Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã chi hơn 213.000 tỉ đồng để trả nợ trong nước và nước ngoài.
Trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài (4 hiệp định với ADB, 1 hiệp định với OFID) với tổng trị giá khoảng 463 triệu USD.
Riêng trong tháng 8, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 74 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 khoảng 1.322 triệu USD, tương đương 30.494 tỉ đồng.
Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, trả nợ của Chính phủ trong tháng 8 khoảng 5.389 tỉ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 4.315 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 1.074 tỉ đồng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Chính phủ đã trả nợ khoảng 213.142 tỉ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.025 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 33.117 tỉ đồng. "Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ về cơ bản được thanh toán kịp thời, không xảy ra tình trạng chậm trả nợ", Bộ Tài chính đánh giá.
Các nhà tài trợ nước ngoài thời gian qua đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.
Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Chính phủ phải huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn
Rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,6% năm 2018).
Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Trong một diễn biến khác, theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8, tổng số thu NSNN ước đạt 997.600 tỉ đồng, tương đương 70,7% dự toán cả năm. So với cùng kỳ năm 2018, số thu NSNN này cũng đã tăng 12,4%. Trong khi đó, tổng số chi 8 là 901.350 tỉ đồng, bằng 55,2% dự toán, tăng 2,8%. Như vậy, sau khi cân đối thu - chi, NSNN đạt mức thặng dư 96.250 tỉ đồng sau 8 tháng.
Tuyết Nhung