Hiện nay, cụm từ "chuyển đổi số" đã và đang được sử dụng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa.

Chuyển đổi số ngành y tế: Phải bắt đầu từ các bệnh viện

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 23/03/2022, 10:25

Hiện nay, cụm từ "chuyển đổi số" đã và đang được sử dụng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa.

Chuyển đổi số vẫn còn nhiều rào cản

Với ngành y tế, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự chung tay của doanh nghiệp công nghệ cũng như nỗ lực của ngành y đã bước đầu mang lại "trái ngọt" cho người dân. Tuy vậy, chuyển đổi số y tế vẫn còn nhiều rào cản, mà vấn đề đầu tiên chính là bài toán dữ liệu vẫn còn làm đau đầu các hệ thống để quản lý. Mặc dù việc chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và dược phẩm vẫn đang bị chậm hơn nhiều ngành nghề khác khi thực hiện các chiến lược chuyển đổi số. Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, chỉ có 7% các công ty y tế và dược phẩm cho biết họ đã chuyển sang kỹ thuật số, so với 15% các công ty trong các ngành khác.

Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ… sản sinh những công cụ sản xuất hội tụ giữa thế giới thực và thế giới số.

Theo PGS TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nền tàng cho chuyển đổi số trong ngành y tế. Tuy nhiên vẫn đang còn nhiều khó khăn đó là để các cơ quan quản lý, cộng đồng hiểu về cai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế. Bên cạnh đấy, vẫn phải chú trọng các công tác chuyển đổi hạ tầng trên nền thuật toán.

chuyen-doi-so-y-te-4.jpg
Chuyển đổi số ngành y tế đã tạo được cho các y bác sĩ có cơ hội được nâng cao tay nghề, hội chuẩn những ca bệnh phức tạp

PGS Tường nhấn mạnh cần phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ngoài ra, cần phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế. "Chúng ta cần ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp", PGS Tường cho hay.

Theo các chuyên gia y tế, việc chuyển đổi số hiện nay đã và đang tạo môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện không giấy tờ; tăng chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tim, tối ưu quy trình khám một cách nhanh - gọn chính xác. Giảm thời gian khối lượng công việc thủ tục hành chính; quản lý chặt chẽ tài chính, nâng cao hiệu suất công việc, chất lượng khám, chữa bệnh… là những mục tiêu mà ngành Y tế và các bệnh viện trên cả nước đã và đang triển khai. Và bệnh viện chính là nơi đầu tiên cần thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, để ngay cả khi đội ngũ y bác sĩ gặp một ca bệnh khó, có thể dễ dàng chuẩn đoán bệnh, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phân tích, mổ xẻ và đưa ra hướng điều trị tích cực cho bệnh nhân. Điều đó đã được thể hiện một cách rõ nhất khi các bệnh viện đã trải qua những đợt dịch COVID-19, tiếp nhận nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng và cần hội chuẩn từ các y bác sĩ đầu ngành.

Chia sẻ về hiệu quả sau khi áp dụng chuyển đổi số một cách tích cực nhất tại bệnh viện ở nơi vùng xa như tỉnh Hà Giang, bác sĩ Đỗ Văn Cảnh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Hiệu quả đầu tiên của chuyển đổi số đó là việc hiện nay các phim chụp đã được đẩy lên hệ thống mạng giúp giảm tải việc in ấn, tạo tính chân thực. Bên cạnh đó, bệnh viện trang bị hệ thống hội chẩn với các tuyến bệnh viện Trung ương qua phần mềm Teleheath đã giúp các ca bệnh nặng được xử lý kịp thời, dễ dàng chẩn đoán bệnh, giúp người bệnh không phải di chuyển xa và kịp thời can thiệp chữa bệnh cho người dân. Mỗi buổi hội chẩn trở thành bài học thực tiễn giúp trình độ chuyên môn của các y, bác sỹ được nâng lên…”.

Mục tiêu hoàn thiện chuyển đổi số ở các bệnh viện tới năm 2030

Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế cần từng bước số hóa để góp phần thay đổi bộ mặt ngành y tế. Đặc biệt tới năm 2030 tất cả các bệnh viện sẽ tiến hành bệnh viện thông minh, qua đó giúp thời gian đăng ký khám bệnh giảm từ 4 phút xuống còn 1 phút; thời gian kê toa thuốc xuống còn 2 phút. Thời gian làm thủ tục viện phí cho bệnh nhân ra viện nhanh hơn 3 lần và tính chính xác cao hơn, thời gian tổng hợp báo cáo khoảng 5 phút thay vì 1 – 2 ngày như trước. Còn thời gian xuất thuốc, thu phí còn 2 phút; bác sỹ có thể tham khảo nhanh kết quả cận lâm sàng ngay trên máy tính, phục vụ kịp thời cho điều trị, cấp cứu…

Nguồn dữ liệu lớn xuất phát từ các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng, bao gồm dữ liệu cá nhân, các thông số bệnh tật, ghi chú lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu dịch tễ học và hành vi người bệnh... Tuy nhiên, do thiếu chuẩn đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ thống nhất, nên nguồn dữ liệu quý giá được ví như "mỏ dầu" này vẫn nằm chủ yếu dưới dạng phi cấu trúc, phi tập trung và hầu như chưa được khai thác hiệu quả để cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Nếu các bệnh viện cùng chung tay thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu, chuyển đổi số một cách tích cực thì người dân là đối tượng có được nhiều lợi ích nhất từ mô hình này. Trên cơ sở nền tảng dữ liệu dùng chung của ngành y tế, người dân sẽ được cấp Sổ khám bệnh điện tử để kết nối, sử dụng tất cả dịch vụ y tế của các bệnh viện, từ đăng ký khám trực tuyến, nhận kết quả cho đến đóng tiền viện phí.

Theo chia sẻ của Bộ Y tế, hiện các bệnh viện đang thực hiện "Mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam". Dựa trên kho dữ liệu này, Bộ Y tế và các Sở Y tế tại các tỉnh sẽ đưa ra được mô hình cảnh báo dịch bệnh, quản trị chi tiêu, giám sát những tình hình bất thường, cũng như chủ động triển khai các dịch vụ mới phục vụ người dân. Các bác sĩ có thể truy cập để theo dõi toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ tuyến dưới, giúp đưa ra y lệnh chính xác hơn. Người dân cũng được hưởng dịch vụ với chất lượng cao hơn và trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Mô hình này cũng được ứng dụng để hỗ trợ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cho phép người dân ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Đây là một trong những giải pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của COVID-19, cũng là một trong những biện pháp giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương vừa qua.

Chuyển đổi số trong ngành y tế: Đơn giản nhưng vẫn khó thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ngành y tế: Phải bắt đầu từ các bệnh viện