Chuyện Bộ Quốc phòng Nga tố cáo không quân Israel tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Syria, là do đổ vỡ quan hệ thân tình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Quan hệ Nga-Israel đổ vỡ, Nga tố Israel tấn công Syria

11/04/2018, 06:02

Chuyện Bộ Quốc phòng Nga tố cáo không quân Israel tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Syria, là do đổ vỡ quan hệ thân tình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Putin lập quan hệ thân ái với Thủ tướng Metanyaju - Ảnh: Moscow Times

Theo phân tích của báo Guardian, sự đổ vỡ này do Israel sợ Nga đã không thể kiểm soát Iran và các nhóm quân ủy nhiệm đang yểm hộ quân đội Syria.

Nga cáo buộc Israel không báo trước vụ không kích bằng 8 tên lửa

Quân đội Israel đã nhiều lần mở các đợt tấn công vào Syria, chủ yếu để bảo vệ vùng biên giới khỏi nguy cơ lực lượng vũ trang Hezbollah (Lebanon) tấn công và việc dàn quân ở Cao nguyên Golan. Israel sợ việc tiếp cận được Cao nguyên Golan từ phía Syria sẽ cho phép lực lượng Hezbollah mở các cuộc tấn công vào Israel.

Cũng có một sự hiểu ngầm rằng quyền lợi Israel ở Syria được Nga bảo vệ, chủ yếu là để hạn chế sự hiện diện của quân ủy nhiệm có Iran chống lưng ở phía tây nam Syria.

Trước đây khi Israel tấn công vào Syria, Nga thường nhắm mắt làm ngơ, dù Nga kiểm soát không phận Syria từ khi đưa quân Nga qua bảo vệ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 9.2015.

Nhưng ngày 9.4, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc hai chiến đấu cơ F-15 của không quân Israel bay trong không phận Lebanon, phóng 8 quả tên lửa tấn công căn cứ không quân T-4 ở thành phố Homs (miền Trung Syria) mà không phải xâm phạm vùng trời Syria.

Phòng không Syria đã bắn hạ 5/8 quả tên lửa mà Israel phóng tới căn cứ. 3 quả còn lại rơi vào phía tây căn cứ T-4, làm ít nhất 14 lính Iran hoặc thành viên quân ủy nhiệm của Iran, theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở ở Anh) cho biết.

Trước đó, Đài truyền hình nhà nước Syria dẫn lời các sĩ quan giấu tên, nói nhiều khả năng đó là “một đòn tấn công của Mỹ”. Nhưng Lầu Năm Góc tuyên bố không tấn công Syria “vào lúc này”.

Căn cứ T-4 còn gọi là căn cứ Tiyas và do không quân Nga sử dụng và là nơi chiến đấu cơ cất cánh tấn công các vùng do quân nổi dậy kiểm soát, trong nỗ lực Nga giúp bảo vệ chế độ Assad trong cuộc nội chiến 8 năm qua ở Syria.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận không có cố vấn quân sự Nga bị thương vong trong vụ tấn công này.

Nhưng người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói với các nhà báo: vụ tấn công bất ngờ này gây quan ngại, do có quân Nga ở các căn cứ không quân ở Syria. Ông nhấn mạnh phía Israel không hề báo trước, nên Điện Kremlin đã phải nêu vấn đề quan ngại với chính quyền Israel, “thông qua các kênh thích hợp”.

Người phát ngôn của chính quyền Israel từ chối bình luận. Không thể rõ Israel có báo trước với Nga hay không, vì Israel không bao giờ xác nhận hoặc phủ nhận các vụ tấn công.

Hồi tháng 2, không quân Israel từng tấn công căn cứ T-4, với lý do máy bay không người lái của Iran cất cánh từ căn cứ này bay vào lãnh thổ Israel. Mãi sau vụ không kích mới nhất, Bộ Quốc phòng Israel giải thích: Iran và đơn vị đặc nhiệm Quds (của Vệ binh Cách mạng Iran) đôi khi hoạt động từ căn cứ này, có sự trợ giúp của quân đội Syria và được chính quyền Syria cho phép.

Israel tranh thủ Syria bị cáo buộc dùng khí độc Sarin giết dân thường

Một quan chức chính quyền Israel khẳng định do Syria đã vượt qua "lằn ranh đỏ" để cho các thế lực đe dọa an nguy của Israel nên Israel ra tay.

Cuộc không kích cho thấy Israel rất lo ngại Nga không hết lòng thực hiện phần việc kiểm soát Iran và quân ủy nhiệm. Vài tuần qua, Israel đã phát đi 3 tín hiệu cảnh báo:

+ Một cuộc tập trận trong đó Nga tiến hành một cuộc chiến tranh nhiều bên để chặn Israel tấn công Syria.

+ Israel công khai thừa nhận năm 2007 đã đánh bom một lò phản ứng hạt nhân ở Syria.

+ Hồi tháng 2.2018, Israel mở một đợt không kích vào Syria để đánh chặn máy bay không người lái Iran bay vào Israel.

Israel cũng cho rằng liên minh chính trị Nga-Iran về tương lai Syria đang được củng cố, đồng thời làm hỏng hy vọng của Israel là khoảng 80.000 quân Iran sẽ không hiện diện thường trực ở Syria, nhất là ở tây nam nước này.

Trong bối cảnh đó, vụ không kích của Israel có thể được hiểu là tranh thủ thời cơ từ vụ Syria bị cáo buộc tấn công dân thường ở Đông Ghouta ngày 7.4.

Israel muốn giữ chân lính Mỹ ở Syria để ngăn chặn Iran

Hiện chưa thể rõ về tính logic trong vụ Israel tấn công căn cứ Syria, chưa kể có sự điều phối giữa Israel với Mỹ hay không. Nhưng vụ này chắc chắn sẽ không kéo giảm quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ-Nga.

Thực tế là Thủ tướng Netanyahu xem sự dính líu của Mỹ là bảo đảm tốt nhất giúp ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran ở Syria. Nhưng Israel bất mãn Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khoảng 2.000 quân đặc nhiệm Mỹ khỏi Syria.

Một số quan chức cấp cao Israel cho rằng chính phủ Mỹ không đáng tin, hỗn loạn, không có khả năng tạo được chính sách về Syria.

Các quan chức quân sự nhận định chính sự bất ổn ở Nhà Trắng buộc Israel phải tự hành động để bảo vệ quyền lợi riêng ở Syria. Họ nhấn mạnh không có mục tiêu “thay đổi chế độ” Assad, không muốn làm suy yếu chế độ này, nhưng là để làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran.

Quan hệ quân sự Nga-Israel được đánh giá là thân cận. Gần đây Nga tiếp các đoàn sĩ quan Israel và đã được báo trước những vụ oanh kích của Israel.

Nhưng Moscow cũng cảnh báo sẽ có phản ứng quân sự không thỏa hiệp, đối với những vụ tấn công các mục tiêu quân sự của Syria. Hồi tháng 3, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov nói Nga sẽ có những biện pháp trả đũa.

Và khi xảy ra cáo buộc, quân đội Syria lại dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở khu ngoại ô Đông Ghouta hôm 7.4, Bộ ngoại giao Nga lại ra tuyên bố, nhắc nhở rằng quân Nga đến Syria bảo vệ hòa bình, giúp quân đội Syria, và “bất kỳ hành động quân sự nào từ các thế lực khác đều có thể gặp những hậu quả nghiêm trọng nhất”.

Tuyên bố này được cho là gây ra khả năng đối đầu trực tiếp giữa Nga-Mỹ, nếu Mỹ quyết tấn công các căn cứ không quân Syria.

Nga tập trận lớn để ôn kinh nghiệm chiến đấu ở Syria

Để đề phòng, quân binh Nga sẽ tham gia các cuộc tập trận lớn, trải dài ở miền Trung Nga qua hai nước Trung Á láng giềng. Ngày 9.4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tập trận từ Siberia qua vùng Urals và vùng Volga, cũng như ở các căn cứ Nga ở Tajikistan và Kyrghystan. Bộ nhấn mạnh các cuộc tập trận nhằm học tập kinh nghiệm mà quân Nga có được từ chiến trường Syria, từ đó sẽ lập cơ chế giám sát cấp độ lớn cho Quân khu trung ương.

Thiếu tướng Alexander Lapin là chỉ huy quân khu này, nói kinh nghiệm quân sự có được từ Syria sẽ được dùng vào công tác chiến đấu-huấn luyện quân nhân.

3 tháng trước đó, 10.000 quân Nga cũng tập trận chống khủng bố ở Quân khu trung ương, dựa theo kinh nghiệm chiến trường Syria. Tướng Gerasimov cũng từng ước tính Nga có 48.000 quân tham chiến ở Syria, và quân đội đã thử nghiệm hơn 200 loại vũ khí mới.

Vĩnh Thụy (theo Guardian, Independent, Moscow Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ Nga-Israel đổ vỡ, Nga tố Israel tấn công Syria