Tất nhiên, không phải cứ có vụ việc gì xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách thì quan chức phải nghĩ ngay đến việc từ chức. Tuy nhiên, điều người ta thấy là ở nhiều nước, chỉ cần một cây cầu gãy là ông bộ trưởng giao thông đã có thể tuyên bố từ chức để nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra sự cố trong hệ thống do mình phụ trách, mặc dù có thể ông ta không có trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng hay vận hành chiếc cầu ấy. Ở ta thì có lẽ đó là chuyện trong mơ.
“Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, “Cần sự góp sức của toàn xã hội”… Thường nghe các quan chức của ta phát biểu như vậy khi xảy ra những vụ việc, sai phạm nghiêm trọng khiến công luận bức xúc. Và rồi bắt đầu kịch bản đổ lỗi: ngành dọc đổ cho địa phương, cấp trên đổ cho cấp dưới, bộ đổ cho sở, sở đổ cho phòng. Trái bóng trách nhiệm cứ thế lăn, ngày càng mù mờ, thậm chí cuối cùng trách nhiệm không còn biết là của ai, mà là của “toàn xã hội”.
Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, xã hội có thể có tác động lên hành xử của con người trong bộ máy công quyền. Nhưng xã hội là một khái niệm quá rộng để có thể nói là phải chịu trách nhiệm về hành xử của một con người trong bộ máy. Bởi khi được tuyển dụng vào làm việc trong bộ máy, được đặt để vào một vị trí nào đó, họ đã được giao nhiệm vụ, với quyền hạn và trách nhiệm tương đối rõ ràng, với những điều phải làm và những điều phải tránh, không được làm.
Chuyện y đức là một chuyện như vậy. Bác sĩ cũng là một con người, sống trong xã hội này họ cũng chịu sự tác động của xu hướng chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, tác động của sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung. Nhưng, là người được đào tạo và được giao nhiệm vụ cứu người, họ phải nắm chắc đâu là việc phải làm và đâu là những giới hạn không thể vượt qua. Một khi vi phạm giới hạn ấy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc làm của mình. Còn với quan chức lãnh đạo ngành y, một nhiệm vụ không thể thoái thác là làm thế nào để mọi bác sĩ và nhân viên trong ngành của mình luôn tuân thủ y đức vì đó là lẽ sống của nghề. Không làm tròn nhiệm vụ đó, họ không thể đổ cho ai khác.
Nhưng tiếc thay, chúng ta đã chứng kiến điều ngược lại, đó là đổ lỗi cho xã hội nói chung và đổ lỗi qua lại sau những vụ việc chấn động liên quan đến ngành y vừa qua . Không ai nghĩ mình phải gánh trách nhiệm cá nhân, không ai nghĩ đến việc từ chức.
Nếu việc biết từ chức là một thứ văn hóa thể hiện thái độ trách nhiệm cá nhân của quan chức đối với việc làm sai trái hoặc chỉ là không đúng mực của chính mình hoặc của thuộc cấp trong hệ thống do mình phụ trách thì ngược lại, việc không biết hoặc không dám từ chức gắn liền với một thứ văn hóa chính trị trong đó trách nhiệm cá nhân không được đề cao, mọi sai trái, yếu kém đều được đổ cho tập thể, mặc dù khi có thành tích thì người ta vẫn có thể vơ vào cho riêng mình để tiếp tục thăng quan tiến chức.
Đó là một thứ văn hóa chính trị gắn liền với cơ chế trong đó quan chức chủ yếu chỉ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước cấp trên đã cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm họ chứ không phải trước người dân. Trong thứ văn hóa chính trị ấy, người dân nhiều lúc cảm thấy mình đứng ngoài những quá trình chính trị chính thức mà họ không sao tác động tới được. Sự bất bình của họ, nếu có, cũng không tác động gì được tới sự vận hành của những quá trình ấy. Hệ quả là, nói theo ngôn ngữ lý thuyết văn hóa chính trị, tính tham dự của người dân và lòng tin của họ vào hệ thống chính trị, nhân tố chủ yếu trong văn hóa chính trị, dựa trên sự thỏa mãn ngày càng nhiều các giá trị vật chất (như sự an toàn kinh tế và thân thể) và hậu vật chất (như sự bình đẳng xã hội) ngày càng suy giảm.
Như vậy, việc thiếu dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm cá nhân, thiếu văn hóa từ chức của quan chức trước những sai phạm nghiêm trọng cuối cùng chỉ làm tổn hại cho văn hóa chính trị của cả hệ thống. Để có được lòng tin của người dân, một hệ thống với văn hóa chính trị lành mạnh phải dám đối diện và nhận lãnh trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm của chính mình.
Người Đô Thị. Tranh TL