Người Quảng Đông thích uống trà vào buổi sáng, tập tục đó đã theo dấu chân hồng hoang của người Hoa truyền bá khắp thế giới. Người Hoa Chợ Lớn đã hòa đồng vào xã hội Việt từ lâu, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Khu Chợ Lớn vốn sầm uất và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của Trung Hoa, trong đó có chuyện ăn dimsum và uống trà sáng.
Uống trà sáng, không chỉ có “uống”
Gọi là “uống trà sáng”, nhưng họ đến cao lầu trà quán là để gặp gỡ bạn bè, để dẫn cả gia đình già trẻ lớn bé đến đây thư giãn, để nghe nhạc Quảng Đông, tìm lại những hồi ức về quê hương xa vắng. Tôi từng dẫn các bạn người Việt đến thưởng thức món trà sáng của họ, đều được khen là rất ngon và “như là đến Hong Kong vậy”, vì từ tiếp tân, phục vụ bàn, đến không khí xung quanh, đều đậm màu sắc dân tộc Hoa.
Gọi là “uống trà sáng”, nhưng “uống” đã lui về hạng thứ yếu, nhường chỗ cho “ăn”. Người Quảng Đông hay ăn và sành ăn đã thể hiện tường tận thấu đáo qua các món ăn nhẹ nhàng và tinh xảo.
Các món ăn trong bữa trà sáng gọi chung theo tiếng Quảng là “Tim sắm”(điểm tâm), các tiếng Anh-Pháp phiên âm thành “Dim sum” và trở nên thông dụng, các nơi bán trà sáng gọi là “tim sum house”.
Các món điểm tâm trong buổi trà sáng
Uống trà sáng tốt nhất là rủ 5-10 tri âm, ngồi một bàn riêng biệt, vì ít người quá sẽ khó điểm món ăn, không thưởng thức được nhiều món. Tiếp theo là chọn trà, thường có các loại trà: phổ nhĩ, phổ nhĩ bông cúc, thiết quan âm, ô long, trà lài.
Các món thông thường như há cảo, xíu mại, bánh cuốn và bánh bao xá xíu đều rất quen thộc vơi người Việt. Các bậc cao niên ngày xưa khi khen các món ăn ngon thường ví von "ngon như nhân tỉm sắm”.
Bánh cuốn không khác biệt nhiều so với bánh cuốn người Việt, nhưng nhân thì phong phú hơn, không những chỉ có thịt bằm, còn có tôm nguyên con, thịt bò, cá. Bánh cuốn của họ chỉ chan nước tương pha loãng, hương vị giảm nhiều so với bánh cuốn chấm nước mắm của ta.
Bánh bao xá xíu là món có hương vị đặc sắc, tuy đơn giản, nhưng khó làm đứng vị, là tiêu chí đánh giá tay nghề nhà bếp. Ở Trung Quốc, cũng chỉ có đầu bếp Quảng Đông hoặc Hong Kong làm được món ăn này.
Trà sáng còn rất nhiều món hấp dẫn: bánh củ cải, bánh khoai mộn nhân thịt, chân gà chưng tương hột, xôi gà gói lá sen, lá sách bò hầm củ cải … có đến hàng trăm món. Các món điểm tâm sáng còn bao gồm mì và cháo. Điểm tâm sáng còn các món ngọt như bánh hột gà chén, bánh bao ngọt, nhưng ít ai dùng đến.
Khi uống trà sáng nên lưu ý: không nên gọi cà-phê, để tận hưởng hương vị tách trà; không nên ăn các món nặng như hủ tíu, mì, để thưởng thức được nhiều món điểm tâm hơn. Uống trà sáng ngày nay cũng không bó hẹp vào buổi sáng nữa, mà là "uống" cả ngày.
Vài trăm món ăn, rực rỡ muôn màu, chẳng trách gì người Nhật vốn cao ngạo, cũng phải gọi Dimsum là “kỳ quan thứ 8” trong giới ẩm thực.
Hoài niệm về một Chợ Lớn xưa
Người Hong Kong thường gia cư chật hẹp, nên mỗi buổi sáng, trà quán trở thành nơi tụ tập bạn bè, bàn chuyện làm ăn, ký kết hợp đồng.
Người Hoa Chợ Lớn ngày nay cũng kế thừa thói quen đó. Uống trà sáng đã trở thành hình thức được người Hoa ưa chuộng để công bố sự kiện, ra sách, nhậm chức, không lềnh kềnh và tốn kém như dạ tiệc, khách mời vẫn được ăn uống no nê và có quà mang về.
Ở các quán trà, người Hoa sử dụng tiếng lóng mang tính hài hước, không ngờ cũng được người Việt áp dụng trong các quán cà-phê cho tới nay. Chẳng hạn, cà-phê sữa ít cà-phê gọi là "hắc xỉu". Ít sữa gọi là "pạc xỉu"…
Ở khu vực Chợ Cũ Sài Gon, ngày xưa có tới 90% người Hoa, được gọi là “Chợ Lớn nhỏ”, cũng có rất nhiều quán trà vang bóng một thời. Đường Nguyễn Công Trứ có các nhà hàng Kỳ Trân, Sinh Hoạt, Đường Hàm Nghi có nhà hàng Yến Phương Viên án. Tương truyền trước đây cố vấn chính quyền SG cũ Hoàng Đức Nhã hay đến đây dùng trà. Ngày xưa đường Hàm Nghi ngân hàng dày đặc, có biệt danh “phố Wall” của VN. Khách đến Yến Phương Viên, sau khói trà, bản hợp đồng hàng triệu đồng có thể được ký kết trong nháy mắt.
Nếu bạn muốn “trở về Trung Quốc”, không cần đi xa, cứ đến nhà hàng 7 Kỳ Quan ở Q.6. Khung cảnh nhà hàng là Vạn lý Trường thành, tiếp viện đều mặc áo dài Thượng Hải chắp tay đón khách.
Chợ Lớn xưa là nỗi hoài niệm của biết bao người Hoa xa xứ. Uống tách trà vào buổi sáng, tắm mình trong gió mát rừng dừa, cuộc sống thanh bình sung túc, người bản địa thân thiện, vơi đi nỗi sầu “một mình trôi dạt tha hương”(trích thơ Vương Duy đời Đường).
TP.HCM như một lò đúc, dung nạp mọi nguồn văn hóa dị biệt, phong phú thêm đời sống tinh thần của người Sài Gòn.
Lữ Khách