Ngành bán dẫn ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và năng lực trong ngành còn rất hạn chế. Để phát triển được ngành công nghệ cao này, còn quá nhiều thứ phải làm.
Nhịp đập khoa học

Cơ hội nào cho Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn?

Sơn Lam 07/12/2023 14:19

Ngành bán dẫn ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và năng lực trong ngành còn rất hạn chế. Để phát triển được ngành công nghệ cao này, còn quá nhiều thứ phải làm.

Thời đại của doanh nghiệp KH-CN và đổi mới sáng tạo

Theo các chuyên gia, sự phát triển của công nghệ đã mang đến nhiều đột phá và tác động to lớn đến con người, xã hội và chính phủ trên toàn thế giới.

Tại diễn đàn “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam”, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi nhấn mạnh: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn và tăng giá trị của hàng xuất khẩu".

Theo đó, khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn, nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình.

PGS-TS Nguyễn Trường Thắng (Viện Công nghệ thông tin - IoIT, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết trước năm 2000, lượng vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới thuộc nhóm tập đoàn công nghiệp (Ford, General Electric), dầu khí (ExxonMobil), ngân hàng và tài chính (Citigroup).

Đến thời kỳ 2010-2015 đã có sự thay đổi đáng kể. Các ông lớn công nghệ (Apple, Microsoft, Google, Amazon, Facebook…) chiếm tỷ trọng lớn nhất và nới rộng khoảng cách với các ngành khác.

chip.jpeg
Sức hút lớn từ công nghệ bán dẫn

Trong 5 - 10 năm tới, theo ông Thắng, sẽ là thời đại của các doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) như xe điện (Tesla), bán dẫn + AI (Nvidia, TSMC, ASML, Samsung…). Các công ty công nghệ lớn hiện nay tiếp tục đổi mới để cạnh tranh và tồn tại.

Theo các báo cáo, năm 2021, có 0,13% tổng số DN tham gia vào công nghệ bán dẫn và đóng góp 3% tổng giá trị gia tăng (VA). Với kết quả này, tỷ trọng trong VA của DN có tham gia vào công nghệ bán dẫn đã tăng 2,04% kể từ năm 2011.

TS Nguyễn Hữu Thọ (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) phân tích vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn.

Thứ nhất là cung cấp nguyên liệu đầu vào cho bán dẫn với tài nguyên quan trọng đất hiếm, bởi Việt Nam có trữ lượng lớn tài nguyên này, chỉ sau Trung Quốc.

Thứ hai là cung cấp không gian, hạ tầng cho tổ chức thiết kế và sản xuất. “Việt Nam có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế (292 khu/407 khu đã đi vào hoạt động); đã hình thành các trung tâm (Hub) chuyên nghiệp (khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC)”, ông Thọ nêu.

Thứ ba, ông Thọ cho biết Việt Nam cũng kết nối thị trường tiêu thụ, vì độ mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày một nhiều (từ 138% năm 2015 lên 180% năm 2022); phương thức vận chuyển hàng hóa đa dạng; Việt Nam cũng nằm trong khu vực sử dụng chíp bán dẫn khá lớn của thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng 50% giá trị chip trên thế giới).

Tài nguyên đất hiếm và chuyện tự chủ bán dẫn của Việt Nam

PGS-TS Nguyễn Trường Thắng nhận định ngành bán dẫn ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, năng lực trong ngành còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nhu cầu về công nghệ bán dẫn đang ngày càng tăng lên do các nước phương Tây đang cấm vận Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia hàng đầu ở lĩnh vực này.

Ông Thắng cho rằng bất kỳ một thiết bị hay chương trình thông minh nào cũng đều cần đến bán dẫn. Trong lâu dài, Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn để tự chủ về bán dẫn, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

“Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô, chưa ứng dụng công nghệ để chế biến và gây lãng phí tài nguyên. Theo đó, trong tương lai, việc ứng dụng khoa học để chế biến đất hiếm, sản xuất chất bán dẫn cho máy móc sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với việc khai thác và xuất khẩu”, ông Thắng nêu.

Dù vậy, ông Thắng cũng cho rằng ngành bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi lớn về yếu tố sáng tạo, hàm lượng kiến thức và chi phí đầu tư cao. Trong số các lựa chọn về ngành bán dẫn, điện tử dân dụng được cho là khả quan nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại với mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.

hiem.jpeg
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc

Ông John Rockhold - Trưởng ban điều hành nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng nguồn tài nguyên đất hiếm với trữ lượng thứ nhì thế giới đang là sức hấp dẫn của Việt Nam cho công nghiệp bán dẫn.

Ông John Rockhold đặt vấn đề là cũng phải thu hút được các nhà đầu tư với những công nghệ khai thác và chế biến tiên tiến nhất. Cùng với việc đó, Việt Nam cũng phải có được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường cho việc khai thác, chế biến đất hiếm.

Còn theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, trong cuộc chơi lần này về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần tránh sa lầy và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

“Quan trọng là phải có được mạng lưới chuyên gia tư vấn với chất lượng tốt nhất và nên tranh thủ tối đa nguồn lực của người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực này. Đội ngũ này cần chia sẻ cho những người trong cuộc không chỉ về thành công mà là cả những thất bại mà họ đã gặp phải”, Quất nói.

Ông Phạm Hồng Quất cũng nói rằng khoảng cách đến năm 2050 như mục tiêu đề ra không phải là một khoảng thời gian quá dài. Vì thế, việc cần làm là sớm hình thành được một hệ sinh thái bền vững cho nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội nào cho Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn?