Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông chưa được nghe đến kế hoạch biến 221ha khu trung tâm thành phố đi bộ. Ông chỉ biết khi đọc thông tin trên báo chí.

Chủ tịch UBND TP.HCM: ‘Tôi chưa biết việc biến trung tâm thành phố đi bộ’

Phan Diệu | 03/04/2017, 14:55

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông chưa được nghe đến kế hoạch biến 221ha khu trung tâm thành phố đi bộ. Ông chỉ biết khi đọc thông tin trên báo chí.

Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1 và phương hướng hoạt động quý 2/2017 của UBND TP.HCM mới diễn ra gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng ông chưa hề nghe đến kế hoạch biến khu vực trung tâm thành phố đi bộ.

“Kế hoạch biến 221 ha khu trung tâm thành phố đi bộ tôi chưa được nghe. Tôi chỉ biết khi đọc thông tin trên báo chí. Cái này là đề xuất của một đơn vị nào đó chứ không phải là dự án của UBND TP đang triển khai”, ông Phong nói.

Theo lãnh đạo TP.HCM, hiện tại, UBND TP chỉ đang xem xét đề án lập khu phố đi bộ tại đường Bùi Viện do quận 1 phối hợp với Sở Du lịch đề xuất thành lập. Tất cả các đề án như chợ phiên cuối tuần ở công viên Bạch Đằng, con đường âm nhạc... đều đang nằm trong giai đoạn xây dựng, đề xuất chứ Thường trực UBND TP chưa thông qua.

Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc nhở báo chí cần phân biệt rõ ràng các đề án do UBND đề xuất hay các đơn vị trực thuộc bên dưới đề xuất để thông tin chính xác, tránh các trường hợp gây hiểu nhầm đây là chủ trương của TP.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho rằng nội dung phát ngôn của một vài cơ quan đã tạo ra nhữngdư luận không cần thiết.

“Vụ phố đi bộ trung tâm, về mặt pháp lý thì đã xác định sẽ làm phân khu, trong đó phân khu này có làm phố đi bộ nhưng chỉ một số tuyến đường như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng... TP có giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, triển khai đề án này”, ông Hoan khẳng định.

Theo ông Hoan, đề án biến trung tâm TP thành phố đi bộ chỉ đang nghiên cứu chứ chưa có chính sách nào. Hiện tại, các cơ quan đang nghiên cứu cơ sở pháp lýrồi xem có triển khai được hay không; nghiên cứu tác động đời sống, giao thông, kinh tế văn hóa… sau đó còn phải lấy ý kiến người dân.

“Cái nào trình UBND TP thì phải nói là trình UBND TP, cái nào đang nghiên cứu thì nói nghiên cứu, không nên mập mờ, gây hiểu nhầm. Sắp tới, UBND TP sẽ giao Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng lại quy định về phát ngôn báo chí. Các quận huyện thì chánh văn phòng có thể phát ngôn nhưng các sở, ban ngành phải do giám đốc sở hoặc phó giám đốc phụ trách", ông Hoan thông tin.

Ngoài ra, nói về tình trạng một số cơ quan, đơn vị ở TP.HCM thời gian qua quy định phải có hộ khẩu khi thi tuyển công chức, ông Hoan khẳng định đây không phải là quy định của TP nhưng trên thực tế một số đơn vị đã đề ra như một biện pháp hành chính. Biện pháp này không đúng luật nên từ nay trở đi các cơ quan, đơn vị của TP không áp dụng trong tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, TP sẽ có những biện pháp khác.

“Thay vì yêu cầu hộ khẩu thì chúng ta đặt yêu cầu khác cao hơn như yêu cầu về trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn… để tuyển dụng. Hiện nay, TP khống chế về hộ khẩu để lo giải quyết lao động của TP nên hạ thấp các chỉ tiêu đó. Từ bây giờ, TP sẽ nâng cao yêu cầu trong tuyển dụng để tìm kiếm được người tài, có thể thu hút bằng các biện pháp kinh tế”, ông Hoan nói thêm.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch UBND TP.HCM: ‘Tôi chưa biết việc biến trung tâm thành phố đi bộ’