Trong lúc Mỹ và Đức bất đồng trong vấn đề Ukraine về cách trừng phạt Nga thì Kiev đã hủy bỏ cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức vì thất vọng trước thái độ của Berlin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tìm cách thiết lập một mặt trận thống nhất trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 7.2, nhưng một điểm mấu chốt dường như vẫn tồn tại bất chấp những cam kết thống nhất của họ: Tương lai của đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Đức tránh nhắc đến từ khóa nhạy cảm
Tại Nhà Trắng và trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNN với Jake Tapper, Thủ tướng Scholz đã tiết lộ khoảng cách khác biệt giữa ông và người đứng đầu Mỹ về đường ống khổng lồ. Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục, ông Biden đã nói rõ rằng dự án sẽ không tiến triển nếu “Nga xâm lược Ukraine”. Đó là lập trường mà ông và các quan chức Mỹ đã thực hiện trong nhiều tuần và là điểm chính trong cuộc thảo luận với chính phủ Scholz vừa lên nắm quyền tại Đức.
Nhưng bản thân Scholz thậm chí còn từ chối nêu tên dự án trong cuộc họp báo và từ chối cam kết chấm dứt đường ống nếu một “cuộc xâm lược” diễn ra trước mắt - một lập trường gây ra vấn đề cho bộ trưởng ngoại giao của ông trong chuyến thăm Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Scholz đã lặp lại cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ - mặc dù một lần nữa sẽ không làm rõ ý định của ông đối với dự án Nord Stream 2.
Thủ tướng Đức khẳng định: "Tất cả các bước chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ làm cùng nhau. Sẽ không có sự khác biệt trong tình huống đó. Những gì chúng ta làm hôm nay là đưa ra câu trả lời rất mạnh mẽ cho Nga, rằng nếu họ xâm lược Ukraine, điều này sẽ khiến họ phải trả giá rất đắt”.
Trong cuộc họp báo, ông cũng đã cam kết tương tự bằng tiếng Anh: "Tôi nói với những người bạn Mỹ, chúng ta sẽ đoàn kết. Chúng tôi sẽ hành động cùng nhau và chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết và tất cả các bước cần thiết sẽ được thực hiện bởi tất cả chúng ta cùng nhau" như gửi lời trấn an tới một lượng lớn khán giả gồm các quan chức Mỹ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, những người đã bày tỏ lo ngại về việc Đức sẵn sàng đối đầu với Putin.
Đường ống Nord Stream, dẫn khí đốt tự nhiên của Nga dưới biển Baltic đến Đức, để khỏi phụ thuộc việc đi qua Ukraine, nhấn mạnh tình thế khó khăn của Scholz khi đối đầu với Nga. Đức phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga nên khó có thể áp đặt trừng phạt nghiêm khắc mà không có nguy cơ “đóng băng” dầu khí trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Mỹ phản đối đường ống và đã tuyên bố rõ ràng rằng nó sẽ không tiếp tục nếu “Nga quyết định xâm lược”. Hôm qua, ông Biden tuyên bố: "Nếu Nga xâm lược, điều đó có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội lại vượt qua biên giới Ukraine, thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Chúng tôi sẽ kết thúc nó."
Tuy nhiên, Scholz từ chối nêu rõ những gì ông chuẩn bị làm để ngăn chặn Nord Stream 2, chỉ nói rằng Đức sẽ thực hiện các bước tương tự như Mỹ để trừng phạt Nga.
Bị một phóng viên Mỹ nhấn mạnh về việc liệu điều đó có đồng nghĩa với việc "rút phích cắm" trên Nord Stream hay không, Scholz lại lấp lửng, có vẻ hơi đảo mắt trước câu hỏi. Ông trả lời: "Như tôi đã nói, chúng tôi đang hành động cùng nhau. Chúng tôi hoàn toàn đoàn kết và sẽ không thực hiện các bước khác nhau. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tương tự và họ sẽ rất rất rất khó khăn với Nga và họ nên hiểu thế”.
Ukraine thất vọng và bỏ họp
Đó không phải là tuyên bố đầy đủ về việc Nord Stream 2 sẽ bị tạm dừng mà một số người ở Mỹ đang tìm kiếm như một sự thể hiện quyết tâm chống lại Nga. Cuộc tranh luận về những gì Đức sẽ làm về đường ống dẫn dầu cũng đang nổi lên ở Ukraine.
Một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bị hủy bỏ, lý do chính thức là do lỗi lịch trình.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói với Tapper rằng cuộc họp "không diễn ra do thực tế là ngoại trưởng Đức từ chối cam kết Đức sẽ buông bỏ đường ống Nord Stream 2 ngay cả khi Nga xâm nhập", và vì "Đức từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào trực tiếp hoặc gián tiếp cho Kiev. "
Nguồn tin cũng nói với Tapper, "Đức ngày càng được nhiều người ở Đông Âu và Kiev coi là đồng minh của Nga hơn là đồng minh của phương Tây. Và họ đã hành động như vậy - hãy nhìn vào cựu Thủ tướng Schroeder."
Trong cuộc phỏng vấn với Scholz, Tapper đã đặt câu hỏi trực tiếp với Thủ tướng Đức sau cuộc gặp với Biden. Scholz đã không hoàn toàn phủ nhận cuộc họp đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, Thủ tướng Đức nói: "Tôi không biết đây có phải là sự thật hay không", đồng thời nói thêm rằng Baerbock đang ở Ukraine và ông đã cử bà đến đó để ra thực địa kiểm tra tình hình.
Ông cũng cho biết Đức đang làm việc với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và các đồng minh của Liên minh châu Âu để củng cố các bước cụ thể mà họ sẽ cùng thực hiện trong trường hợp Nga xâm lược.
Scholz nói với Tapper: "Chúng tôi hoàn toàn tích cực làm việc cùng với Mỹ, đặc biệt là với các đồng minh trong NATO và Liên minh châu Âu để tìm ra các biện pháp cụ thể, các bước cụ thể mà chúng tôi sẽ thực hiện nếu có một cuộc xâm lược quân sự với Ukraine. Và trong trường hợp này, chúng tôi sẽ tuyệt đối hành động cùng nhau. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước tương tự như chúng tôi sẽ thực hiện. Và đây có nghĩa là sẽ có rất nhiều lệnh trừng phạt, sẽ gây tổn thương cho Nga một cách mạnh mẽ".