Sáng 8.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Giang.

Chủ tịch nước: Hà Giang 'sống trên đá, thoát nghèo trên đá và làm giàu trên đá'

P.V (theo TTXVN) | 08/12/2021, 16:55

Sáng 8.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Giang.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TTXVN

Trên chặng đường 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh đến nay, tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh đất và người Hà Giang luôn ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Giai đoạn 2015 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%. Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế 100%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm sáng tạo. Văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác giảm nghèo thu được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh năm 2021 còn 18,54%.

Ngày 26.3.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hà Giang. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Bác Hồ không chỉ dành tình cảm thắm thiết và ân cần hỏi thăm đồng bào và cán bộ các dân tộc, hỏi thăm bộ đội, công an và dân quân, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng, mà còn khen ngợi những thành tích vẻ vang trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ kháng chiến, những cố gắng và tiến bộ về nhiều mặt của tỉnh Hà Giang từ ngày hòa bình lập lại (1954). Đảng bộ và các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn khắc sâu và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến sự phát triển, đổi thay của Hà Giang. Chủ tịch nước nhấn mạnh lịch sử 130 năm của Hà Giang đã tô thắm thêm lòng yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm sáng tạo, là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên cao nguyên đá Hà Giang.

Mặc dù nhiều khó khăn, vất vả, bất lợi, chia cắt về địa hình, điều kiện giao thương, hạ tầng kinh tế xã hội khó khăn, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao... nhưng đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc của Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và giành được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Dù nền tảng, động lực phát triển kinh tế chưa mạnh, nhưng kinh tế Hà Giang vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, năng suất lao động tăng lên, hiệu quả trong sản xuất cải thiện...

Chủ tịch nước ghi nhận, cùng với kinh tế, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nhiều tiến bộ; nhiều thành tựu về giáo dục, y tế, chính sách phúc lợi của nhân dân được tăng cường, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đó không chỉ giảm nghèo về thu nhập, mà còn giảm nghèo về tri thức, văn hóa tinh thần. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 vừa qua, đảng bộ, chính quyền đã thực hiện tốt quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố. Chủ tịch nước mong muốn Hà Giang phát huy để có những thành quả to lớn hơn trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm ảnh và gian trưng bày các sản vật tiêu biểu của tỉnh Hà Giang - Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, nâng cao dân trí, Chủ tịch nước cho rằng Hà Giang cần thúc đẩy chính sách giáo dục, coi đây là chìa khóa tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển; cần thay đổi cơ bản chất lượng giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có kiến thức, có tấm lòng. "Giáo dục thành đầu tàu kéo kinh tế - xã hội tăng tốc. Giáo dục là mũi tên tiến công chủ lực để thay đổi Hà Giang, giúp người dân tiếp cận kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tự học hỏi, phát huy hiệu quả tinh thần tự lực, tự cường" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hà Giang cần tìm kiếm mô hình tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, huy động các nguồn lực đầu tư. Tỉnh phát huy vai trò, sự lan tỏa, hiệu quả của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đầu tư cho các ngành có lợi thế, chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, dược liệu gắn với chế biến sâu, tại chỗ để nâng cao giá trị gia tăng.

Hà Giang cần thực hiện hiệu quả việc phát triển toàn diện đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó quan tâm đến các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh Hà Giang "sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".

Về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng Hà Giang có chiều dài bản sắc văn hóa dân tộc, đây là lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển.

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên; dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Tỉnh ủy Hà Giang.

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước: Hà Giang 'sống trên đá, thoát nghèo trên đá và làm giàu trên đá'