Những sự kiện quan trọng của cuộc đời tôi đều được ghi trong quyển sổ nhật ký. Sau này nếu con trai tôi có cơ hội, nó sẽ mang về trao lại cho gia đình ở phía bên kia", ông No nói.

'Chúng ta là một dân tộc' và những câu chuyện hòa giải hòa hợp bên xứ người

10/01/2019, 17:01

Những sự kiện quan trọng của cuộc đời tôi đều được ghi trong quyển sổ nhật ký. Sau này nếu con trai tôi có cơ hội, nó sẽ mang về trao lại cho gia đình ở phía bên kia", ông No nói.

Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều tháng 9.2018 - Ảnh: Internet

Tin tức trên các báo trong nước và quốc tế mấy bữa nay đang đồn đoán rằng các nhà ngoại giao Mỹ và Triều Tiên xách cặp sang Việt Nam trong thời gian gần nhau liệu có phải là sự tình cờ? Có đồn đoán rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ là địa điểm để hai nước tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 kể từ sau cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore. Việt Nam, một đất nước vốn bị chia cắt bởi chiến tranh suốt 21 năm (1954-1975), tất muốn sẻ chia cùng họ nếu có cơ hội làm việc này.

Cái bắt tay thiện chí thực lòng sau 73 năm hai miền Triều Tiên bị chia cắt về địa lý (từ 1945) rồi sau đó là về ý thức hệ và 67 năm tạm đình chiến (từ 1953). Nay thì đã diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9.2018 với tinh thần khác trước - điều mà các bậc tiền nhiệm của họ, tuy có từng gặp, từng khao khát thống nhất nhưng không tiến triển nổi .

Việc hai nhà lãnh đạo hai miền vừa rồi gặp nhau quả đã khiến cho trái đất của chúng ta ấm lên thực sự, dù phía trước sẽ còn rất nhiều vấn đề phức tạp phải bàn thảo giữa hai quốc gia đó và giữa mấy quốc gia phía sau họ. Tất cả đều đang nín thở dõi theo và hy vọng.

Vấn đề chấm dứt chiến tranh lạnh trên bán đảo TriềuTiên và tiến tới hòa giải dân tộc bằng hòa bình, bằng sự xóa bỏ hận thù đã và đang được họ khẩn trương xem xét.

Tôi nghĩ, một khi họ đã thực tâm thống nhất rằng "CHÚNG TA LÀ MỘT DÂN TỘC!" thì sẽ không có gì là không thể! Thực tế đã cho thấy thời kỳ chiến tranh lạnh giữa CHLB Đức và CHDC Đức từ sau 1945, mà thực chất là giữa 2 phe XHCN và TBCN, rồi cũng đã kết thúc vào năm 1990 của thế kỷ trước. Đây phải chăng cũng chính là từ tư tưởng nêu trên: "Chúng ta là một dân tộc!".

Có một điều cũng phải nói là cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc nói trên của người Đức đã diễn ra thật êm ả sau khi họ xô đổ bức tường Berlin ngăn cách 2 nhà nước, 2 chế độ xã hội đối lập để trở thành một ngôi nhà chung - Nhà nước CHLB Đức.

Và chắc cũng ít ai ngờ, chỉ sau 15 năm nước Đức thống nhất, dù vị thế của phía CHDC Đức (cũ) ngày đó có chút lép vế kinh tế, thế nhưng chính ở vùng đất phía đông ấy lại xuất hiện một người phụ nữ, đó là bà Angela Merkel, bà đã thay mặt cho đảng của mình ứng cử và đã thắng cử, ngồi vào vị trí thủ tướng. Bà tuyệt nhiên không hề bị người Đức bên phía tây kia đố kỵ chút nào. Thậm chí, bà còn tại vị nhiều nhiệm kỳ thì quả thật rất đáng nể. Lạ quá, dân chủ quá đi chứ!

Chuyện về 2 miền Triều Tiên kể cũng lạ. Mới ngày nào cả thế giới từng phải nín thở chực chờ một thảm họa hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi cái đầu của hai nhà lãnh đạo nước Mỹ và Triều Tiên cứ như hai cái đầu đạn hạt nhân, lại không chịu nhường nhau. Thế rồi họ bắt tay nhau trong nét mặt tươi tỉnh. Thế giới thở phào nhẹ nhõm. Vậy là đã hiện ra trước mắt một chân trời hòa bình mới. Tiếp đó là cái ôm nồng hậu, ấm áp tình dân tộc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Có biết bao câu chuyện kể về sự ly tán gia đình rất cảm động của mảnh đất bị chia cắt này đã được báo chí tường thuật lại. Suốt hàng chục năm sau ngày bom ngừng rơi, đạn ngừng nổ, ông No, một người đàn ông ở Hàn Quốc luôn canh cánh một suy nghĩ liệu hai anh em, thuộc quân đội hai miền đối địch, có giáp mặt chĩa súng vào nhau trên chiến trường hay chưa? "Mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi ngủ, tôi cố gắng hình dung lại khuôn mặt cha mẹ, anh trai và em gái. Tôi già rồi, trí nhớ chẳng còn được tốt nữa. Hình ảnh họ cứ ngày một nhạt nhòa đi mà tôi không cách nào cưỡng lại", ông No chia sẻ.

Nay đã 87 tuổi, sức khỏe ông No đang xấu đi nhanh chóng. Ông sợ rằng mình không còn nhiều thời gian, và có lẽ sẽ không có cơ hội gặp lại gia đình bên kia giới tuyến. Trọng trách đoàn tụ nay được ông No giao lại cho người con trai.

"Những sự kiện quan trọng của cuộc đời tôi đều được ghi trong quyển sổ nhật ký. Sau này nếu con trai tôi có cơ hội, nó sẽ mang về trao lại cho gia đình ở phía bên kia", ông No nói.

Câu chuyện của những ông No, bà Lee có thể được tìm thấy gần như ở mọi nơi trên bán đảo Triều Tiên. Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, ít nhất 131.000 công dân nước này thuộc diện gia đình ly tán. Hiện nay, khoảng 71.000 người vẫn trong danh sách chờ đợi được đoàn tụ thân nhân.

Tại Hàn Quốc, những người tham gia chương trình đoàn tụ được chọn theo hình thức quay xổ số. Có khoảng hơn 100 người may mắn mỗi lần chương trình đoàn tụ được tổ chức. Con số đó chỉ như giọt nước, so với hàng chục nghìn người mong ngóng từng ngày được gặp mặt người thân.

Muốn đi tới xóa bỏ lệnh đình chiến thực sự, không thể có chuyện cứ bên nhu bên cương mà thành công được. Song, sẽ không có chuyện cả hai bên cùng cương hoặc cứ một bên cương mãi mà thành công được. Hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 Mỹ - Triều Tiên sẽ được tổ chức sớm và cũng hy vọng Việt Nam sẽ được vinh hạnh làm chiếc cầu nối cho cuộc gặp thượng đỉnh này. Tức là chúng ta mong những đồn đoán mấy nay sẽ là sự thật.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chúng ta là một dân tộc' và những câu chuyện hòa giải hòa hợp bên xứ người