Bước sang năm mới, chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với hai thách thức: nhu cầu sụt giảm và tình hình hỗn loạn sau khi chính sách COVID-19 thay đổi đột ngột.

Chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc lao đao vì chính sách COVID-19 thay đổi

Cẩm Bình | 03/01/2023, 11:43

Bước sang năm mới, chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với hai thách thức: nhu cầu sụt giảm và tình hình hỗn loạn sau khi chính sách COVID-19 thay đổi đột ngột.

Lĩnh vực điện tử tiêu dùng ghi nhận dấu hiệu ảm đạm. Trang Nikkei Asian Review cho biết, hãng Apple lấy lý do nhu cầu suy yếu đề nghị một số đơn vị cung cấp giảm sản lượng linh kiện cho AirPods, Apple Watch, MacBook trong quý 1.2023.

Theo giám đốc của một đơn vị cung cấp: “Từ quý 4.2022 Apple đã thông báo cho chúng tôi việc giảm đơn đặt hàng với hầu hết sản phẩm, một phần do nhu cầu không mạnh. Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc vẫn đang cố gắng đối phó với hệ quả của thay đổi chính sách dịch bệnh – dẫn đến tình trạng thiếu lao động do số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh”.

Trung Quốc dỡ bỏ loạt hạn chế chống dịch nghiêm ngặt. Các đơn vị sản xuất mặt hàng công nghệ lúc đầu rất hoan nghênh, nhưng giờ đây họ phải vất vả đối phó với tình trạng số ca nhiễm tăng và biện pháp kiểm soát lỏng lẻo.

“Rất hỗn loạn! Làn sóng COVID-19 mới lây lan cực nhanh, hầu hết công ty nhận ra cách ly nhân viên là vô nghĩa”, Giám đốc điều hành một đơn vị sản xuất linh kiện điện tử cho Samsung, Apple cùng vài hãng điện thoại Trung Quốc chia sẻ.

Một nhân viên hãng điện thoại Honor tiết lộ, đa số lao động trong công ty đều đã nhiễm bệnh.

“Hiện tại câu chào hỏi điển hình là “Bạn đã dương tính chưa?”. Giờ đây nhiễm COVID-19 trở thành chuyện tự nhiên. Nếu không thể tránh khỏi, chúng tôi thà nhiễm sớm còn hơn là nhiễm trễ. Không thì công việc năm 2023 sẽ bị gián đoạn”, theo nhân viên của Honor.

Một quan chức tỉnh Giang Tô cho biết, chính quyền địa phương không còn can thiệp công tác kiểm soát dịch bệnh của các nhà máy nữa. Hầu hết nhà máy đều để lao động triệu chứng nhẹ làm việc bình thường.

Giới chuyên gia lo ngại việc đột ngột dỡ bỏ loạt hạn chế chống dịch nghiêm ngặt đem lại tác động sâu rộng đến kinh tế Trung Quốc. Theo nhà kinh tế Ting Lu (công ty tài chính Nomura): “Số ca nhiễm COVID-19 ở đô thị lớn có thể chỉ là khởi đầu của một làn sóng lây nhiễm lớn. Chúng tôi dự báo loạt chỉ số sản xuất chính vẫn yếu, thậm chí giảm hơn nữa trong tháng 12”.

Nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero (ngân hàng đầu tư Natixis) dự báo: “Mở cửa trở lại sẽ tác động đáng kể đến ngành sản xuất. Tuy nhiên, tác động có thể không kéo dài quá lâu nếu dịch bệnh ở các đô thị lớn đạt đỉnh vào cuối Tết nguyên đán. Tôi tin rằng, nhu cầu bên ngoài yếu là nhân tố quan trọng đối ngành sản xuất Trung Quốc trong năm 2023”.

chnp_file_60548-scaled.jpeg
Chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc cần vượt qua khó khăn đầu năm 2023 - Ảnh: CNN

Nhưng nhân viên Honor có cái nhìn lạc quan hơn, "trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ trong lúc nhu cầu còn yếu là chuyện tốt".

Giám đốc một đơn vị cung cấp bảng mạch ở Giang Tô chia sẻ: “Hơn một nửa đội ngũ của tôi dương tính, tất nhiên, hoạt động công ty chúng tôi bị gián đoạn. Nhưng nhu cầu hiện tại khá thấp nên chúng tôi có thể cho nhân viên nghỉ phép”.

Chủ công ty Vật liệu hợp kim chính xác Hoa Sinh (Vô Tích) Đinh Nghĩa cho biết, hoạt động sản xuất của đơn vị ông bị gián đoạn vào giữa tháng 12 khi hầu hết lao động nhiễm COVID-19, tuy nhiên, đến cuối tháng dần khôi phục.

“Nhìn chung không có tác động lớn đến việc thực hiện đơn hàng vì gần cuối năm đơn hàng giảm. Tình trạng này xảy ra liên tục nên tôi không lo lắng”, ông chủ Đinh cho biết.

Hiện tại, các đơn vị sản xuất hàng công nghệ chưa muốn cắt giảm nhân sự bất chấp nhu cầu ảm đạm, vì họ sợ cảnh thiếu hụt lao động tái diễn.

Nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu từng bị thiếu hụt lao động sau đợt bùng phát COVID-19 vào tháng 10. Giờ đây, đơn vị này phải đưa ra tiền thưởng đến 14.000 Nhân dân tệ (khoảng 2.013 USD) để giữ chân công nhân và nhờ công nhân giới thiệu người vào làm.

Vài đơn vị khác như Jabil ở Thành Đô, Pagatron ở Thượng Hải, LY iTech ở Thẩm Quyến cũng tăng lương thưởng cho lao động sau khi một lượng lớn lao động nghỉ việc giữa lúc dịch bùng phát, hoặc về quê đón Tết Nguyên đán sớm.

Theo Giám đốc hãng sản xuất chip SMIC, “hầu hết chúng tôi hy vọng làn sóng COVID-19 mới nhất đạt đỉnh vào khoảng tháng 2 rồi dần trở lại bình thường từ tháng 3. Đầu tháng 12.2022 chúng tôi trải qua khoảng thời gian đen tối khi gần một nửa đội ngũ lẫn đơn vị cung cấp đều nhiễm COVID-19, chỉ còn chưa tới 50% lao động đến nhà máy làm việc. Giờ đây mọi người đều quen với chuyện mắc bệnh, tình hình dần được cải thiện”.

Chuyên gia Jonah Cheng (Công ty đầu tư J&J) cũng nhận định: “Chuỗi cung ứng điện tử vẫn đang ở giai đoạn giải phóng hàng tồn kho, thay vì bắt đầu sản xuất linh kiện quy mô lớn. Hy vọng suy thoái chạm đáy vào quý 1.2023. Chắc chắn có gián đoạn trong thời gian ngắn, nhưng trong vài quý tới việc mở cửa trở lại sẽ kích thích nền kinh tế, mở đường cho phục hồi”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc lao đao vì chính sách COVID-19 thay đổi