Bộ Quốc phòng vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và trật tự xã hội.
Theo Bộ Quốc phòng, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ, hoạt động ở tốc độ nhỏ, độ cao thấp, phục vụ cho các mục đích vui chơi thể thao, hướng nghiệp giáo dục quốc phòng và phục vụ kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện các hoạt động bay có tính tự phát, hoặc một số tổ chức, cá nhân tự nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh khi chưa xin phép cơ quan thẩm quyền.
Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự, dân dụng, ảnh hưởng đến an toàn xã hội... Bộ Quốc phòng đề nghị các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải xin phép bay; chỉ cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ khi có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Tài chính...
Nhiều luồng ý kiến đã nổ ra sau Bộ Quốc phòng có động thái này. Trong đó rất nhiều người thắc mắc vậy để thõa mãn thú vui này người ta phải làm thế nào? Luật quy định như thế nào về vấn đề này? Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) trả lời:
Thưa ông, trước tiên, flycam có chịu sự điều chỉnh của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam?
Flycam là thiết bị có hoạt động bay. Mà đã là "hoạt động bay" thì trước tiên sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hàng không dân dụng Việt Nam (gọi tắt là Luật hàng không). Cụ thể, Khoản 1 Điều 1 Luật hàng không quy định: "Luật này quy định về hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hoạt động hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng".
Hầu hết các hoạt động bay dân dụng theo Luật hàng không đều do Bộ Giao thông vận tải cấp phép, vậy tại sao hoạt động bay của flycam lại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng?
Điều này xuất phát từ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 81 Luật hàng không: "Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay quân sự của Việt Nam, nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam và chuyến bay của tàu bay không người lái".
Flycam đương nhiên là một thiết bị bay không người lái nên theo quy định trên thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng. (Thuật ngữ "Tàu bay không người lái" được Nghị định 36/2008/NĐ-CP giải thích là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó).
Đã có văn bản cụ thể nào quy định về flycam?
Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động của mô hình bay có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.
Các quy định từ Nghị định này đã cho thấy flycam có bản chất là một mô hình bay. Vì mô hình bay được xác định gồm:
- Các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng nguồn năng lượng bằng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn.
- Các loại dù bay và diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian".
Cũng theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP, người sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ (gồm khí cầu bay và mô hình bay) phải làm thủ tục cấp phép bay.
Quy trình quản lý flycam?
Flycam chịu sự quản lý từ khâu sản xuất, mua bán để sử dụng. Cụ thể:
- Đối với khâu sản xuất, mua bán, Điều 4 Nghị định quy định:
+ Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ chỉ được cấp phép sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ công an.
+ Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Đối với khâu sử dụng, người chơi mô hình bay sẽ phải được sự cho phép của Bộ Quốc phòng. Khoản 1 Điều 8 Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định: "Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.
Địa chỉ hộp thư liên lạc: số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Số điện thoại liên hệ: 069 533200; 069 533105; Số fax: 04 7337994".
Cụ thể, người sử dụng flycam phải chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép bay ra sao?
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp phép bay bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu).
- Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước.
- Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.
Nội dung của phép bay?
Nội dung của phép bay bao gồm:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.
- Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).
- Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.
- Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.
- Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
- Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.
Việc gắn camera để ghi, chụp hình trên các mô hình bay có phải khai báo tại đơn xin cấp phép bay hay không?
Việc gắn camera để ghi, chụp hình trên mô hình bay sẽ phải khai báo tại đơn xin cấp phép bay. Vì:
- Khoản 5 Điều 14 Nghị định 36/2008/ NĐ-CP quy định: "Nghiêm cấm lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không đuợc phép";
- Mẫu đơn đề nghị cấp phép bay buộc phải kê khai nội dung về thiết bị chụp ảnh, ghi hình.
Thẩm quyền yêu cầu đình chỉ hoạt động bay flycam?
Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia, các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và cơ quan Phòng không thuộc các quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép yêu cầu đình chỉ tổ chức, cá nhân khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm các giới hạn, quy định trong phép bay hoặc tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép.
Mức xử phạt người sử dụng mô hình bay vi phạm cấp phép bay?
Khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013/ NĐ-CP quy định:
- Cá nhân có hành vi thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay, mục đích của chuyến bay theo phép bay đã được cấp sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
- Cá nhân có hành vi thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Quan điểm của ông trước ý kiến cho rằng chỉ cần quy định khu vực được bay cho các mô hình bay là đủ, chứ không cần phải cấp phép?
Ý kiến này đã không lường trước được hàng loạt các vấn đề sẽ phát sinh đã bị Nghị định 36/2008/NĐ-CP nghiêm cấm. Chẳng hạn như: Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên phương tiện bay; Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hưng Hà (Xa lộ Pháp luật)