Hiện diện ở Hội An hơn 400 năm nay, Chùa Cầu không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật mà còn là một hình ảnh quen thuộc ăn sâu vào tâm hồn của người dân xứ Quảng từ xưa đến nay.
Không nguy nga tráng lệ như những công trình kiến trúc khác, Chùa Cầu chỉ là chiếc cầu nhỏ bằng gỗ, bên trên có mái che lợp bằng ngói âm dương, trầm mặc vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Bốn thế kỷ trôi qua, Chùa Cầu vẫn còn đó trước bao nhiêu thịnh suy của thời cuộc. Bốn thế kỷ tồn tại, Chùa Cầu đã gợi cho người dân xứ Quảng biết bao nguồn thơ.
Chùa Cầu còn là chiếc cầu cổ duy nhất sót lại giữa đô thị cổ Hội An. Nơi đây đã từng là một thương cảng lớn nhất của xứ Đàng Trong trong thế kỷ 16, 17, 18. Có lẽ những tấm ván trên Chùa Cầu đã từng in dấu bước chân của các thương nhân đến từ Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...
Nói đến Chùa Cầu, có lẽ bất cứ người dân xứ Quảng nào cũng thuộc vài câu ca dao, vài câu thơ nhắc đến Chùa Cầu. Bình dị và lặng lẽ, Chùa Cầu đã đi vào tâm hồn mỗi người dân xứ Quảng bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc nhưng chân tình ấy.
Chỉ bằng bốn câu lục bát, với thổ ngữ và giọng điệu Quảng, hình ảnh của Hội An được người nghệ sĩ dân gian ngày xưa khắc họa rõ nét về con người, sông nước, hoa trái. Trong đó Chùa Cầu được nhắc đến như một biểu tượng tiêu biểu nhất:
“Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước, xóm sau
Dưới thì Âm Bổn, Chùa Cầu ở trên
(Ca dao)
Mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạnglà điều thường thấy ở ca dao dân ca. Người nghệ sĩ dân gian ngày xưa ấy đã nhắc đến Chùa Cầu như một nỗi niềm nhung nhớ. Chùa Cầu nơi chứng kiến biết bao nhiêu cuộc hò hẹn của lứa đôi xứ Quảng. Có những hò hẹn trở thành trăm năm nhưng cũng có những hò hẹn lỡ làng, để rồi cứ mỗi lần bước qua, mỗi lần nhìn thấy là gợi nhớ đến một hình bóng vàkỷ niệm đã qua:
Ai đi phố Hội, Chùa Cầu,
Ðể thương, để nhớ, để sầu cho ai,
Ðể sầu cho khách vãng lai,
Ðể thương, để nhớ cho ai chịu sầu
(Ca dao)
Chùa Cầu là biểu tượng của văn hóa lịch sử, nằm trên một vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi vậy con người sinh ra nơi cũng được thừa hưởng nhưng tinh hoa ấy. Nhà em ở gần Chùa Cầu nên cái gì cũng khéo, cái gì cùng giỏi khiến cho lòng anh say đắm:
Lòng thương con gái Chợ Chùa (*)
Khéo thêu áo gấm khéo bông dâu
Ước gì tình trước nợ sau
Mấy lời em nói bạc đầu chưa quên
(Ca dao)
Từ người nghệ sĩ dân gian, cho đến các nhà thơ xứ Quảng, ít nhất cái tên Chùa Cầu cũng được một lần đi vào những bài thơ của họ .Chùa Cầu in vết tích thời gian, mái ngói âm dương rêu phong ngàn năm soi mình bên dòng nước. Gã trai thất tình lê bước trên phố cổ rồi đứng lại chân cầu với mối tình si hóa thành khỉ đá:
Gởi hồn rong theo bóng người cổ độ
Buồn rao khản lòng, em tận đâu đâu
Mặc sức tình anh hóa thành khỉ đá
Lê gót hoàng hôn mòn ván Chùa Cầu
(Đỗ Thượng Thế)
Người thi sĩ xứ Quảng nhắn nhủ với khách phương xa nếu đến Quảng Nam, đến Hội An thì đừng quên ghé thăm Chùa Cầu:
Ai về xứ Quảng nhớ gì
Nhớ thăm Hội Quán, nhớ đi Chùa Cầu.
(Phạm Đình Nhân)
Chùa Cầu, thiêng liêng nhưng cũng không kém phần lãng mạn và gần gủi bình dị yêu thương đến lạ lùng:
Anh bên em trên đường trăng Hội An
Em chải tóc gió nồm xanh Cửa Đại
Tháng năm phủ lên mái ngói Chùa Cầu ở lại
Mái đình cong con sóng biển xa khơi…
(Trần Trúc Tâm)
Với những người Quảng xa quê, mỗi lần được trở lại quê hương, được bước qua những tấm ván bên Chùa Cầu đó là cảm giác khó có thể tả, nơi đó bao nhiêu kỷ niệm của tuổi thơ lại ùa về.
Về Hội An
trầm trồ những ngôi nhà cổ
Chùa Cầu, tò he, dép chiếu, vòng mây…
Chợt thấy thèm quê đến lạ
đâu phải Hội An không lớn dậy
Chỉ là giữ chút quê mùa cho ấm lòng
những kẻ
thèm quê
(Ngô Thị Thanh Vân)
Hội An là những đêm rằm trăng lung linh huyền ảo trên bên sông Hoài, là những bức tường ngàn năm cổ kính, là những con đường hiền hòa, những con người chân tình mộc mạc gần gũi mến khách.
Ôi thèm quá màu ngói buồn Khổng miếu
màu tường rêu chùa Phước Kiến vào chiều
lại đây nhé, từ chùa Cầu nám bụi
lại đây nghe, từ Cửa Ðại cát thơm
ta quì gối dâng thơ làm lễ vật
nguyện yêu thương với tất cả tâm hồn
(Luân Hoán)
Dòng thơ ca viết về Chùa Cầu Hội An đã và đang cuộn chảy qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi câu thơ như một giọt nước nhỏ hòa vào dòng suối trữ tình trong lành ngọt mát để ghi lại những dấu ấn khó phai trong tâm thức người Quảng về hình ảnh Chùa Cầu Hội An.
(*) Chợ Chùa ở ngay gần Chùa Cầu, Hội An.
Tiểu Vũ