Harvard tiến hành, đã đi đến kết luận tương tự trên cơ sở 300 hệ gen đầy đủ của 142 quần thể. David Reich cho rằng có thể hoàn toàn loại trừ làn sóng di cư sớm và “con đường phương Nam”.
Nhóm nghiên cứu thứ ba chỉ đưa ra kết luận hơi khác. Lãnh đạo nhóm này là nhà di truyền học tiến hóa Mait Metspalu ở Trung tâm sinh học Estonia. Qua phân tích 379 hệ gen mới trong số 125 quần thể người trên khắp thế giới, nhóm nghiên cứu này đã đi đến kết luận rằng ít nhất 2% hệ gen của thổ dân Papua New Guinea bắt nguồn từ đợt di cư sớm của người hiện đại là những người đã rời bỏ châu Phi gần 120 nghìn năm trước.
Như vậy, các nhà khoa học thừa nhận có ít nhất 2 làn sóng di cư của người Homo sapiens khỏi châu Phi. Nhà di truyền học David Reich hơi nghi ngờ về kết quả này, nhưng ông thừa nhận rằng nghiên cứu của nhóm do ông lãnh đạo và nhóm của Eske Willerslev không cho phép loại trừ hoàn toàn đóng góp về di truyền của đợt di cư sớm ở mức 1% hay 2% hệ gen.
Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, tất cả 3 công trình nghiên cứu trên đều chứng tỏ rằng trên 90% dân số đều bắt nguồn từ một làn sóng di cư duy nhất từ châu Phi. Nhà nghiên cứu Joshua Akey ở Đại học Washington cho rằng những cuộc tranh luận của các nhà khoa học về nguồn gốc 2% hệ gen bí ẩn này có thể còn kéo dài cả thập kỷ sau nữa.
Vũ Trung Hương