Bộ Thương mại Mỹ hôm 23.10 đã nêu tên 31 trung tâm công nghệ khu vực từ 370 đơn đăng ký. Các khu vực này đủ điều kiện nhận 500 triệu USD tài trợ liên bang Mỹ để giúp thúc đẩy đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính quyền Biden chọn 31 trung tâm công nghệ khu vực để thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ

Sơn Vân | 23/10/2023, 19:22

Bộ Thương mại Mỹ hôm 23.10 đã nêu tên 31 trung tâm công nghệ khu vực từ 370 đơn đăng ký. Các khu vực này đủ điều kiện nhận 500 triệu USD tài trợ liên bang Mỹ để giúp thúc đẩy đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói với các phóng viên rằng chương trình này nhằm mục đích đa dạng hóa Mỹ ra bên ngoài các trung tâm công nghệ truyền thống như Thung lũng Silicon, Seattle và Boston.

Bà Gina Raimondo nói: “Những hệ sinh thái công nghệ đó chỉ tập trung ở một vài nơi trên khắp đất nước. Chúng không phản ánh toàn bộ tiềm năng của đất nước chúng ta và chiếm lĩnh thị trường những ý tưởng tuyệt vời".

Chương trình này là một phần trong niềm tin của Tổng thống Joe Biden rằng chính phủ Mỹ nên giúp tài trợ cho các lĩnh vực quan trọng để thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào các ngành như sản xuất pin ô tô điện, chất bán dẫn và năng lượng sạch.

Lael Brainard, Giám đốc Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết chương trình công nghệ khu vực này tạo ra “các khoản đầu tư công thông minh vào các công nghệ quan trọng ở mọi vùng trên đất nước”.

Chính quyền Biden vào tháng 10 đã công bố 7 "trung tâm hydro" ở 16 bang sẽ chia sẻ 7 tỉ USD để khởi động ngành công nghiệp mới nổi.

Các trung tâm công nghệ khu vực được chỉ định nằm ở những nơi như bang Montana, Wisconsin, ngoại ô New York, Vermont, Nevada, Illinois và Puerto Rico, tập trung vào các lĩnh vực gồm chất bán dẫn, năng lượng sạch, khoáng sản quan trọng, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử.

Bà Gina Raimondo nói: “Mọi người không cần phải di chuyển để có được một công việc tốt”, đồng thời lưu ý rằng nhiều trung tâm nằm ở các thành phố nhỏ.

Một trung tâm ở bang Washington và Idaho sẽ tập trung phát triển các vật liệu mới cho máy bay thế hệ tiếp theo tiết kiệm nhiên liệu hơn. Trong khi một trung tâm ở bang Oklahoma tìm cách thương mại hóa các hệ thống tự động trong các lĩnh vực như nông nghiệp và kiểm tra đường ống. Một chương trình của bang Wisconsin nhằm mục đích phát triển y học cá nhân hóa.

Bà Gina Raimondo cho biết chính quyền Biden vào năm tới có kế hoạch trao thưởng cho khoảng 5 đến 10 trong số 31 trung tâm công nghệ với số tiền lên tới 75 triệu USD mỗi nơi.

Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 500 triệu USD cho chương trình này vào tháng 8.2022 như một phần của luật Chips and Science (Chip và Khoa học) mang tính bước ngoặt, cung cấp 52 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Tổng thống Biden năm nay đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 4 tỉ USD để tài trợ cho các trung tâm công nghệ bổ sung trong khu vực. Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt ngân sách cả năm cho năm tài chính hiện tại.

capture.jpg
Gina Raimondo nói rằng chương trình chọn 31 trung tâm công nghệ khu vực nhằm mục đích đa dạng hóa Mỹ ra bên ngoài Thung lũng Silicon, Seattle và Boston - Ảnh: Reuters

Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định cuối cùng để ngăn chặn việc Trung Quốc và các quốc gia khác gây lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ có thể sử dụng khoản trợ cấp sản xuất chất bán dẫn.

Quy định này là rào cản cuối cùng trước khi chính quyền Joe Biden có thể bắt đầu trao khoản trợ cấp 39 tỉ USD cho riêng sản xuất chất bán dẫn. Đạo luật Chip và Khoa học cung cấp 52,7 tỉ USD trợ cấp cho cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực chất bán dẫn của Mỹ.

Được đề xuất lần đầu vào tháng 3, quy định trên đặt ra "hàng rào bảo vệ" bằng cách hạn chế các hãng nhận tài trợ của Mỹ đầu tư vào việc mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở các quốc gia nước ngoài đáng lo ngại như Trung Quốc và Nga, đồng thời hạn chế hãng nhận tài trợ tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ với các tổ chức nước ngoài đáng lo ngại.

Vào tháng 10.2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của quốc gia châu Á.

Gina Raimondo nói với Quốc hội hôm 19.9: “Chúng ta phải tuyệt đối cảnh giác rằng không một xu nào trong số này có thể giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng ta”.

Nếu hãng nhận tài trợ vi phạm các hạn chế, Bộ Thương mại Mỹ có thể thu lại tiền.

Gina Raimondo nói với Quốc hội Mỹ rằng bà đang làm việc nhanh nhất có thể để tiền tài trợ được phê duyệt. “Tôi cảm thấy áp lực. Chúng ta đang ở phía sau nhưng điều quan trọng hơn là làm đúng. Nếu chúng ta mất thêm một tháng hoặc vài tuần nữa để làm đúng, tôi sẽ bảo vệ điều đó vì nó cần thiết", Gina Raimondo nhấn mạnh.

Quy định cấm hãng nhận tài trợ từ Mỹ mở rộng đáng kể năng lực sản xuất chất bán dẫn ở các quốc gia nước ngoài đáng lo ngại trong 10 năm. Nó cũng hạn chế hãng nhận tài trợ thực hiện một số nỗ lực nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ với các tổ chức nước ngoài đáng lo ngại nhưng cho phép các tiêu chuẩn quốc tế, cấp phép bằng sáng chế và sử dụng các dịch vụ đúc, đóng gói chip.

Các quy tắc cuối cùng cấm mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn cho các cơ sở tiên tiến và hàng đầu ở nước ngoài trong 10 năm. Quy định đã làm rõ rằng việc tạo ra wafer (đĩa bán dẫn) cũng được coi là một phần của quá trình sản xuất chip.

Quy tắc cuối liên kết mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn với việc bổ sung phòng sạch hoặc không gian vật lý khác, xác định việc mở rộng đáng kể là tăng công suất sản xuất lên hơn 5%.

Ngoài ra, quy tắc này cấm hãng nhận tài trợ, bổ sung không gian phòng sạch hoặc dây chuyền sản xuất mới dẫn đến việc mở rộng năng lực sản xuất của cơ sở vượt quá 10%. Quy tắc cũng phân loại một số chất bán dẫn là quan trọng với an ninh quốc gia, gây ra các hạn chế chặt chẽ hơn, gồm cả chip cho việc tính toán lượng tử, chip thế hệ hiện tại và chip tại các môi trường nhiều bức xạ cũng như cho các khả năng quân sự chuyên biệt khác.

Đầu tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo hơn 460 công ty thể hiện sự quan tâm có được nguồn tài trợ từ chính phủ để sản xuất chất bán dẫn, nhằm nâng cao sự cạnh tranh của nước này trước những nỗ lực về khoa học và công nghệ từ Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden cho biết các công ty đã thông báo đầu tư tổng cộng 166 tỉ USD vào ngành sản xuất chất bán dẫn và thiết bị điện tử trong năm qua. Theo ông Biden, đạo luật này sẽ "đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong việc sản xuất chất bán dẫn và giảm sự phụ thuộc vào các nước khác với chuỗi cung ứng thiết bị điện tử hoặc năng lượng sạch".

Vào tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu nhận đơn đăng ký cho chương trình trợ cấp trị giá 39 tỉ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cũng như thiết bị và vật liệu để sản xuất chip, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định tài trợ cho công ty nào.

Gina Raimondo nói với các phóng viên: “Cuối cùng chúng tôi cũng đang thực hiện các khoản đầu tư đã bị trì hoãn một thời gian dài để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia của chúng tôi. Chúng ta cần hành động nhanh chóng nhưng điều quan trọng hơn là làm đúng”.

Đạo luật Chips and Science cũng gồm cả khoản tín dụng thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỉ USD.

Theo hãng tin Reuters, Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành Intel bình luận: "Các chính phủ trên khắp thế giới đang làm việc với tốc độ lịch sử để hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn và đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ, linh hoạt. Tại Mỹ, tiến bộ là không thể phủ nhận".

Bộ Thương mại Mỹ đã dành cả năm ngoái để xây dựng một nhóm gồm hơn 140 người và viết các quy tắc để chấp nhận, đánh giá các đơn đăng ký.

Ngoài ra, Bộ này cũng đang tìm cách đảm bảo phía Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ tài trợ của Mỹ và yêu cầu các công ty xin tài trợ lớn cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao, đồng thời chia sẻ bất kỳ lợi nhuận dư thừa nào.

Trước đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết các khoản tài trợ trực tiếp dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 5 - 15% tổng vốn đầu tư cho dự án và số tiền tài trợ thường không vượt quá 35% tổng vốn đầu tư cho dự án.

Bài liên quan
Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc hưởng lợi khi Mỹ thắt chặt hạn chế
Khi Mỹ thắt chặt hạn chế với ngành bán dẫn của Trung Quốc, các hãng sản xuất công cụ dùng để tạo ra chip của quốc gia châu Á đang được hưởng lợi, với đơn đặt hàng từ tăng nhanh những tháng gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden chọn 31 trung tâm công nghệ khu vực để thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ