Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông đã xem clip này và thấy cô giáo Lê Na dùng lời nói lăng mạ học sinh là không đủ tư cách làm giáo viên.

“Cô giáo cung Bò cạp” chưa được dạy dỗ thấu đáo về nghiệp vụ

Một Thế Giới | 04/08/2015, 05:56

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông đã xem clip này và thấy cô giáo Lê Na dùng lời nói lăng mạ học sinh là không đủ tư cách làm giáo viên.

Không đủ tư cách làm giáo viên

Vừa qua, trên mạng xã hội tung clip "khẩu chiến" giữa cô giáo Trung tâm Anh ngữ Lê Na và hai học viên. Trong clip, cô giáo Lê Na tự xưng "cung Bọ Cạp" đã xưng hô mày - tao, mắng và đe dọa sinh viên.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông đã xem clip này và thấy cô giáo Lê Na dùng lời nói lăng mạ học sinh là không đủ tư cách làm giáo viên.

“Dù học sinh có sai, giáo viên nên khéo léo, không được dùng ngôn từ chợ búa để phản ứng. Như vậy, sao xứng đáng làm thầy được. Trong clip, cô giáo liên tục nói học viên “vô học” thì bản thân cô giáo cũng không thể là tấm gương cho học sinh noi theo”, ông Nhĩ nói.

Từ sự việc này, ông Nhĩ đề xuất cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, thậm chí phải cấm những người không đủ tư cách như cô Lê Na dạy học.

“Nếu tôi có nhân viên như cô Lê Na, tôi sẽ cho nghỉ việc, không để giáo viên đó giảng dạy một giờ, một phút nào”, ông Nhĩ nói.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết, ông từng nghe thông tin "cô giáo cung Bọ Cạp" giỏi về chuyên môn. Tuy nhiên, người có tài mà không có đức, xã hội vẫn không thể chấp nhận. "Cô giáo đừng cậy giỏi mà có quyền lăng mạ học viên”, ông Nhĩ nói.

Ông Nhĩ kể: “Trong mấy chục năm làm nghề giáo, tôi cũng gặp một học sinh không chấp hành nội quy của ký túc xá (không gấp chăn, màn sau khi ngủ dậy). Trường yêu cầu kỷ luật học sinh này nhưng tôi không làm. Thay vào đó tôi tìm cách nói chuyện với em. Sau khi nói chuyện và nghe em thổ lộ: “Đây là thói quen khó sửa vì ở nhà em cũng vậy”.  Tôi đã khuyên nhủ và em học sinh này đã sửa được”.

Từ tình huống này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhắn nhủ: Nếu học sinh sai trái thì giáo viên cũng nên có biện pháp giáo dục. Cô giáo đem hết lòng thương để khuyên nhủ, giải thích, chắc chắn học sinh sẽ hiểu.

Ông Nhĩ cũng cho biết, cô giáo Lê Na xưng "mày - tao" với học sinh không phải là trường hợp đầu tiên trong ngành giáo dục. Do đó, ngành giáo dục cũng phải chấn chỉnh lại đạo đức giáo viên. Hơn nữa, để hạn chế học sinh học thêm ở trung tâm, ngành giáo dục nên bố trí chương trình, đưa học sinh làm quen với Ngoại ngữ từ tuổi mầm non, tăng cường giờ dạy Ngoại ngữ trong trường học.

Thiếu nghiệp vụ sư phạm

TS.Vũ Thu Hương – Khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ: “Xem clip, tôi sốc vì thấy cô giáo này có cách cư xử kiểu chợ búa. Dù chỉ là một trung tâm Anh ngữ bên ngoài thì đây cũng là một môi trường sư phạm, đòi hỏi cô giáo phải có tư cách”.

Bà Hương kể: Trong suốt gần 20 năm đi dạy, bà chưa từng gặp tình huống nào mắng chửi, dọa dẫm người học tương tự như trường hợp cô giáo Lê Na. "Mặc dù cũng có nhiều lần đang giảng bài, sinh viên cao hứng nói đế 1, 2 câu hơi... lạc đề nhưng không láo hỗn. Tuy cũng bực nhưng tôi vẫn dặn bản thân quên chuyện đó đi và coi như không có chuyện xảy ra”, bà Hương nói.

Trong tình huống này, theo TS.Vũ Thu Hương, học viên cũng cư xử không hợp đạo lý nên lúc đó cô giáo Lê Na mất bình tĩnh, mâu thuẫn đẩy lên cao trào. Tuy nhiên, là người truyền dạy tri thức cho học trò, dù trên lớp hay ở trung tâm, giáo viên phải hành xử mẫu mực.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hành vi mắng chửi, đe dọa của cô giáo Lê Na là thiếu nghiệp vụ sư phạm.

Theo ông Chất, đã là người thầy, không được phép bất nhã với học sinh. Trong trường hợp này, học sinh thắc mắc, cô giáo đã không nói rõ để học sinh hiểu mà còn xưng hô "mày – tao", đe dọa học viên.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, người thầy được đào tạo, dạy những điều tốt đẹp chứ không phải lăng mạ học sinh. Nếu học sinh hỏi sai, giáo viên sẽ có cách giải thích. Hơn nữa, giáo viên chỉ có quyền truyền thụ kiến thức chứ không có quyền ngược đãi học sinh bằng giọng miệt thị, văng tục.

“Rõ ràng, cô này chỉ biết Tiếng Anh mà thiếu nghiệp vụ sư phạm. Những câu nói đó, không xứng đáng với người thầy. Người thầy không bao giờ dùng từ thô thiển như vậy”, ông Chất nói.

Ông Chất cho biết thêm, ông từng làm giáo viên, không bao giờ chấp nhận học sinh ứng xử sai. Nếu học sinh không đồng tình cũng nên nhã nhặn với cô giáo. Nếu cần phản ánh, nên nói lại với nhà quản lý, không nên làm mất danh dự cô giáo giữa đám đông.                                              

Diệu Thu/theo Dân Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cô giáo cung Bò cạp” chưa được dạy dỗ thấu đáo về nghiệp vụ