Trong mắt nhiều người, Sài Gòn đẹp bởi cái tình, cái nghĩa, để một khi đã sống tại đây rồi lại lưu luyến chẳng muốn rời đi. Thùng trà đá, tủ thuốc, dịch vụ mai táng, xe ôm miễn phí cho người già và người khuyết tật… được người Sài Gòn chia sẻ tự nguyện với nhau trong cuộc sống thường nhật. Ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng có tấm lòng vàng đáng ngưỡng mộ.

Chữa bệnh, nước suối, xe ôm, mai táng miễn phí và những tấm lòng vàng ở VN

Hồng Quân | 19/07/2016, 07:31

Trong mắt nhiều người, Sài Gòn đẹp bởi cái tình, cái nghĩa, để một khi đã sống tại đây rồi lại lưu luyến chẳng muốn rời đi. Thùng trà đá, tủ thuốc, dịch vụ mai táng, xe ôm miễn phí cho người già và người khuyết tật… được người Sài Gòn chia sẻ tự nguyện với nhau trong cuộc sống thường nhật. Ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng có tấm lòng vàng đáng ngưỡng mộ.

Cụ bà giàu tấm lòng nhân ái trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội tặng nước suối miễn phí cho mọi người nhưng ghi sai chính tả trên tấm biển. Ngồi rửa rau, cụ bà tâm sự: "Mình ngày trước khổ rồi, bây giờ mình có thì làm từ thiện cho người ta, chai nước đáng là bao" rồi cười. Tại đó còn có một nam thanh niên đứng phát nước cho mọi người.
Nhãn hiệu thời trang ở Hà Nội vừa biếu bánh mỳ vừa cho mọi người uống trà đá miễn phí, đồng thời tranh thủ quảng bá thương hiệu. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dịch vụ miễn phí này.
Con hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM có nhiều dịch vụ miễn phí. Những người lao động bình dân nơi đây sẵn sàng chia sẻ cùng người có hoàn cảnh khó khăn khi đặt thùng nước miễn phí 24/24 giờ, tổ chức bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật…
Dịch vụ mai táng miễn phí cũng do người dân hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận khởi xướng. Ông Đỗ Văn Út từng chứng kiến người dân nghèo vô gia cư sống ngoài đường chẳng may nửa đêm đột tử mà không có họ hàng thân thích đứng ra lo ma chay. Ông vận động mạnh thường quân đóng góp và không ngại vất vả đi liên hệ từng cơ sở trại hòm để xin quan tài về lo mai táng chu tất cho người nghèo.
Người dân hẻm 96 Phan Đình Phùng cũng tổ chức dịch vụ xe ôm miễn phí cho người già, khuyết tật… Ông Nguyễn Văn Phúc chạy xe ôm hơn 32 năm nay, chở miễn phí cho không biết bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo thương người khuyết tật, người già: “Nhằm nhò gì, một cuốc xe có đáng bao nhiêu đâu mà mình tính, giúp được họ tui thấy vui”. Có hôm những người già đi xe ôm về cứ nằng nặc nhét túi ông 5.000-10.000 đồng để chú bù tiền xăng, ông mới nhận cho mọi người vui.
Góc đường Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vài năm nay, ông Phạm Văn Lương luôn đặt tấm biển sửa xe cho người khuyết tật, bơm vá miễn phí. Quê gốc ở Quảng Ninh, vào Sài Gòn mưu sinh bằng đủ thứ nghề, bươn chải kiếm sống, ông Lương hơn ai hết hiểu và cảm thông với những người nghèo khó, khuyết tật. “Giúp họ được chút gì thì tôi cố giúp thôi, thấy mình còn may mắn hơn họ vì còn sức khỏe”, ông nói. Bao năm qua ông bơm vá xe miễn phí cho không biết bao nhiêu người bán vé số đi xe lăn, xe ba bánh, nhiều sinh viên lỡ hết tiền, xe hư cũng được ông sửa giúp…
Trên các tuyến đường Võ Văn Tần, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Văn Kiệt… ngày nào cũng có những người âm thầm đặt thùng trà đá miễn phí, giúp những người đi đường có nước mát lạnh uống khi khát. Những người đặt thùng trà đá, đa phần giấu tên, bất kể trời nắng hay mưa, cứ mỗi sáng sớm đều mang một thùng xốp khá to với dòng chữ “trà đá miễn phí” đặt trên chân đế vững chắc kê ngay lề đường, sắm thêm một cái ca bằng inox luôn sạch để ai cũng thấy an tâm mỗi khi sử dụng.
Tủ thuốc cá nhân miễn phí là tài sản chung của người dân trong hẻm Ông Tiên. Người đóng góp chai dầu gió, vài vỉ thuốc, người giúp vài chục nghìn để mua thuốc thang, bông băng cứu thương cho người đi đường gặp nạn.
Ông Trần Viết Hùng hơn 10 năm vá xe miễn phí cho người tàn tật Đà Nẵng tại giao lộ Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (quận Thanh Khê). Tấm biển của ông màu đỏ, mấy dòng chữ được viết nắn nót: “Bơm vá 325, Honda, xe đạp. Học sinh, người tàn tật, miễn phí”. Trên tấm bảng còn ghi rõ số điện thoại của ông Hùng để khách có thể gọi khi cần. Năm nay 49 tuổi và trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, ông Trần Viết Hùng bị gọi "gã khùng" vì lòng tốt hiếm thấy của mình.
Từ tháng 8.2012 đến nay, sáng chủ nhật hàng tuần tại Nhà hát Thành phố, người dân Sài Gòn có dịp thưởng thức những buổi hòa tấu nhạc ngoài trời mà không phải mua vé. Trẻ con xem tạp kỹ, kịch, sân khấu “Cầu vồng tuổi thơ”. Thông thường mỗi chương trình có 500 chỗ cho các bé đăng ký trước từ khắp các quận huyện, mái ấm, nhà mở.
Vài năm nay, ở một số công viên lớn như Tao Đàn, 23/9, Lê Văn Tám, Gia Định, xuất hiện các nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao hoàn toàn không thu phí. Nhà vệ sinh công cộng được đầu tư từ 800 triệu đến một tí đồng, có nhân viên trực dọn dẹp luân phiên.
Dù đã ở tuổi 83 nhưng Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương vẫn khám bệnh miễn phí cho mọi người tại phòng khám Đông Hồ, số 7, ngõ 424, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội - cũng là nhà riêng của ông.
Bác sỹ Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1959 rồi làm công tác giảng dạy tại trường y tế Quảng Ninh, sau đó làm chuyên gia cho Bộ Y tế Lào. Năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Y học tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Ông về nước làm việc tại Ban Y tế, Bộ Năng Lượng cho đến năm 1992 thì nghỉ hưu.
Năm 1994, ông mở phòng khám với mục đích khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Trong suốt hơn 20 năm qua, Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương đã dùng toàn bộ lương hưu của mình để duy trì phòng khám hoạt động. Hai căn phòng dưới tầng trệt trong ngôi nhà nhỏ của ông được 'trưng dụng' làm trụ sở phòng khám với lỉnh kỉnh máy móc, thiết bị y tế. Không quản ngày mưa, nắng hay nghỉ lễ, hễ có bệnh nhân là ông đều nhiệt tình thăm khám. Các bệnh nhân khi tới đây đều được khám bệnh, kê đơn miễn phí, chăm sóc tận tình và tư vấn về các phương pháp bảo vệ sức khỏe.
Hơn 20 năm qua, lương y Nguyễn Văn Hòa Bình luôn tận tình chữa trị miễn phí cho hàng trăm người dân Sài Gòn tại căn hộ thuộc chung cư cũ trên đường Chương Dương (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP. HCM). Tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa Bình (62 tuổi) đã gieo niềm tin, thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những bệnh nhân, bệnh nhi mắc bệnh nhược cơ, não úng thủy, bại não, tai biến mạch máu não... Ông cho rằng nếu nhận tiền để cứu một mạng người thì không phải ám chỉ rằng cuộc đời một con người chỉ có giá trị chừng đấy tiền thôi sao?

Xem thêm: Nhà nghỉ mất điện, cặp đôi 'mây mưa' giữa đường gây phẫn nộ

Bà mẹ 1 con đăng quang cuộc thi Người mẫu ngực đẹp quốc tế

Nhân Hoàng (tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa bệnh, nước suối, xe ôm, mai táng miễn phí và những tấm lòng vàng ở VN