Đây là câu chuyện có thật về tình yêu của hai bạn đồng tính nữ hiện đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Chuyện tình 7 năm và cuộc mưu sinh giữa Hà Nội của đôi đồng tính nữ

Một Thế Giới | 23/06/2014, 14:30

Đây là câu chuyện có thật về tình yêu của hai bạn đồng tính nữ hiện đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Từ lần đầu tiên nhìn thấy San giữa lòng Sài Gòn, Phong đã trúng “tiếng sét ái tình”. Mất một thời gian dài theo đuổi Phong mới nhận được lời đồng ý của San. Mối tình của hai người bắt đầu từ một ngày có những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn và tưởng như kết thúc cũng vào những ngày mưa. Do những hiểu lầm, San chia tay Phong và quyết tâm đến một thành phố mới để bắt đầu một cuộc sống khác. Không quên được người yêu, 3 năm sau Phong xin San tha thứ, sau đó lặn lội ra Hà Nội tìm việc để sống chung với San. Mối tình lãng mạn của hai cô gái tiếp tục giữa một thành phố mới dù cuộc mưu sinh của họ vẫn còn nhiều khó khăn.
Chuyện tình đầy thăng trầm của hai cô gái
Phong năm nay 26 tuổi, quê ở Quảng Nam, San 24 tuổi, quê ở Hậu Giang. Phong có ngoại hình nhỏ nhắn, mái tóc cắt tém nghịch ngợm và giọng nói rất nhẹ nhàng.  Được sinh ra trong một gia đình rất yêu thương con cái nên Phong sớm bộc lộ mình là một người đồng tính nữ, có lẽ do “con nhỏ nó dễ thương, hiền lành mà học hành tử tế” nên những người xung quanh cũng dễ dàng chấp nhận Phong. "Ba mẹ với chị mình cũng khóc, cũng buồn nhiều lắm nhưng được cái là ba mẹ hiểu, cô chú trong nhà chẳng ai ghét bỏ mình cả. Ngay cả hàng xóm mình sống khi biết chuyện người ta còn thương mình hơn, dù ở quê chuyện đó hay bị dị nghị ghê lắm. Người ta còn đánh tiếng với ba mẹ mình là nếu nó đã ‘bị’ như vậy thì phải thương yêu nó nhiều hơn, có buồn đi nữa thì phải chấp nhận cho nó sống thoải mái". Phong tâm sự. 
Năm 19 tuổi, Phong quyết định lên Sài Gòn để đi làm, khi đó San mới 17 tuổi. Hai người gặp nhau lần đầu trong tiệm cắt tóc nơi Phong làm việc khi San đi duỗi tóc. Dù Phong rất ấn tượng với khách hàng nữ đang tò mò nhìn mình nhưng San lại là người bắt chuyện trước. Từ những câu chuyện vu vơ làm quen, những lần đi chơi, hai người dần có cảm tình với nhau. Hai tháng sau, Phong thú thực với San về bản thân mình và ngỏ lời với San. Bất ngờ và hạnh phúc là hai cảm giác duy nhất của Phong khi biết San nhận lời. “Đến bây giờ người ấy vẫn nói là nhìn mình trẻ con, ngộ ngộ, bắt mắt nên người ta chấp nhận” Phong cười xòa khi hồi tưởng lại chuyện cũ.
Chuyen tinh 7 nam va cuoc muu sinh giua Ha Noi cua doi dong tinh nu
Ảnh minh họa 
Yêu nhau được 3 tháng, “đùng một cái” San lại muốn chia tay với Phong chỉ vì San nghĩ rằng vì cô đã khiến cho Phong đồng tính, San muốn tốt cho Phong nên nghĩ rằng nếu hai người không qua lại với nhau nữa Phong sẽ trở thành một con người “bình thường”. Phong không quên được San nên vẫn thường xuyên đến nhà San chơi dù bị cô hắt hủi, xua đuổi. Dường như mọi thứ tan vỡ với Phong, cô từ từ rút lui. Đau khổ khi tình yêu đầu gặp trắc trở, Phong tìm đến người bạn thân và thổ lộ hết nỗi lòng. Không ngờ người bạn này của Phong đã cảm mến cô từ lâu, một người tâm sự, một người nghe và chia sẻ, Phong cuối cùng đã biết người bạn này đang yêu đơn phương mình nhưng hai người không tiến tới với nhau mà vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, quan tâm nhau như người yêu. Mối quan hệ đó kéo dài trong ba năm, trong ba năm đó San vẫn lặng lẽ theo sau người mình yêu. “Người ta hy sinh vì mình nhiều lắm, người ta giúp đỡ mình vô điều kiện. Mình có nhỏ em thân thiết với San nên có chuyện gì là người ta cũng biết, chuyện tiền bạc, chuyện gia đình người ta đều biết, người ta giúp. Nhưng người ta không nói là giúp mình mà nói là giúp nhỏ em mình”. Thế rồi San quyết định ra Hà Nội để bắt đầu một cuộc sống mới, lúc này Phong chợt nhận ra tình cảm của San với mình chưa bao giờ thay đổi. Cô xin San tha thứ và quay lại với nhau. Sau một thời gian phân vân, xúc động trước sự kiên trì của Phong, San đồng ý. Phong nhanh chóng lặn lội ra Hà Nội bằng chiếc vé máy bay giá rẻ để "góp gạo thổi cơm chung" với San. Vậy là sau 2 năm gián đoạn, mối tình của họ lại tiếp tục. 
"Rằm tháng 3 vừa rồi mình có dẫn San về ra mắt ba mẹ", Phong hào hứng khoe, “Mình có làm một cái tiệc nhỏ, có mời ông bà ngoại đàng hoàng, rồi mình cũng thưa chuyện là con muốn ra đây sống với bạn này nọ. Gia đình mình đồng ý vô điều kiện luôn! Khi đi ba mẹ mình cũng cho mình một ít... của hồi môn” Phong bật cười. “Nhưng cũng ít thôi, dạng như ủng hộ tinh thần đó. Hai đứa cảm thấy vui cực kì. Mình thấy mình quá may mắn khi gia đình chấp nhận, bà con lối xóm ai cũng yêu”. Ánh mắt Phong rực rỡ hơn khi nhắc đến gia đình thân yêu của mình. Gia đình của Phong cũng là một trong những gia đình hiếm hoi chấp nhận con mình đồng tính, thậm chí sẵn sàng ủng hộ để con được sống với chính bản năng của mình. Được gia đình hậu thuẫn, Phong càng yên tâm để chăm lo cho người mình yêu và “tổ ấm hai người”. Dường như chỉ cần có gia đình làm chỗ dựa vững chắc thì mọi lo toan mưu sinh không còn đáng ngại với hai người nữa. 
Từ “Đi theo tiếng gọi của tình yêu” đến “Cuộc mưu sinh vất vả”
Ở Hà Nội, San làm nhân viên bán hàng cho một công ty còn Phong làm nhân viên cắt tóc, gội đầu ở một Salon. Công việc kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến 7 giờ tối, nói là cắt tóc gội đầu nhưng những việc lặt vặt khác như dọn dẹp, lau chùi, matxa cho khách Phong vẫn phải làm. Công việc chiếm hầu hết thời gian của Phong, San làm việc tới 10 giờ đêm nên hầu như ban ngày hai người không được gặp nhau, thời điểm được ở bên nhau cũng đã là lúc nửa đêm. Thời gian đó cũng rất ít ỏi bởi sau khi ăn cơm, tắm rửa xong thì hai người lại lăn ra ngủ. Phong thường nấu cơm trước, đợi San tan ca và cùng người yêu ăn bữa cơm tối muộn mằn lúc 11-12 giờ tối trên căn phòng nhỏ ở tầng 5 một tòa nhà cho thuê. Căn phòng gần như ở tầng áp mái, xung quanh không có nhà cao tầng nào nên ánh nắng “nướng” San và Phong cả ngày, hơi nóng hầm hập phả từ mái tôn chống nắng khiến cả hai cái quạt trong phòng nhả ra toàn gió nóng. Cũng may hai người đều đi làm từ sáng sớm và chỉ về vào buổi tối nên không bị “nướng chín”. Phong bông đùa kể lại.
Chuyen tinh 7 nam va cuoc muu sinh giua Ha Noi cua doi dong tinh nu
Ảnh minh họa 
Phong thích làm việc ở Sài Gòn hơn vì ở đó ít người quan tâm đến cách ăn mặc, để tóc nam tính của cô, nhưng ở Hà Nội thì Phong phải cố gắng mặc váy, để tóc ngang vai, dù điều đó không phù hợp với thói quen của Phong. Vì Phong không quen mặc đồ nữ tính quá nên những lúc như vậy Phong thường dậy thật sớm, thay đồ rồi đi trước khi San dậy để không bị San trêu chọc. Nói về lý do không ở lại Sài Gòn mà ra Hà Nội lập nghiệp, Phong cho biết: “Chị của bạn mình làm dâu sát nhà cô mình nên hai đứa không thể sống ở Sài Gòn được. San ra Hà Nội làm trước một thời gian rồi San nói ‘nếu anh đồng ý bỏ tất cả thì ra đây với em, lúc đầu có hơi cực nhưng hai đứa chung tay góp sức thì cái gì cũng qua cả’. Vậy là mình đi theo tiếng gọi tình yêu thôi, chứ ở ngoài này... sống không được”. Phong cười kết luận, dường như câu nói ấy chứa đựng tất cả sức nặng và áp lực của cô khi phải kiếm sống giữa Hà Nội.
Những ngày đầu khi đi xin việc, Phong vẫn giữ nguyên cách ăn mặc nam tính như trong Sài Gòn, đến nơi nào cô cũng bị lắc đầu từ chối. “San mới nói là anh thay đổi hình thức đi, chứ tay nghề mình cứng mà hình thức như vầy thì chẳng ai chấp nhận. Đi làm nhớ xí xọn một tí, điệu một tí, khi mình mặc đồ kiểu đó vào thì mình muốn rơi nước mắt, vì không quen, thấy như đó không phải là mình”, Phong nói. Khi xin được việc rồi, công việc cũng khiến Phong nhiều lúc rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Có khách hàng thích vẻ ngoài nhỏ nhắn, cá tính của Phong nên xin số điện thoại, nhắn tin mời đi uống cafe, rồi ỡm ờ nhét vào túi quần Phong tiền‘boa’ nhiều hơn hẳn những lần trước. Phong hoảng hồn, may mà ngay sau đó Phong mất số điện thoại đó nên có lý do để thoái thác với ông khách hơn 40 tuổi này. 
Tâm sự về tương lai, Phong cho biết cô sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ một thời gian, hùn vốn rồi sau đó mở một Salon tại Hà Nội. Dù cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, việc thể hiện bản thân cũng không được thoải mái như Sài Gòn nhưng Phong vẫn thấy quyến luyến với Hà Nội. Vùng đất nhỏ bé và phồn hoa này đã ghi lại cả một quãng thời gian khó khăn nhưng đầy kỉ niệm giữa cô và San. “Mình đã khó khăn khi tìm tình yêu rồi, giờ có một người hết lòng yêu mình, trao hết cho mình thì cực đến đâu mình vẫn phải cố gắng, phải trân trọng, nâng niu”. Phong nói. 
“Mình dẫn San về ba mẹ mình thích lắm, vì người ta dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ. Mà San nó nhậu như hũ hèm vậy đó, mỗi lần đi nhậu với bạn bè về là San kêu ‘Anh ơi lấy thau cho em’ rồi mình để bên hông rồi đợi San hò hét kêu mình phục vụ”. Phong kể lại một chuyện nho nhỏ thú vị trong cuộc sống hàng ngày của cô và San. Ngay sau đó điện thoại Phong đổ chuông, cô vội vã nghe điện thoại, từ nụ cười rạng rỡ, ánh mắt say đắm và cách nói chuyện dịu dàng của cô bất cứ ai cũng có thể đoán được người gọi là San. “San nó gọi mình về ăn cơm, 11 giờ mất tiêu rồi” Phong phân bua khi nhìn thấy ánh mắt trêu chọc của chúng tôi rồi cô vội vã tạm biệt để lên xe và trở về với tổ ấm trên tầng 5 áp mái của mình. Có lẽ hai người sẽ bắt đầu bữa cơm tối muộn mằn lúc 11 giờ đêm, sau đó nói chuyện 1-2 tiếng trước khi chìm vào giấc ngủ. Đến sáng hôm sau mỗi người lại tất bật với guồng quay công việc của mình và phải 15 tiếng sau họ mới lại gặp lại nhau. Nhưng dường như giữa những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh đó, tình yêu của họ vẫn lấp lánh niềm tin và hy vọng vào một tương lai có nhau ở phía trước.
Vương Nguyên - Tiểu Lâm (Ảnh: The Pink Choice của Maika Elan)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện tình 7 năm và cuộc mưu sinh giữa Hà Nội của đôi đồng tính nữ