Sáng 6.3, tại Nhà Hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.
Theo dòng thời sự

Chủ tịch nước: Các NSND, NSƯT thực sự là 'vốn quý của đất nước'

Theo TTXVN 06/03/2024 11:51

Sáng 6.3, tại Nhà Hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng các nghệ sĩ và thân nhân gia đình nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu đợt này.

thuong-060324.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trao danh hiệu NSND tại buổi lễ, với tình cảm trân trọng, mến mộ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới các nghệ sĩ và thân nhân gia đình các nghệ sĩ lời thăm hỏi thân tình, lời chúc mừng tốt đẹp nhất

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam có thể được xem là lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa nghệ thuật. Thông qua lao động, dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp và các loại hình nghệ thuật độc đáo để phản ánh những nhịp điệu của lao động, của đoàn kết, của tình yêu thương, lòng dũng cảm trong chống lại thiên tai, địch họa và những ước mơ tươi đẹp về cuộc sống.Văn hóa nghệ thuật từ một hình thái ý thức xã hội đã chuyển hóa thành sức mạnh vật chất giúp nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, đưa non sông về một mối, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng con người mới, đời sống mới.

Nhắc tới nguồn cảm hứng bất tận cho đội ngũ nghệ sĩ là sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước, Chủ tịch nước đánh giá các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm hay làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ, góp phần quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các nghệ sĩ, Danh hiệu NSND, NSƯT là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.

chu-tich-nuoc.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho các nghệ sĩ - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các NSND, NSƯT thực sự là “vốn quý của đất nước”, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

“Trong buổi Lễ trang trọng này, chúng ta cùng nhau tri ân các thế hệ nghệ sĩ tài năng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; cùng nhau dành những tình cảm quý trọng nhất, sâu sắc nhất, chân thành nhất đến các nghệ sĩ luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, bằng tài năng nghệ thuật và tình yêu con người, tình yêu đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, lao động, sáng tạo bền bỉ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, có những nghệ sỹ đã không còn nữa để nghe tên mình được xướng lên tại lễ vinh danh này.” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, từ đó đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững mà nghệ thuật là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Với tầm quan trọng đó, Chủ tịch nước đặt ra nhiệm vụ cho lĩnh vực này là phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa con người Việt Nam, bồi đắp phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, cổ vũ khát vọng và ý chí vươn lên, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo; nêu cao niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

Chủ tịch nước nhắn nhủ đội ngũ hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, có nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc”, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sỹ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sỹ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận.

thuong-060324b.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho các nghệ sĩ - Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chủ tịch nước lưu ý cần tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, khuyến khích nghệ sỹ thâm nhập thực tế, dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá, khai thác các giá trị, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đưa nghệ thuật truyền thống tiến cùng thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ, lớn lao của toàn dân tộc. Cùng với đó là khuyến khích nghệ sĩ tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại, đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp thêm sự giàu có của nền văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, cần kịp thời tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với cống hiến, lao động của người nghệ sĩ. Rà soát kỹ lưỡng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với người có tài năng nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Chủ tịch nước tin tưởng, các thế hệ nghệ sĩ với năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng và tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo sẽ sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, mang tầm thời đại, xây đắp nền tảng tinh thần xã hội, đóng góp to lớn hơn nữa trên hành trình đi tới của dân tộc.

Đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 125 nghệ sĩ NSƯT; tặng, truy tặng danh hiệu “NSƯT” cho 264 nghệ sĩ.

Trong đó, NSND cao tuổi nhất là nghệ sĩ Hùng Minh, diễn viên cải lương TP.HCM, sinh năm 1930); trẻ tuổi nhất là các nghệ sĩ Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội), Hồ Ngọc Trinh (Nhà hát Cải lương Long An, sinh năm 1984). NSƯT cao tuổi nhất là nghệ sĩ Nguyễn Quý Hải (Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1932); trẻ tuổi nhất nghệ sĩ Vũ Thanh Tuấn (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sinh năm 1990).

Công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã góp phần động viên, khích lệ các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tạo ra nhiều chương trình, vở diễn, tiết mục có giá trị để phục vụ nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước: Các NSND, NSƯT thực sự là 'vốn quý của đất nước'