Thú thực, chứng kiến cảnh các thầy cô ở khu tập thể, nhiều lúc rùng mình, nghĩ mai sau mình ra trường, “tung cánh chim bay vào cuộc sống”, mình cũng chẳng khác gì, biết đâu còn tệ hơn.

Chuyện chung cư (kỳ 2): Cuộc sống của những vị giáo sư khả kính

06/06/2018, 06:11

Thú thực, chứng kiến cảnh các thầy cô ở khu tập thể, nhiều lúc rùng mình, nghĩ mai sau mình ra trường, “tung cánh chim bay vào cuộc sống”, mình cũng chẳng khác gì, biết đâu còn tệ hơn.

Một khu chung cư cũ ở Hà Nội - Ảnh: Internet

Ngày xưa (tức là những năm thập niên 70 - 90 thế kỷ trước), đối tượng ở chung cư, khu tập thể mặc định phải là người nhà nước, tức cán bộ, công nhân viên và đám sinh viên (sem sém người nhà nước). Nông dân ở quê nông thôn đương nhiên chẳng bao giờ biết đến chung cư, ai xây cho mà ở, còn dân tự do buôn thúng bán bưng, con phe con phẩy nơi thành thị thì chẳng có suất, đơn giản bởi chung cư chỉ dành cho những người trong biên chế.

Tôi lần đầu biết tới nhà tập thể - chung cư khi từ nơi sơ tán ven sông Cầu trở về Hà Nội tháng 3.1973. Đầu năm 1972, trường tôi sơ tán lên Hà Bắc. Sau 12 ngày đêm khói lửa mịt mù cuối tháng 12, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ chấm dứt. Không gì vui bằng được sống ngày đã im tiếng bom tiếng súng. Ăn tết Quý Sửu 1973 xong, thầy trò lại lục tục hành quân lội bộ trực chỉ thủ đô. Đi qua những vùng Từ Sơn, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm gần như còn nguyên cảnh đổ nát hoang tàn, có chỗ tưởng như mới chỉ xảy ra hôm qua hoặc đêm qua. Khu ký túc xá Mễ Trì trúng bom do máy bay Mỹ đánh cột phát sóng đài Tiếng nói Việt Nam thả lạc qua, do dọn dẹp khắc phục hậu quả chưa xong, nên thầy trò chúng tôi tập kết cả ở khu nhà D1, D2 Trường đại học Ngoại ngữ, gần ga tàu điện Thanh Xuân. Ở đó được hơn 3 tháng, lại dọn tiếp về nơi chính chủ, cách chỗ đang ở vài trăm mét.

Khu Mễ Trì do Trung Quốc giúp xây dựng từ dạo giữa thập niên 60, là một khu phức hợp của cơ sở giáo dục, có hội trường lớn, nhà ăn, các lớp học và ký túc xá cho giáo viên lẫn sinh viên, cùng các công trình vệ sinh tách biệt. Thật kỳ lạ, trúng 2 quả bom hạng nặng nhưng chỉ có một nửa nhà ăn bị sập hoàn toàn, thành hai bố bom sâu hoắm to rộng như 2 cái ao, nửa còn lại vẫn y nguyên chẳng khác gì bị con dao sắc chém ngọt sớt, tiếp tục là nhà ăn dành cho sinh viên. Bên khu trường Ngoại ngữ cũng có khối nhà D7 bị y như vậy. Hội trường còn nguyên, cả hai cánh gà rộng rãi dùng làm phòng học đang được sơn lại màu hồng. Ba khối nhà cao 4 tầng, ký hiệu C1, C2, C3 vẫn sừng sững, tầng cao trên cùng làm phòng học, các tầng dưới là thư viện, trạm y tế, nhà ở của thầy cô. Sinh viên nội trú được dồn hết vào nhà C2, bọn con trai khỏe chân phải lên 2 tầng trên, đám con gái chiếm 2 tầng dưới. Khối nhà nào cũng vậy, ngăn làm đôi, khoa Văn một nửa, khoa Sử một nửa. Cuộc sống theo kiểu trại lính bắt đầu như vậy. Chỉ có điều, với đám sinh viên, ở dạng này được gọi là ký túc xá, còn với thầy cô giáo, kể cả những vị giáo sư đáng kính lẫn mấy thầy cô trẻ mới được giữ lại trường, thì đó là nhà tập thể, là chung cư.

Các thầy cô từng giảng dạy thâm niên hầu hết ở khối nhà C1. Tôi còn nhớ bên đó có gia đình các thầy Nguyễn Văn Tu (giáo sư, Phó chủ nhiệm khoa, sau gia đình thầy được phân nhà ở nội thành), Đỗ Hồng Chung, Bùi Ngọc Trác, Bùi Duy Tân, Lê Chí Quế, Nguyễn Văn Khỏa, Lê Chí Dũng, Tào Văn Hón, Trần Vĩnh, Bùi Thanh Quất…, còn những thầy cô trẻ như Đinh Xuân Dũng, Ngô Anh Thơ, Đinh Lê Thư… đều phải trú tạm xóm nhà lá sát lề đường. Gọi là căn hộ tập thể cho oai chứ rộng có hơn chục mét vuông, nhà bao nhiêu người cũng chỉ chừng ấy, nhét sao vừa thì nhét. Gia đình thầy Đỗ Hồng Chung 4 người, gồm hai vợ chồng, hai đứa con, tính ra mỗi đầu người chưa đầy 3 thước vuông. Sách giáo trình, tài liệu nghiên cứu khoa học chất hết dưới gầm giường, khi nào cần tra cứu lại làm cuộc tảo thanh, lục tung lên, bụi bay mù mịt.

Không hiểu kỹ sư ta hay Tàu thiết kế nhưng mỗi phòng chung cư chỉ để làm việc, nghỉ ngơi và ngủ, tuyệt nhiên không có nhà bếp, nhà tắm. Muốn nấu ăn phải lôi bếp dầu ra hành lang, giặt giũ tắm rửa thì xuống bể nước dưới đất, còn đi vệ sinh (toilet, tiêu tiểu) phải xuống đất lội ra khu nhà xí cách đó gần 2 trăm mét. Bọn sinh viên trẻ tuổi nhâng nháo coi trời bằng vung thì chẳng kể làm gì, chúng đi đâu chả được, chứ tội nhất là các thầy cô. Có những đứa trò nghịch hỗn, tếu táo quá đà, gặp thầy cô trên đường ra khu toilet, đáng nhẽ cần kín đáo tránh đi, hoặc giả tảng ngắm mây trời cây cối gì đó, thì chúng lại bô bô lên cung kính “em chào thầy ạ”, “em chào cô ạ” khiến thầy cô dở khóc dở cười.

Còn chuyện tắm rửa, giặt giũ, do nhà C2 chúng tôi trông ngay xuống bể nước công cộng, nước thì rất hiếm, thường cạn sát đáy bể, vòi nước chảy rỉ rả như đếm từng giọt, nên tôi để ý thấy thầy Chung, thầy Tân cứ qua nửa đêm mới lò dò xuống. Có đứa bảo giờ tý giờ sửu là giờ dành riêng cho các thầy. Hình như các thầy chẳng muốn tranh giành với bọn học trò không biết điều kia làm gì, hay là "các cụ" e ngại chúng thực mục cảnh mình sống đời trần tục. Trong ánh sáng chập chờn đỏ quạch từ mấy bóng đèn điện bảo vệ, dưới bóng cây xà cừ rậm rạp, thấp thoáng các vị giáo sư gầy gò, kín đáo e thẹn làm cuộc tổng vệ sinh thân thể, hì hục vò vò xả xả đám quần áo rếch của cả nhà. Tắm rửa giặt giũ xong, mỗi thầy lại hai tay hai xô nước đầy xách lên lầu cao chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày mai. Suốt 4 năm trời, chứng kiến cảnh ấy, lòng thầm thương thầy cô vô cùng. Sau này trải đời, rất nhiều đứa đám chúng tôi hối hận mình đã vô tình làm điều gì đó khiến thầy cô, vốn đã quá khổ rồi, lại chịu thêm những gian nan vất vả. Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, có lần bảo, mày ạ, cứ nhắc đến cuộc sống cực khổ của thầy Đỗ Hồng Chung là tao lại ứa nước mắt. Thương không thể tả.

Thú thực, chứng kiến cảnh các thầy cô ở khu tập thể, nhiều lúc rùng mình, nghĩ mai sau mình ra trường, “tung cánh chim bay vào cuộc sống”, mình cũng chẳng khác gì, biết đâu còn tệ hơn. Cụ Nguyễn Du từng bảo “thấy người nằm đó, biết sau thế nào”, các thầy, những vị giáo sư khả kính, lừng lẫy trong nghề mà còn sống mòn với hoàn cảnh thế, đám chúng ta rồi sẽ ra sao. Giờ mấy chục năm đã trôi qua, điểm nhớ lại, thấy các thầy cô Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khi xưa, trừ những thầy khá giả (khá khi ấy thôi, chứ bây giờ chả là gì) như thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Nguyễn Liên, thầy Nguyễn Tài Cẩn, thầy Đinh Gia Khánh, cô Đặng Thị Hạnh, cô Lê Hồng Sâm…, có thể do làm lãnh đạo, do gia thế từ trước, do đi Tây về, còn phần lớn thầy cô, nhất là những thầy cô ở chung cư, thật nghèo, nghèo không thể tả. Nhưng ai cũng tuyệt vời, cực tốt, tấm lòng bao dung, nhân cách trong sáng, và đặc biệt kiến văn sâu rộng, giúp đám sinh viên cả kho của cải vô cùng quý giá để chúng bước vào đời một cách thật tự tin, vững chắc.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chung cư (kỳ 2): Cuộc sống của những vị giáo sư khả kính