Trước tình hình dịch coronavirus diễn biến phức tạp, chiều 31.1, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo.

Chưa có lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng nên học sinh chưa cần nghỉ học

31/01/2020, 17:45

Trước tình hình dịch coronavirus diễn biến phức tạp, chiều 31.1, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo.

Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do coronavirus

Việt Nam chưa có ca bệnh nào lây lan từ cộng đồng

Chiều 31.1, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi cấp do coronavirus mới gây ra.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra phức tạp, quá nhanh, các hiểu biết về nguyên nhân, nguồn bệnh chưa rõ ràng vì vậy người dân còn lo lắng, hoang mang. Tại Việt Nam, xác định 5 trường hợp, đều là ca xâm nhập, trong đó mới đây nhất là ba trường hợp từ Vũ Hán về, một người ở Thanh Hóa, hai ở Vĩnh Phúc.

Ông Phu cho hay Bộ Y tế, Chính phủ đang thực hiện các công tác phòng chống dịch rất quyết liệt. Cơ quan này cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin đến báo chí để truyền thông đến người dân không hoang mang.

Bộ sẽ tham mưu cho chính phủ trên tinh thần minh bạch, không giấu dịch, hiện nay Việt Nam vẫn chưa thấy có ca bệnh nào lây lan từ cộng đồng nghĩa là chưa có bệnh nhân nào lây bệnh coronavirus từ người sang người.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết người dân không nên quá hoang mang khi liên tiếp săn lùng dùng khẩu trang y tế N95 khiến mặt hàng này cháy hàng. Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, những người đi vào vùng dịch, những người đang nghi ngờ mắc bệnh... thì nên đeo khẩu trang N95 để đề phòng, còn bình thường hoàn toàn có thể dùng các khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang vải.

Về thông tin cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch bệnh coronavirus, ông Phu khẳng định hiện nay các ca dương tính với coronavirus ở Việt Nam đều là xâm nhập, chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Chính vì thế việc tham mưu cho Bộ GD-ĐT cho học sinh nghỉ học hiện nay là chưa cần thiết. Các em học sinh, giáo viên hoàn toàn có thể phòng chống dịch bằng nhiều cách khác nhau như đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người, sát khuẩn, khử trùng nếu đi ra ngoài về...

Đại diện Bộ Y tế báo cáo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết tính đến 15 giờ 20 hôm nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định 3 trường hợp là công dân Việt Nam dương tính với virus corona. “Một người Thanh Hóa đang điều trị cách ly ở bệnh viện địa phương, 2 người ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) đang điều trị cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ba người này đã dùng qua các phương pháp xét nghiệm khác nhau vẫn cho ra kết quả dương tính với coronavirus”, Thứ trưởng Tuyên cho hay.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định thuốc tamiflu không nằm trong hướng dẫn điều trị bệnh coronavirus

Miễn phí cước gọi đường dây nóng của Bộ Y tế

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề người dân nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh viêm phổi cấp coronavirus thì nên hành xử ra sao, đại diện Bộ Y tế khẳng định: "Khi nghi ngờ mình mắc bệnh coronavirrus thì bản thân phải xác định mình có đi từ vùng dịch hay có tiếp xúc với người bệnh hay không, hoặc có những biểu hiện gần giống nhất đối với các chuẩn đoán bệnh mà Bộ Y tế thông tin trước đó thì mới đi xét nghiệm, tránh lãng phí tiền bạc và nguồn lực của ngành y tế."

Khi người dân có tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc có đi đến vùng dịch tễ tại Trung Quốc kèm theo xuất hiện các triệu chứng bệnh lý hô hấp như ho, hắt ho, khó thở, sốt cao… cần chủ động tự cách ly và đến ngay cơ sở y tế, tốt nhất là các bệnh viện tỉnh/ thành phố để được khám và xét nghiệm bệnh. Mẫu xét nghiệm sẽ được gửi về viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ví dụ một số bệnh viện lớn ở miền Bắc có thể điều trị cũng như nghi ngờ mắc nhiễm bệnh coronavirus như: Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện vệ sinh dịch tễ…

Trả lời câu hỏi về số điện thoại đường dây nóng liên tục bận cũng như có giá khá cao tới 5.000 đồng/phút khi người dân gọi điện lên báo cáo dịch, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đã đề xuất với nhà cung cấp dịch vụ miễn phí cước gọi của người dân khi gọi điện vào số đường dây nóng này. Số điện thoại đường dây nóng 19003228 phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus (nCoV) đã được công bố và sẽ miễn phí cước gọi từ 0 giờ ngày 1.2.2020 và miễn phí trong vòng 3 tháng.

Về câu hỏi có thể dùng thuốc tamiflu để điều trị bệnh coronavirus hay không, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện nay người dân đang đổ xô đi tìm mua tamiflu để trị cúm dù loại thuốc này chỉ được dùng trong một số ít trường hợp. Dùng sai, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Với bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV mới, thuốc tamiflu không có tác dụng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân không nên đi mua thuốc, tự ý trị bệnh mà cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị coronavirus của Bộ Y tế, các trường hợp nghi ngờ nhiễm coronavirus mới bao gồm:

Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.

Người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do coronavirus mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do coronavirus mới.

Bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.

Một số trường hợp khác có thể mắc bệnh thông qua bằng chứng dịch tễ và lâm sàng, bao gồm người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh).

Bài và ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa có lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng nên học sinh chưa cần nghỉ học