Chiều 27.11, tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM về phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn của thành phố

Tú Viên | 27/11/2022, 19:00

Chiều 27.11, tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM về phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp.

Công tác phối hợp giữa các sở ban ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm, nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, hướng dẫn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

img2727-16695388683918770002.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: PV

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022.

Đối với việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm, TP.HCM tập trung tích cực triển khai thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm.

Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đạt gần 93% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 85% (501/586 trường hợp), dự kiến đến quý 2/2023 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn, TP.HCM đang được hoàn tất các thủ tục để phê duyệt 2 dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30.11.2022; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30.6.2023, cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31.12.2023.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn của TP.HCM.

TP.HCM kiến nghị chính phủ, các bộ ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản.

thu-tuong-2-4430.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát một số dự án trọng điểm tại TP.HCM sáng 27.11 - Ảnh: Nguyên Vũ

Cụ thể, xem xét nới room tín dụng thêm 2%; cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn. Sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như chính phủ một số nước đang làm. TP.HCM đề xuất xem xét việc phong tỏa tài sản của các đơn vị có hoạt động liên quan đến một số vụ việc; chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp...

Về du lịch, TP.HCM kiến nghị chính phủ xem xét tăng thời hạn visa, hiện cấp 15 ngày cho du khách là quá ngắn.

Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Về khó khăn của thị trường xăng dầu, TP.HCM kiến nghị chính phủ chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, cần tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.

TP.HCM kiến nghị chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.

btsd.jpeg
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau gần 10 năm thi công

Trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, TP.HCM kiến nghị chính phủ cho phép thí điểm thực hiện áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1.1.2023.

Cho phép thí điểm gia hạn sử dụng đất với một số trường hợp; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất TP triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Trong lĩnh vực y tế, TP.HCM kiến nghị chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí; chấp thuận cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc nhằm đáp ứng cung ứng thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.

TP.HCM kiến nghị chính phủ, thủ tướng cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện dự án văn hóa và thể thao theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn TP.HCM.

Ông Phan Văn Mãi cũng nêu kiến nghị liên quan đến một số dự án cụ thể.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM kiến nghị các bộ hỗ trợ TP hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời Bộ GTVT sớm chủ trì soạn thảo, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị khổ đường 1.435mm, thi công và nghiệm thu đường sắt đô thị, khai thác đường sắt đô thị… làm cơ sở triển khai, đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ đường sắt đô thị.

vd3.jpeg
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đang ở giai đoạn 2

TP.HCM kiến nghị về dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1) và dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).

Về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT tham mưu giao bổ sung gần 19.500 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TP (ngoài nguồn vốn 142.557 tỉ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án.

Về dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho TP.HCM thực hiện dự án. Trong đó, xem xét bàn giao ngay phần diện tích khoảng 4,5ha đất trống không có tài sản trên đất cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Đặc biệt, với 3 bệnh viện cửa ngõ TP.HCM, quy mô 1.000 giường, gồm Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2025. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện này, với tổng nhu cầu là 4.500 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu nhiều kiến nghị lớn của thành phố