Với mong muốn đem lại một cái Tết vui tươi, ấm cúng cho học viên cai nghiện, nhiều cán bộ ở các cơ sở cai nghiện ma túy đã chấp nhận xa gia đình vào ngày Tết dù lòng ai cũng rưng rưng, hướng về nhà.

Chuyện chuẩn bị Tết tại trường cai nghiện

1 | 11/02/2018, 16:41

Với mong muốn đem lại một cái Tết vui tươi, ấm cúng cho học viên cai nghiện, nhiều cán bộ ở các cơ sở cai nghiện ma túy đã chấp nhận xa gia đình vào ngày Tết dù lòng ai cũng rưng rưng, hướng về nhà.

Tết là dịp sum họp gia đình nhưng vì công việc, cán bộ ở các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM phải ở lại ăn Tết cùng các học viên cai nghiện ma túy. Cứ mỗi mùa tết nhiều cán bộ, nhân viên tại đây chỉ ăn tết hoài niệm cùng gia đình.

Nhiều năm ăn tết "chia sẻ"

Một người trong số đó, chị Đặng Thị Thương (quê Nghệ An), cán bộ tổ quản lý học viên nữ thuộc đội Tự nguyện, Cơ sở xã hội Nhị Xuân (Hóc Môn) kể đây là cái Tết thứ tư chị cùng học viên cai nghiện ăn Tết ở đơn vị. Chị Thương bùi ngùi nhớ lại năm đầu tiên ăn Tết tại đơn vị, năm 2014: "Mẹ ở quê thì cứ đinh ninh là tôi về nên đã chuẩn bị nào là bánh chưng, bánh tét… Nhưng đến gần Tết tôi báo với mẹ là không về được. Qua điện thoại biết mẹ có chút giận, có chút buồn, còn tôi thì nước mắt rưng rưng…Sau đó, tôi cũng đã tâm sự cùng mẹ là ở đây học viên rất cần những người như con, ở đơn vị cũng vui nên mẹ cũng thông cảm". Chị Thương nói bản thân đã xác định làm công việc quản lý các học viên cai nghiện là làm hết mình vì công việc, vì học viên nên có xa gia đình, người thân vào giờ phút thiêng liêng nhất của đêm giao thừa cũng vui.

Cũng không sum họp với gia đình vào dịp Tết đến, anh Phạm Anh Nghĩa (quê Lâm Đồng), Đội trưởng Đội quản lý giáo dục học viên số 1, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 (Lâm Đồng) kể đã có 13 năm ăn Tết cùng học viên. Do là người phụ trách tổ chức các phong trào vui chơi (bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ…) cho học viên trong dịp Tết nên anh đành gác lại chuyện về quê ăn Tết cùng gia đình. "Dù nhà cách đơn vị khoảng 75 km nhưng không có năm nào đón giao thừa ở nhà. Vợ và các con về nhà ngoại đón giao thừa, còn nhà thì giao chìa khóa cho hàng xóm nhờ họ khi đến giao thừa sang thắp nhang dùm" - anh Nghĩa tâm sự.

"Nếu con không về, ba mẹ cũng không ăn Tết"

Từ năm 2003 đến năm 2018, chỉ duy nhất có một lần về quê ăn Tết đó là trường hợp của anh Trịnh Phú Thái (quê Quảng Ngãi), Đội trưởng Đội Quản lý giáo dục học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (Đắk Nông). Anh Thái cho biết nhà chỉ có 2 anh em, anh là con trưởng. Năm nào ba mẹ anh cũng muốn con cái về quê ăn Tết, về ăn bữa cơm đầu năm sum họp, đoàn viên rồi đi chúc tết nội, ngoại, người thân và bạn bè. Vào năm 2009, năm anh được về quê ăn Tết. Trước khi về anh có báo với gia đình nên vừa về đến cổng mọi người ùa ra đón. "Giây phút đó thật cảm động anh ạ. Không gì tả nổi" - anh Thái nhắc lại trong sự xúc động. Không chỉ vậy, khi biết con về, thay vì cúng tất niên sớm thì gia đình đợi đến ngày cuối năm, ngày anh về mới cúng…"Năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm ba mẹ đều gọi điện hỏi thăm có về quê ăn Tết không. Mỗi khi nhận được câu trả lời không về, ba mẹ cũng buồn, nói lẫy: "Nếu không về thì ba mẹ cũng không sắm sửa, chuẩn bị Tết gì cả".


Cán bộ và học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 gói bánh chưng chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất 2018

Cũng hoàn cảnh đó là anh Nguyễn Bá Mậu (Lâm Đồng), Đội trưởng đội quản lý giáo dục học viên số 4, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. Từ năm 2005 đến nay, anh cũng không có năm nào ăn Tết ở nhà, mặc dù đơn vị cách nhà chỉ khoảng 15 km. Anh Mậu cho biết do đặc thù của công tác nên mỗi khi Tết đến đều phải ở lại đơn vị để cùng ăn Tết với các học viên. "Cứ mỗi khi Tết đến, các con lại hỏi bao giờ bố về. Chỉ nhiêu đó thôi cảm thấy có lỗi với con cái, với gia đình nhưng do công việc nên phải gác lại chuyện gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ" - anh Thái ngậm ngùi nói.

Trường Hoàng - báo Người Lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chuẩn bị Tết tại trường cai nghiện