Thời ấy thi cử khá đơn giản. Các trường đại học được tự chủ, được tự tổ chức thi tuyển sinh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của trường mình. Nhận giấy báo thi, tôi chuẩn bị lều chõng gọn nhẹ. Trường thi mãi bên huyện Vĩnh Bảo cách nhà gần 30 cây số, sơ tán về đó để tránh máy bay.

Chuyện đại học: Thi dưới tầm bom Mỹ

24/06/2018, 10:59

Thời ấy thi cử khá đơn giản. Các trường đại học được tự chủ, được tự tổ chức thi tuyển sinh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của trường mình. Nhận giấy báo thi, tôi chuẩn bị lều chõng gọn nhẹ. Trường thi mãi bên huyện Vĩnh Bảo cách nhà gần 30 cây số, sơ tán về đó để tránh máy bay.

Một lớp học thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc - Ảnh: Tư liệu/Internet

Chỉ đôi ngày nữa, như mọi năm, sĩ tử cả nước lại đồng loạt làm cuộc ‘lều chõng” giật cái bằng tú tài, chứng chỉ quyết định đầu tiên để từ đó dợm bước vào đời. Cuộc vượt vũ môn này được nhà nước gọi là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Các trường đại học, cao đẳng sẽ căn cứ vào kết quả thi mà tuyển sinh viên cho mình. Phải công nhận với cách tuyển này xã hội bớt hẳn chộn rộn, sự vất vả cho cả thí sinh, phụ huynh lẫn nhà trường so với vài năm trước.

Ngắm cảnh thi cử thời nay, tự dưng nhớ đận mình thi ngày trước, cũng gần nửa thế kỷ rồi.

Tôi hồi bé, gia đình nghèo, sống rặt ở nông thôn nhưng may mắn được thày bu nhịn ăn nhịn mặc cho đi học nên biết tí chữ. Hết lớp 10, thêm may nữa là nhà có 2 con trai thì anh tôi vài năm trước đã đi bộ đội cho nên cu em được tạm hoãn, có thể thi vào đại học.

Từ tháng 4.1972, máy bay Mỹ lại đánh bom miền Bắc. Hải Phòng quê tôi được đám tàu bay Mỹ ưu tiên cho nếm mùi B-52 sớm. Ngày 16.4 nó rải thảm trận địa pháo sát cầu Niệm, bom chệch trúng nhà dân thôn Phúc Lộc xã Hưng Đạo chết mấy chục người. Bọn lớp 10 (cuối cấp hệ phổ thông thời ấy) chúng tôi vừa học vừa tránh bom. Ngoài thời gian các thầy cô dạy cho trên lớp, thì chỉ tự học, chứ không hề biết học thêm học nếm gì. Mà giả dụ có đứa nào định học thêm, kiểu được thầy cô bồi dưỡng, luyện thi như bây giờ cũng đành chịu bởi chả có giáo viên nào mở lớp. Hết giờ dạy, các thầy cô chỉ chăm bẵm vào việc nuôi lợn, xỏ mành trúc, đan len, dệt thảm, trồng rau… chứ không dạy. Hồi ấy không có khái niệm luyện thi.

Trường học thời chiến ở miền Bắc những năm 1960- đầu 1970 - Ảnh: Tư liệu/Internet

Tháng 7.1972, tôi đi thi đại học, sau khi biết chắc chắn đã đậu tốt nghiệp phổ thông. Tôi nộp hồ sơ đăng ký thi vào khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, lý do đơn giản bởi tôi rất dốt “tự nhiên” toán lý hóa, vả lại hồi nhỏ cũng hay đọc truyện, năm lớp 7 thi học sinh giỏi văn toàn thành phố Hải Phòng được giải… khuyến khích, phần thưởng là cái bút máy con trâu Trung Quốc. Kể lể như vậy không phải để khoe (vinh dự hạng ao làng thì khoe quái gì) mà nhằm đi đến kết luận, chả biết có phải ông bà phù hộ hay giời thương nên trúng tuyển. Văn tổng hợp đàng hoàng.

Thời ấy thi cử khá đơn giản. Các trường đại học được tự chủ, được tự tổ chức thi tuyển sinh phù hợp với đặc điểm, điều kiện của trường mình. Nhận giấy báo thi, tôi chuẩn bị lều chõng gọn nhẹ. Trường thi mãi bên huyện Vĩnh Bảo cách nhà gần 30 cây số, sơ tán về đó để tránh máy bay. Mượn ông anh họ chiếc xe đạp, bơm căng. Thi 2 ngày, cộng thêm 1 ngày đến sớm làm thủ tục là 3 ngày, đem theo 3 ký gạo, chục con cá khô, bu tôi vét voi hết các khoản dúi cho ít tiền làm tiền ứng thí. Hội đồng thi xếp tôi và 2 anh nữa ở chung một nhà dân, bà con cho mượn xoong nồi tự nấu lấy ăn. Tiết kiệm đến mức, lúc về vẫn còn tiền. Ba đứa, cái anh người nội thành kính cận mấy đi ốp, nói năng hoạt bát tôi quên tên rồi, là học sinh Trường chuyên Thái Phiên giỏi văn từng đi thi miền Bắc, vậy mà trượt, còn tôi và Hoàng Tăng (quê Tiên Lãng, nơi mấy chục năm sau xảy ra vụ cống Rộc đầm Vươn) lớ ngớ "chó ngáp phải ruồi" may mắn đỗ, cùng vào khoa Văn, nó đổi tên thành Hoàng Hải, học ngành ngôn ngữ, còn tôi học văn. Đúng là học tài thi phận. Nhẽ ra người đỗ phải là anh học trò trường Thái Phiên mới đúng.

Kể lể vậy để nói rằng thời ấy thi cử đơn giản lắm. Phụ huynh một phần bận rộn sản xuất, “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương), bận quần nhau với Mỹ, phần khác quen nếp cứ để con cái tự lo, nếu có rớt thì ở nhà làm ruộng, nên không có chuyện nhao nhác vất vả vì con như sau này.

Trường đại học thì trường nào trường nấy tự chủ tổ chức thi cho phù hợp nên cũng chỉ bận rộn tí chút, còn Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do cụ Tạ Quang Bửu đứng đầu chả hề can thiệp sâu như bây giờ. Ít tốn kém, gọn nhẹ, không ầm ĩ nhưng chất lượng đâu ra đấy.

Gói ghém hai bộ quần áo, chiếc khăn mặt, cái bàn chải cũ, nhét kỹ vào đáy túi xách số tiền bu tôi cho, tôi lên xe đạp “lai kinh (sang huyện Vĩnh Bảo) ứng thí”. Vài đồng bạc, chả nhiều nhào gì nhưng tôi biết số tiền ấy với gia đình mình là lớn lắm, giá trị bằng cả một xe cải tiến dưa hấu mà tôi với thày tôi phải dậy từ 2 giờ sáng kéo bộ 20 cây số ra chợ An Dương ở nội thành bán mới được chừng ấy.

Lần đầu tiên trong đời, chưa bao giờ trong túi tôi có “nhiều” tiền thế. Nhà quê hồi đó không làm gì ra tiền, chỉ trông vào mấy thứ vặt vãnh rau cỏ, quả dưa quả ổi, thuốc lào, con gà con qué… theo mùa chứ thóc chả đủ ăn, chỉ có những ông trốn vợ đi đánh bạc mới liều xúc vài ký thóc đi bán. Tôi cố gắng tằn tiện, nhưng tiền lọt vào cái túi thủng của anh học trò nghèo biết bao nhiêu cho đủ, ráng bóp mồm bóp miệng cho qua hết kỳ thi.

Xui xẻo, trên đường sang Vĩnh Bảo, đến gần bến phà Khuể huyện An Lão, một con nghé đang ăn cỏ ở bờ cừ bất ngờ nhào ra, tôi phi xe đạp chưa quen, vội tránh nó nên đâm thẳng vào chiếc xe cải tiến chở vôi ra bến sông. Đương nhiên là xe cải tiến không sao, còn xe đạp bị cong vành, khung bị chùn. Khệ nệ lôi chiếc xe quý của ông anh đến quán sửa xe chỗ bến Khuể, sửa tới trưa mới xong, anh thợ tháo chiếc vành để nắn vành, tháo khung đem sang tiệm khác nhờ rút khung, lắp ráp xong mất đứt 2 đồng, ông thợ còn bảo tôi thông cảm cho chú học trò đi thi tôi lấy rẻ đới. Món tiền đầu tiên được quyền tiêu pha trong đời để chi cho một tai nạn.

Buổi chiều tới Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, nộp tiền lệ phí thi và tiền dự phòng để sau này trường làm hồ sơ, gửi giấy báo về nếu trúng tuyển. 3 ngày ở nhà trọ, chủ nhà thương mấy cậu sĩ tử vất vả nên nhường cho nơi ăn ngủ, cho mượn bếp tự nấu ăn. Cũng chỉ ăn bữa tối thôi bởi tầm trưa không kịp nấu, mua tạm củ khoai hoặc cái bánh chưng lót dạ, lấy sức mà “chiến đấu”. Buổi thi môn địa lý vừa chép đề xong thì vang kẻng báo động, máy bay Mỹ rà sát sông Văn Úc vào bỏ bom phá bến phà Cựu, phà Khuể, cầu Niệm, cầu Rào. Thầy trò nhào ra hầm, núp dưới gốc tre, đem theo cả bài làm dở dang. Báo yên lại vào thi tiếp. Thế rồi cũng xong 3 ngày thi, bồi hồi chia tay nhau về nhà hồi hộp chờ đợi.

Những năm ấy, ở miền Bắc chưa có nhiều trường đại học, thậm chí chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cả làng cả xã có những năm không đứa nào thi đậu đại học. Rớt thì nộp hồ sơ lên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố để xin vào trung cấp hoặc vào trường sư phạm 10+3. Đám bạn tôi, ngoài những đứa đi bộ đội như thằng Thành, thằng Thảo, thằng Như, anh Tiến, thằng Lĩnh…, thì hầu hết con gái vào 10+3 Kiến An, còn đám con trai được chú Ngô Duy Ngân (người làng tôi, có họ xa) làm ở Ban tổ chức chính quyền Hải Phòng xếp cho học trường trung cấp hải quan trên Văn Lâm (tỉnh Hải Hưng, thuộc Hưng Yên bây giờ). Bọn thằng Đền, thằng Hưởng, chú Cước ra trường về Cục hải quan Hải Phòng công tác, đứa nào cũng giàu. Hóa ra thi đậu đại học lại thành cái tội cái nợ, gánh theo cục nghèo đến cuối đời. Đời chả biết đâu mà lần.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện đại học: Thi dưới tầm bom Mỹ