Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích Syria, nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ-Nga càng lớn vì Moscow đã dọa sẽ trả đũa. Trong khi đó, một chuyên gia Mỹ nhận định ông Trump còn muốn truy diệt Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria.

Chuyên gia Mỹ: Ông Trump muốn truy diệt Tổng thống Syria

14/04/2018, 16:29

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích Syria, nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ-Nga càng lớn vì Moscow đã dọa sẽ trả đũa. Trong khi đó, một chuyên gia Mỹ nhận định ông Trump còn muốn truy diệt Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria.

Ảnh hai vị Tổng thống Nga-Syria trước một căn cứ ở Syria - Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh này, liệu Mỹ-Nga sẽ đánh nhau to, và chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?

Đêm 13.4 (giờ Mỹ), Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tuyên bố không kích Syria, với cớ trả đũa quân đội Syria dùng vũ khí hóa học (VKHH) giết dân ở khu ngoại ô Đông Ghouta hôm 7.4.

Ngay lập tức, nghị sĩ Alexander Sherin, Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga nói “Có thể gọi ông Trump là trùm phát xít Adolf Hitler thứ hai của thời đại chúng ta, vì như quý vị đã thấy, ông ta chọn thời điểm Hitler tấn công Liên Xô”.

Mỹ ưng dùng tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk

Theo Newsweek, từ sau lần Mỹ toan bóp nghẹt quân cách mạng Nga sau Thế chiến 1 hồi 100 năm trước, hai kình địch Mỹ-Nga chưa hề giao chiến trực tiếp. Ngày nay, hai nước đều có vũ khí to hơn, mạnh hơn và thông minh hơn, dư khả năng gây hậu quả tàn phá.

Ngày 12.4, ông Ian Williams thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói rất có khả năng Mỹ tấn công tên lửa ở Syria nhưng khó có khả năng Nga phản ứng. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này, và ông chỉ ra một số vũ khí mạnh mà Nga-Mỹ đã đem đến chiến địa Syria.

Ông Williams nói Lầu Năm Góc ưng dùng tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk trong các cuộc không kích hạn chế, như tháng 4.2017, hai khu trục hạm Ross và Porter đã phóng 59 “Búa” vào căn cứ không quân Al-Shayrat.

Lúc đó ông Trump nêu cớ Syria dùng khí độc thần kinh Sarin giết dân ở thành phố Idlib do quân nổi dậy kiểm soát. Nhưng vài ngày sau, căn cứ này lại hoạt động.

Chuyên gia Williams nói Mỹ cũng có thể dùng tên lửa phóng từ trên không như phiên bản ER của kiểu AGM-158B JASSM, nhưng như thế khiến phi công Mỹ có thể toi mạng vì tên lửa địch, trong khi “Búa” Tomahawk có thể được phóng từ vị trí an toàn ở Địa Trung Hải, khi hai chiến hạm Ross-Porter sẵn sàng tấn công, và có thể có sự tham gia của đội tàu tấn công của tàu sân bay Harry Truman.

Mỹ cũng có thể đã nâng cấp "Búa” lên phiên bản Block IV, có thể là loại tên lửa “đẹp, mới và thông minh” mà ông Trump đã đề cập hôm 12.4. Ông Williams nói đó là tên lửa hiện đại, có khả năng tái lập trình ngay lúc đang bay, duy trì liên lạc suốt thời gian hoạt động, lượn quanh các mục tiêu và thậm chí có thể điều phối với “Búa” để tấn công phối hợp.

Vị chuyên gia nói: “Các loại tên lửa này khó thể bị bắn trúng, khó bị phát hiện vì chúng thông minh, được thiết kế để có thể tàng hình. Dạng tên lửa này dễ bị ngăn chặn, nếu bạn trông thấy chúng bay tới, nhưng thử thách là có thấy được chúng bay tới hay không”.

Nga cũng có hỏa lực hiện đại, được bổ sung bằng máy bay cảnh báo sớm A-50 và hệ thống radar hải quân. Hệ thống phòng không S-400 (NATO đặt tên lóng là Bình Đựng Bia SA-21) được các đồng minh của Mỹ là Iraq, Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thèm muốn sở hữu.

Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Douglas Barrie của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nói thực tế “Nga có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ, và như thời Không quân Liên Xô, Lực lượng không gian Nga từ lâu đã tập định vị-bắn hạ tên lửa hành trình, nhưng đấy không phải là việc dễ dàng. Để đánh chặn tên lửa hành trình Mỹ, trước tiên phải xác định vị trí đang bay của nó, rồi đưa hệ thống tên lửa vào tầm bắn hoặc để định vị thật sát mục tiêu. Và căn cứ theo sự hiện diện hạn chế của Nga ở Syria, đấy là một thách thức”.

Ông Barrie giải thích: các tên lửa đất đối không như Bình Đựng bia SA-21, S-300 và tên lửa tầm ngắn Pantsir S-1 (Chó Săn Thỏ SA-22) đều có khả năng chống tên lửa hành trình. Chúng đã được dàn ở Syria, riêng S-400 dàn ở vùng biển phía tây Syria.

Nga có căn cứ hải quân ở Tartous và căn cứ không quân Hmeymim gần Lattakia, và còn có tin quân đội Syria đã chuyển các tài sản quan trọng đến các căn cứ Nga, nhằm tránh bị Mỹ tấn công.

Vì thế, các nhà quan sát chú ý những căn cứ không quân Syria và các vị trí bị nghi sản xuất VKHH, là những mục tiêu mà các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và K-300P Bastion-P (NATO gọi là Bù nhìn SS-C-5) khó thể bảo vệ.

Nga cũng đã củng cố hệ thống phòng thủ của Syria, nâng cấp các hệ thống tên lửa S-200, Chó Săn Thỏ SA-22 và tên lửa tầm trung Buk.

Quân đội Syria đã đánh chặn nhiều tên lửa không đối đất phóng vào căn cứ không quân T-4 hôm 8.4, mà Nga đổ trách nhiệm cho Israel. Syria cũng bắn hạ một chiến đấu cơ Israel hồi tháng 2.

Tên lửa đất đối đất Chó săn thỏ Pantsir S-1 được bắn thử - Ảnh: Getty Images

Chuyên gia Mỹ: Ông Trump thậm chí muốn truy diệt Tổng thống Syria

Tuy nhiên, giá trị chiến lược tấn công các sân bay và vị trí nghi sản xuất VKHH đã bị giảm, vì thời gian kéo dài và có thể các mục tiêu đã được sơ tán. Ngày 9.4, ông Trump tuyên bố sẽ phản ứng mạnh trong “từ 24 đến 48 giờ tới”, nhưng đến ngày 12.4 ông lại viết Twitter nêu phản ứng này có thể rất sớm hoặc không quá sớm!”.

Chuyên gia Williams nói điều này có thể là một yếu tố mới nguy hiểm cho kế hoạch của ông Trump, nhất là khi “diều hâu hiếu chiến” John Bolton sắp trở thành Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng.

Vị chuyên gia nói với Newsweek: Ông Trump thậm chí muốn truy diệt Tổng thống Assad: “Có khả năng mục tiêu tấn công sẽ mang tính chính trị, như truy diệt các cá nhân, lãnh đạo cấp cao hơn trong chính phủ và quân đội Syria”.

Ông Williams còn nói nếu kế hoạch này thất bại, nó vẫn có thể “phát đi một thông điệp mạnh mẽ hơn” đến lãnh đạo Syria, nhưng cũng sẽ gây ra thương vong cao cho dân Syria và quân nhân Nga.

Hồi trung tuần tháng 3, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga là Tướng Valery Gerasimov đã cảnh báo: “Nếu sinh mạng quân nhân Nga bị đe dọa, quân đội Nga sẽ có các biện pháp trả đũa, nhắm vào tên lửa và giàn phóng của chúng”. Và nếu ông giữ đúng lời dọa này, nguy cơ Mỹ-Nga đánh nhau trực tiếp tăng lên rất cao.

Trong trường hợp này, hai siêu cường Nga-Mỹ đều có tàu chiến máy bay, tàu ngầm ở Địa Trung Hải, cùng các hệ thống phòng thủ nhiều tầm như tên lửa tầm xa-ngắn và can thiệp điện tử.

Mỹ được cho là có ưu thế tối thượng về kỹ thuật, nhưng hai bên chưa hề dùng hỏa lực để đánh nhau từ hàng chục năm qua. Và trong một kịch bản đáng sợ, Mỹ-Nga đều có thể dùng kho vũ khí hạt nhân để đánh nhau.

Chuyên gia Williams nói: “Tôi không nghĩ người Nga sẽ hành động như thế. Tôi hy vọng họ sẽ không làm thế. Nhưng tôi cũng từng không nghĩ Nga sáp nhập Crimea”.

Trung Trực (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Mỹ: Ông Trump muốn truy diệt Tổng thống Syria