“Cơ quan hữu trách đã phát hiện dân buôn lậu dán tem thuốc lá Việt Nam lên bao thuốc lá nhập lậu để qua mặt lực lượng chống buôn lậu. Những trường hợp này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, chuyển cơ quan công an điều tra xử lý”, ông Chinh cho biết.

Chiêu mới của dân buôn thuốc lá nhập lậu

Thanh Anh | 12/11/2020, 16:27

“Cơ quan hữu trách đã phát hiện dân buôn lậu dán tem thuốc lá Việt Nam lên bao thuốc lá nhập lậu để qua mặt lực lượng chống buôn lậu. Những trường hợp này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, chuyển cơ quan công an điều tra xử lý”, ông Chinh cho biết.

Dán tem thuốc nội lên thuốc ngoại nhập lậu

Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An cho biết sau khi Cục QLTT Long An tổ chức hội nghị chống thuốc lá điếu nhập lậu vào ngày 4.11 đến nay, các cơ sở kinh doanh thuốc lá, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trên địa bàn không còn công khai bày bán các loại thuốc lá điếu nhập lậu như trước. Theo ông Chinh, sau ngày 4.11 lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh thuốc lá, nếu phát hiện buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ xử phạt nghiêm khắc theo quy định tại Nghị định 98/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.

7.jpg
Dân buôn lậu thuốc lá vận chuyển hàng bằng xuồng máy cao tốc trên sông Vàm Cỏ Đông, Long An - Ảnh: Thanh Anh

Theo điều 8 Nghị định 98/2020 cá nhân có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1 bao đến dưới 50 bao sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng; buôn bán từ 50 bao đến dưới 1.500 bao sẽ bị phạt tiền từ 5 - 90 triệu đồng; từ 1.500 bao trở lên sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. QLTT Long An đã cho các hộ buôn bán lẻ, cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá ngoại nhập lậu, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng, tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sở dĩ Long An quyết liệt xử lý tình trạng buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu là vì thời điểm này đang vào mùa làm ăn dịp cuối năm của dân buôn lậu. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An từ đầu năm đến nay các cơ quan hữu trách của tỉnh đã kiểm tra bắt giữ hơn 1,8 triệu gói thuốc lá nhập lậu qua biên giới. Trong quý 3 QLTT Long An đã phát hiện 79 vụ buôn lậu thuốc lá điếu qua biên giới, bắt giữ gần 24.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Riêng Công an tỉnh Long An trong tháng 9 và tháng 10 liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng lớn bằng xuồng máy, xe ô tô đưa vào nội địa tiêu thụ.

Điển hình là ngày 12.9 lực lượng chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Long An) phát hiện bắt giữ vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tại ấp 5, xã Mỹ Quý Đông (H.Đức Huệ) thu giữ 10.200 bao thuốc lá ngoại các loại, 1 xuồng nhựa PVC, 1 máy thủy động cơ HP 5,5 mã lực, 1 xe mô tô, nhưng các kẻ buôn lậu đã bỏ tang vật, chạy thoát.

Đến ngày 1.10 Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Long An) bắt giữ Nguyễn Văn Khánh (SN 1983, ngụ ấp 5 B xã Phú Cường, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đang điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 51H-725.29 vận chuyển 9.500 bao thuốc lá ngoại các loại lưu thông trên tỉnh lộ 817 (thuộc ấp Cả Cỏ, xã Thạnh Phú, H.Thạnh Hóa, Long An). Khi bị bắt Khánh khai đang vận chuyển số thuốc lá trên đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Khoảng 23 giờ ngày 9.10 Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Long An) tiếp tục phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Minh (SN 1965, ngụ ấp Phước Tỉnh, xã Long Hiệp, H.Bến Lức, Long An) và Võ Văn Quân (SN 1983, ngụ ấp 4, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) đang điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 51F-309.54 vận chuyển 7.100 gói thuốc lá ngoại các loại trên quốc lộ 62 thuộc địa phận xã Tân Lập (H.Mộc Hóa, Long An) để đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Theo ông Chinh do Long An có đường biên giới dài hơn 130km tiếp giáp với Campuchia nên lâu nay tình trạng buôn lậu thuốc lá ở khu vực biên giới luôn diễn biến phức tạp. Mặc dù QLTT thường xuyên bố trí 45 chốt kiểm tra, kiểm soát dọc biên giới, kết hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát… để chống buôn lậu, nhưng do có nhiều đường mòn, lối mở, đường tắt qua biên giới, đội quân buôn lậu ngày càng có nhiều chiêu thức tinh vi để đối phó, nên thuốc lá điếu ngoại nhập vẫn thẩm lậu qua biên giới.

5(1).jpg
Nguyễn Văn Minh và Võ Văn Quân bị Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Long An) bắt giữ với 7.100 gói thuốc lá nhập lậu và xe ô tô vào ngày 9.10 - Ảnh: Thanh Anh

Đáng lo ngại là hiện nay dân buôn lậu thuốc lá còn tung chiêu dán nhãn thuốc lá Việt Nam lên gói thuốc lá nhập lậu nhằm qua mặt các cơ quan hữu trách. Gần đây nhất, trong 2 tháng 9 và 10 lực lượng Công an H.Đức Huệ đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng hơn 12.800 bao, trong đó phát hiện có 1.000 bao thuốc nhãn hiệu 555 và 2.500 bao nhãn hiệu Craven A được dán tem thuốc lá Việt Nam.

“Đây là thủ đoạn mới của dân buôn lậu thuốc lá để đối phó với lực lượng chống buôn lậu. Với những trường hợp này sau khi xác định được chủ hàng, trước mắt sẽ xử phạt theo Nghị định 98/2020, sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Chinh cho biết.

Còn người hút thì còn thuốc lá nhập lậu

Theo các cán bộ ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An, hiện nay dân buôn lậu thuốc lá thường dùng xuồng máy, xe mô tô, người mang vác… đem hàng qua biên giới vào thời điểm từ 22 giờ đến 3 giờ sáng, sau đó tập kết ở 1 địa điểm định trước, nhưng các điểm tập kết luôn thay đổi. Từ các điểm tập kết này những “người vận chuyển” sẽ dùng xe ô tô loại 4 chỗ, 7 chỗ chở thuốc lá nhập lậu về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành khác để tiêu thụ.

Điều đáng lưu ý là hầu hết các xe ô tô dùng dể vận chuyển thuốc lá lậu đều là xe của các dịch vụ cho thuê tự lái, nên khi bị bắt thì “người vận chuyển” sẵn sàng bỏ xe, bỏ hàng tẩu thoát trong đêm tối. Do vậy phần lớn các vụ bắt giữ thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng lớn thì cơ quan hữu trách chỉ giữ được xe và hàng, sau đó xe phải trả lại chủ dịch vụ cho thuê xe vì họ không liên quan, hàng hóa thì vô chủ, nên cơ quan công an chỉ khởi tố vụ án mà không thể khởi tố bị can, phải xếp hồ sơ.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thị trường nội địa tiêu thụ 700-800 triệu gói thuốc lá nhập lậu, trong đó 80% là thuốc Jet và Hero gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 10.000 tỉ đồng/năm.

6.jpg
Thuốc lá nhập lậu bị Bộ đội Biên phòng Long An bắt giữ - Ảnh: Thanh Anh

Trong khi đó theo lý giải của ông Võ Trung Thực (Hai Thực, SN 1957, trùm buôn lậu thuốc lá khét tiếng đã "rửa tay gác kiếm" ở xã Mỹ Quý Đông, H.Đức Huệ, Long An) có 2 nguyên nhân liên hệ mật thiết với nhau khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới không thể chấm dứt. Thứ nhất là giá thuốc lá nhập lậu luôn rẻ hơn nhiều so với thuốc lá nhập lậu, bởi thuốc lá nhập lậu không chịu bất kỳ khoản thuế nào, trong đó nặng nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện tại, giá bán lẻ 1 gói thuốc lá Jet hoặc Hero khi đưa trót lọt vào thị trường nội địa không quá 20.000 đồng, trong khi các loại thuốc lá sản xuất trong nước đều có giá hơn 20.000 đồng/gói, mà dân hút thuốc còn cho rằng chất lượng thuốc nội không thể bằng thuốc nhập lậu. Từ nguyên nhân này dẫn đến hệ quả là người ta thường chọn mua thuốc lá nhập lậu để sử dụng.

Theo quan điểm của ông Hai Thực, một vấn đề bất cập khác là sau khi Nghị định 98/2020 có hiệu lực, các cơ quan hữu trách chỉ xử phạt nặng người buôn bán, vận chuyển, cung cấp thuốc lá nhập lậu là chưa công bằng. Nhà nước nên ban hành quy định xử phạt nặng người tiêu thụ thuốc lá nhập lậu, vì đó là hành vi tiêu thụ hàng cấm. Trong khi đó từ trước đến nay các quy định pháp luật chỉ xử phạt người vận chuyển, mua bán, chưa có bất kỳ chế tài nào xử phạt người sử dụng.

“Có người tiêu thụ thì phải có người cung cấp, nên nhiều năm qua không thể chấm dứt được nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới. Tôi nghĩ nếu Nhà nước xử phạt nặng từ ông buôn lậu, cung cấp bán lẻ đến người tiêu thụ thì nhiều khả năng tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới sẽ giảm rất mạnh”, ông Thực nói.

 

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiêu mới của dân buôn thuốc lá nhập lậu