Chiều 21.4, PV báo điện tử Một Thế Giới đã cùng đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiến hành quan trắc và lấy mẫu nước ở vùng biển Thừa Thiên-Huế, nơi xuất hiện cá tự nhiên và cá nuôi lồng chết hàng loạt.

Chuyên gia Bộ NN-PTNT lấy mẫu nước biển ở các tỉnh miền Trung

Lê Đình Dũng | 21/04/2016, 20:37

Chiều 21.4, PV báo điện tử Một Thế Giới đã cùng đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiến hành quan trắc và lấy mẫu nước ở vùng biển Thừa Thiên-Huế, nơi xuất hiện cá tự nhiên và cá nuôi lồng chết hàng loạt.

Ông Trần Quang Thư, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường biển (Viện Nghiên cứu hải sản) cho biết, nhận chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đoàn đã vào tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành lấy mẫu ở 5 điểm dọc vùng biển tỉnh này.

Đoàn chuyên gia tiến hành lấy mẫu bùn ở cách cửa biển tầm 500m - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Việc lấy mẫu sẽ tập trung vào các nhóm thông số như: nhóm thông số môi trường cơ bản (nhiệt độ, oxy hòa tan, chỉ số PH, độ mặn, độ đục); nhóm thông số dinh dưỡng; nhóm thông số kim loại nặng và độc tố; nhóm thông số hữu cơ; nhóm thông số sinh vật phù du (thực vật, động vật phù du); nhóm thông số bệnh phẩm vi sinh; mẫu bệnh phẩm của đối tượng nuôi; nhóm thông số trầm tích (độc tố, chất ô nhiễm hữu cơ).

Theo ông Thư, đoàn chỉ đang tiến hành lấy mẫu, sau đó phải phân tích trong phòng thí nghiệm mới có kết quả đánh giá được. Sau khi lấy mẫu ở Thừa Thiên-Huế, đoàn sẽ lấy ngược ra các tỉnh phía bắc như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Lấy mẫu phù du mặt nước - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Lấy mẫu nước gần các lồng nuôi trong đầm Lăng Cô - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Dù cá tự nhiên và cá nuôi lồng được người dân báo cáo chết rất nhiều nhưng báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ ghi nhận có 11 hộ nuôi cá lồng thiệt hại tổng cộng 5.906 con (cá vẩu, mú, giò). Theo Sở này, cá tự nhiên (cá đuối, cá ong căn, cá nhói xanh…) chết tại khu vực ven biển và cửa biển thị trấn Lăng Cô, ven biển và cửa biển sông Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc); cá nuôi lồng (chủ yếu cá giò, cá vẩu) chếttại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, vị trí gần cửa biển).

Sở này khẳng định chất lượng nước phú dưỡng PO4 tại thời điểm đo là 1 mg/lít (chỉ số tối đa cho phép chỉ 0,5 mg/lít) nên làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5 - 8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.

Các lồng nuôi cá ở thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc của Thừa Thiên - Huế chết rất nhiều - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Mỗi lồng cá thế này đến kỳ thu hoạch cho tổng toàn bộ từ khâu đầu tư giống, thức ăn khoảng 30 triệu đồng, nay chẳng còn con giống nào - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Trong lúc đó tại Quảng Trị, từ ngày 18.4 đến nay ngư dân vùng biển này đã thu gom được 30 tấn cá chết, ước thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Sở NN-PTNT Quảng Trị khuyến cáo người dân không thu gom cá chết đưa vàochế biến thực phẩmvà làm thức ăn cho gia súc.

Trong ngày 21.4, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khảo sát tình hình cá chết dọc bờ biển tỉnh này. Ông Đồng đề nghịSở Y tếtiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân cách tiêu hủy cá chết đúng quy định, đảm bảovệ sinh môi trườngbiển. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương Quảng Bình, Hà Tĩnh để nắm bắt tình hình, tham mưu, đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ các giải pháp để xử lý.

Một con cá vẩu tầm 20kg chết trôi trên biển Lăng Cô. Người dân bản địa cho biết, với con cá này nếu còn sống sẽ bán được tầm 5 triệu đồng - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Tại cửa biển Lăng Cô, khi đoàn khảo sát của Bộ NN-PTNT đang lấy mẫu sa đáy đã phát hiện nhiều xác cá, có con lớn tầm 20kg trôi trên biển.

Ông Dương Đăng Trung, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, phần lớn các lồng nuôi của người dân trên địa bàn đều thiệt hại lớn. Hiện người dân chỉ biết cách kéo lồng lên bờ ngừng lại việc nuôi cá, kinh tế bà con đanghết sức khó khăn.

Video cá vẩu khủng chết trôi dạt trên biển Thừa Thiên-Huế:

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Bộ NN-PTNT lấy mẫu nước biển ở các tỉnh miền Trung