Với mong muốn tạo ra hạt gạo mới để nâng tầm của gạo Việt, cha con ông Dương Xuân Quả ở An Giang đã nghĩ ra phương pháp chăm lúa có một không hai. 8 hecta lúa của những người nông dân này không sử dụng phân thuốc hóa học theo kiểu trồng truyền thống. Họ chọn 3 thứ để chăm chút cho hạt lúa của mình: lân vôi, sữa tươi và trứng gà.

Chuyện lạ: Nông dân An Giang chăm bón lúa bằng vôi trộn sữa tươi và trứng gà

12/02/2020, 08:21

Với mong muốn tạo ra hạt gạo mới để nâng tầm của gạo Việt, cha con ông Dương Xuân Quả ở An Giang đã nghĩ ra phương pháp chăm lúa có một không hai. 8 hecta lúa của những người nông dân này không sử dụng phân thuốc hóa học theo kiểu trồng truyền thống. Họ chọn 3 thứ để chăm chút cho hạt lúa của mình: lân vôi, sữa tươi và trứng gà.

Anh Dương Xuân Vũ bên cánh đồng lúa bón bằng vôi, trứng gà và sữa tươi thay cho phân bón hóa học - Ảnh: Thanh Nguyên

Công thức kỳ dị: pha 30kg Vôi cùng... 2 bịch sữa tươi, 2 quả trứng gà vào bình 25 lít nước​

8 hecta lúa này đang được anh Dương Xuân Vũ (con trai ông Quả) ngày đêm chăm sóc và chỉ non 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Đợt lúa đầu tiên được trồng theo phương pháp khác người này là kết quả của những tháng ngày đứng ngồi không yên của cha con anh Vũ. Cánh đồng lúa 8ha được phun định kỳ bằng lân vôi, sữa tươi và trứng gà, nằm sâu trong ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, H.Phú Tân, tỉnh An Giang. Anh Vũ kể rằng, lúc xuống giống vợ chồng anh lo lắm, vì phương pháp mới không biết kết quả sẽ ra sao. Ban đầu vợ anh cật lực phản đối phương pháp trồng lúa như thế này, sợ thất bại thì công sức, tiền bạc coi như đổ sông đổ biển hết.

“Cha tôi cũng từng là nông dân rặt, sau này ông mới làm nghề lắp đặt máy sấy lúa cho bà con. Cả đời gắn bó với cây lúa, nguyện vọng của ông là tạo ra một thương hiệu gạo mới theo hướng sản xuất hữu cơ, nâng tầm hạt gạo Việt. Sau khi cha con trò chuyện, tôi quyết định giúp cha thực hiện ý tưởng này”, anh Vũ kể. Anh quyết định lựa chọn giống lúa 4900, đây là giống đã được lai tạo, chọn lọc từ Viện Lúa ĐBSCL từ hơn 10 năm trước. Giống lúa 4900 với nhiều đặc điểm vượt trội như khả năng chống bệnh, năng suất cao, cho hạt gạo chất lượng…

Mẫu gạo từ giống lúa 4900 được sấy thời gian thông thường và thời gian gấp đôi cho ra sản phẩm khác nhau - Ảnh: Thanh Nguyên

Nhưng ngay từ khi gieo trồng anh Vũ đã phải vất vả khi không gieo sạ theo cách thông thường. Anh lý giải: “Trồng theo cách thông thường, nông dân sạ lúa rồi chờ đến khi mọc mầm, cao hơn 10 phân (10cm) mới tháo nước cho vào. Thời gian này, cỏ cũng kịp mọc mầm nên sau này phải phun thuốc cỏ. Vì vậy tôi buộc phải cấy. Sau khi cấy mình dẫn nước thêm vào luôn, vậy là mầm cỏ được ém xuống, sẽ không nảy mầm được nữa”.

Trước khi cấy, anh Vũ còn cẩn thận xử lý đất trước. Anh bón khoảng 40kg vôi cho 1 công (1.000m2). Đến khi lúa được 2 tháng tuổi, anh pha 30kg vôi cùng 2 bịch sữa tươi, 2 quả trứng gà vào bình 25 lít nước rồi bắt đầu phun xịt. Anh khoe mỗi vụ, xịt 3 lần như vậy và không hề dùng bất cứ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào khác. “Theo dõi cây lúa tôi thấy nó có mắc một số bệnh thường gặp, nhưng tình hình không đến nỗi nghiêm trọng. Đến khi cây lúa đủ sức, thấy lúa ổn tôi mới dám mừng”, anh Vũ chia sẻ.

Cánh đồng lúa của anh Vũ hiện đã vào giai đoạn chín vàng trĩu hạt. Anh nhẩm tính, chỉ trong vòng non 10 ngày nữa anh sẽ gặt, lúc đó mới biết sản lượng trên 1ha là bao nhiêu. Tuy nhiên, anh dự đoán sản lượng sẽ không vượt được so với giống lúa 4900 trồng theo cách thông thường (khoảng 1 tấn/ha). Dù vậy, do không sử dụng phân thuốc nên chi phí sản xuất đã giảm đi 30%. Nếu hạt gạo đạt chất lượng tốt thì không sợ lỗ. Hơn nữa, cha anh đã bao đầu ra cho hạt lúa nên anh cũng vững tâm. Ông Quả cười nói: “Tôi mơ ước tạo ra một loại gạo mới lâu lắm rồi. Mình phải nâng tầm hạt gạo của nước, của nông dân mình. Có gan mới làm giàu”.

Giới chuyên gia thận trọng với công thức này

Theo ông Quả, loại gạo mà ông ấp ủ tạo ra mấy năm qua được ông đặt tên là gạo sữa. Ngay từ năm 2018, ông Quả đã được cấp bằng sáng chế độc quyền cho loại gạo này. Hạt gạo đạt yêu cầu phải là hạt gạo trắng đục như màu sữa chứ không trong như hạt gạo thông thường. Được như vậy, bí quyết nằm ở chỗ thời gian sấy lúa phải gấp đôi. “Ví dụ, lúa bình thường mình chỉ sấy 24 tiếng đồng hồ là đạt độ ẩm 15%. Nhưng để sấy ra hạt gạo sữa, mình phải tăng thời gian lên 48 tiếng, lúc này độ ẩm sẽ còn 10%, hạt gạo sẽ có màu trắng đục như nếp”, ông Quả lý giải.

Ông cho biết, hạt lúa hạt gạo nào cũng có thể sấy để thành gạo sữa, nhưng chỉ có gạo từ giống lúa 4900 là chất lượng hơn cả. Hạt gạo khi đạt độ ẩm 10%, tức lượng nước trong gạo ít hơn so với thông thường. Từ đó, khi nấu cơm sẽ giữ được lâu hơn trong 2 ngày cơm nấu ra sẽ không bị ôi thiu, chất dinh dưỡng trong hạt gạo cũng được nâng lên hơn, cơm dẻo, mềm thơm ngon.

“Nhưng chỉ cần sấy mà tạo ra được hạt gạo sữa thì dễ quá, ai cũng làm được. Tôi muốn phát triển hạt gạo này theo hướng hữu cơ, không phân thuốc gì cả. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu, tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia tôi quyết định áp dụng lân vôi, trứng gà và sữa tươi để chăm sóc cho cây lúa. Hỗn hợp các chất này sẽ tạo ra những hợp chất sinh học, có thể giúp cây lúa phát triển, chống chọi bệnh tật”, ông Quả trình bày.

Ông Dương Xuân Quả mơ ước tạo ra hạt gạo có giá trị cao - Ảnh: Thanh Nguyên

Dù vậy, ông vẫn cho biết, phương pháp trồng lúa độc đáo là này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm phải chờ sau khi gặt lúa, kiểm tra chất lượng sản phẩm mới có thể kết luận được. Ông Quả tiết lộ thêm, loại vôi ông bón cho cây lúa gọi là lân vôi địa long, được khai thác và sản xuất ở vùng núi đá của huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Trong loại vôi này có nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp với đất trồng lúa.

Nói việc bón cho lúa bằng vôi, trứng gà và sữa tươi thay cho phân thuốc hóa học, Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định có những khả năng sẽ xảy ra sau khi kết hợp những chất này. Theo ông Chính, nước vôi có độ pH cao nên khi phun trên lá pH sẽ giúp ức chế bệnh cháy bìa lá. Sữa và trứng bản thân có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là axit amin, chất đạm. Những chất dinh dưỡng này có thể lúa hấp thụ ngay vào trong cây.

Ngoài ra những chất còn lại của trứng và sữa còn trên lá sẽ là thức ăn cho các loại nấm ngoại sinh phát triển. Khi các loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa. Tuy nhiên, ông Chính cũng cho rằng nên có một nghiên cứu khoa học trước khi khuyến cáo người dân áp dụng theo phương pháp trồng lúa này.

Anh Dương Xuân Vũ, con trai ông Quả đang chịu trách nhiệm chăm sóc lúa cho biết, sau khi biết anh thử nghiệm phương pháp trồng lúa mới, chính quyền địa phương có đến thăm hỏi, động viên anh và nhắn nhủ rằng có khó khăn thì địa phương sẵn sàng hỗ trợ. Cha con của ông Quả cũng mong rằng việc thử nghiệm phương pháp trồng lúa mới này sẽ góp phần nâng cao giá trị của hạt gạo Việt, từ đó giúp nông dân miền Tây và cả nước nói chung có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lạ: Nông dân An Giang chăm bón lúa bằng vôi trộn sữa tươi và trứng gà