Ngay cả trước chiến tranh xảy ra, Ukraine đã phải vật lộn với dịch bệnh HIV, bệnh lao và viêm gan.

Chiến tranh có thể gây ra thảm họa y tế cộng đồng ở Ukraine

Đan Thuỳ | 27/03/2022, 17:32

Ngay cả trước chiến tranh xảy ra, Ukraine đã phải vật lộn với dịch bệnh HIV, bệnh lao và viêm gan.

Hôm 25.3, một đoàn xe gồm 5 chiếc xe tải từ thủ đô Kyiv (Ukraine) đi về hướng Chernihiv, ở phía đông bắc nước này. Trên những chiếc xe có máy phát điện, quần áo, nhiên liệu và các loại thuốc cần thiết để điều trị cho bệnh nhân HIV.

Cây cầu chính dẫn đến Chernihiv đã bị phá hủy bởi pháo kích nên những người lái xe phải len lỏi dọc theo các con đường mòn với hy vọng đến nơi sớm nhất có thể để bắt đầu phân phát thuốc cho những người dân đang cần được điều trị y tế.

Các nhà tổ chức những chuyến xe viện trợ này đang gấp rút ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine biến thành một thảm họa sức khỏe cộng đồng. Họ nói rằng, xung đột có nguy cơ làm sụp đổ những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm trong toàn khu vực, làm bùng phát các dịch bệnh mới mà gần như không thể kiểm soát được.

Ukraine có số lượng người nhiễm HIV và viêm gan C cao đáng báo động, và mức độ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, bại liệt và COVID-19 ở mức thấp dẫn đến nguy hiểm. Điều kiện sống quá đông đúc và mất vệ sinh của những người tị nạn là nơi sinh sản của bệnh tả và các bệnh tiêu chảy khác, chưa kể đến các bệnh dịch đường hô hấp như COVID-19, viêm phổi và bệnh lao.

Dmytro Sherembei, người đứng đầu tổ chức 100% Life chuyên phát thuốc cho người dân Chernihiv (Ukraine) nhiễm HIV, cho biết: "Nếu không nhận được thuốc, có nhiều nguy cơ những người này sẽ chết vì không được điều trị".

screen-shot-2022-03-27-at-10.58.24.png
Thuốc men do 100% Life thu thập tại Trung tâm Y tế Kyiv - The New York Times

Anh Sherembei (45 tuổi), cho biết mình bị nhiễm HIV cách đây 24 năm. Anh là một trong số hơn 250.000 người ở Ukraine đang sống chung với HIV.

Ukraine và khu vực xung quanh cũng là tâm điểm của bệnh lao đa kháng thuốc trên thế giới. Đây là một dạng bệnh mà tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi phần lớn các loại thuốc chống lao, kể cả các loại thuốc có hiệu lực chống vi khuẩn lao mạnh như isoniazid và rifampicin.

Bộ Y tế Ukraine trong những năm gần đây đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát những dịch bệnh này, bao gồm giảm 21% số ca nhiễm HIV mới và 36% số ca chẩn đoán lao kể từ năm 2010.

Nhưng các quan chức y tế hiện lo ngại rằng sự chậm trễ trong chẩn đoán và gián đoạn điều trị do chiến tranh có thể cho phép những mầm bệnh này phát triển trở lại, với những hậu quả để lại trong nhiều năm.

"Năm ngoái, chúng tôi đã nỗ lực làm việc để phân biệt giữa các đột biến lao khác nhau. Bây giờ thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng phân biệt giữa các cuộc pháo kích từ trên không, các cuộc đột kích và các khí tài quân sự khác", Iana Terleeva, người đứng đầu các chương trình chống lao của Bộ Y tế Ukraine, cho biết trong một tuyên bố. 

Cuộc giao tranh cũng đã làm hư hại các cơ sở y tế trên khắp đất nước và gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn, khiến hàng nghìn người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và ung thư phải phụ thuộc vào sự chăm sóc y tế liên tục gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Michel Kazatchkine, cựu đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Đông Âu , cho biết: "Mọi thứ đều có rủi ro rất cao. Chúng ta nên lường trước những cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn liên quan đến các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính trong khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chiến tranh sẽ có tác động rất lớn đến các hệ thống y tế vốn đã rất mỏng manh". 

screen-shot-2022-03-27-at-10.58.37.png
Các gia đình sơ tán khỏi Chernihiv chờ lên tàu ở Kyiv để rời Ukraine - Ảnh: The New York Time 

Hơn 3 triệu người Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, hầu hết là đến Ba Lan, và gần 7 triệu người phải di tản trong nước. Các chuyên gia cho biết, những người tị nạn đang đến các quốc gia không có hệ thống y tế tốt. 

Ví dụ, Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, không đủ trang thiết bị để chăm sóc người tị nạn hoặc ngăn chặn bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Các nước như Kyrgyzstan và Kazakhstan thì phải mua thuốc và vắc xin do Nga sản xuất và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế của nước này.

Bản thân Nga cũng có nhiều người nhiễm HIV hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Âu và các lệnh trừng phạt của phương Tây có khả năng làm gián đoạn mức tài trợ vốn đã thấp cho các dịch vụ ở nước này.

Ở Ukraine, gần 1.000 cơ sở chăm sóc sức khỏe nằm gần các khu vực xảy ra xung đột hoặc các khu vực không còn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận có ít nhất 64 vụ tấn công vào các cơ sở y tế.

Các bệnh viện vẫn đang hoạt động chật vật để chăm sóc người bệnh và bị thương, và dần đang bị tê liệt do nguồn cung cấp y tế cạn kiệt, bao gồm oxy và insulin. Cacd thiết bị cứu sinh như máy khử rung tim và máy thở cũng thiếu hụt trầm trọng.

Theo WHO, hàng trăm trẻ em mắc bệnh ung thư đã phải rời bỏ nhà cửa. Xung đột vũ trang thậm chí đã làm gián đoạn việc tiêm chủng ở trẻ em.

Chỉ khoảng 80% trẻ em Ukraine được chủng ngừa bệnh bại liệt vào năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi ở Ukraine cũng quá thấp để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

screen-shot-2022-03-27-at-11.00.00.png
Tại Đại sứ quán Ukraine ở Berlin, người dân chờ đợi để được tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: The New York Times

Nhiều chuyên gia lo ngại đây là những yếu tố có thể gây nên một thảm họa sức khỏe cộng đồng. WHO và các tổ chức khác đang triển khai các đội y tế và vận chuyển vật tư, vắc xin và thuốc đến Ukraine và các nước láng giềng. Nhưng công tác viện trợ có thể không bao giờ đến được các khu vực đang xảy ra xung đột.

Trong thời gian đối phó với dịch COVID-19, chính phủ Ukraine đã bắt đầu giải ngân nguồn cung cấp thuốc điều trị HIV và bệnh lao trong 3 tháng. Nhưng nhiều người di tản từ Ukraine chỉ có thể nhận được nguồn cung cấp hạn chế các loại thuốc cần thiết để duy trì sự sống cho họ.

Elizaveta Grib (16 tuổi), đã trốn khỏi nhà ở Kyiv cùng mẹ và em trai vào ngày 28.2, 4 ngày sau khi vụ đánh bom bắt đầu. Họ đóng gói những gì có thể vào vali và lên đường bằng tàu hỏa đến Mykolaiv, một thành phố gần cảng phía nam Odessa (Ukraine).

Bệnh lao của cô Grib được chẩn đoán vào tháng 9.2020 và cô đã mang theo một số loại thuốc, nhưng không đủ để dùng lâu dài. Nếu không điều trị, bệnh của cô có thể trở nên kháng lại tất cả các loại thuộc hiện có, thậm chí có thể cướp đi mạng sống của cô.

Ít nhất 1.200 người mắc bệnh lao được cho là đã chạy khỏi Ukraine. Liên minh vì sức khỏe cộng đồng, một tổ chức phi lợi nhuận, đang giúp đỡ hơn 400 bệnh nhân như vậy ở các nước như Ba Lan và Moldova. WHO cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một kho dự trữ thuốc điều trị bệnh lao ở Ba Lan cho những người tị nạn từ Ukraine.

Nhưng hầu hết những người tị nạn là phụ nữ và trẻ em, trong khi phần lớn người Ukraine bị lao kháng thuốc là nam giới, những người phải ở lại đất nước và chiến đấu, Andriy Klepikov, Giám đốc điều hành của liên minh cho biết.

Tiến sĩ Klepikov nói: "Những gì đã đạt được trong 20 năm có thể bị phá hủy trong vài ngày. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra".

screen-shot-2022-03-27-at-10.58.58.png
 Hàng viện trợ nhân đạo được chất lên một chuyến tàu ở Lviv để đến Dnipro - Ảnh: The New York Times 

Hơn 1/4 trường hợp nhiễm HIV mới ở Ukraine xảy ra trong số khoảng 350.000 người tiêm chích ma túy của nước này. Trước chiến tranh, các chính sách của Ukraine về giảm thiểu tác hại đã cho phép hơn 17.000 công dân của nước này được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Nhu cầu điều trị đã tăng lên khi việc tiếp cận với ma túy đã giảm trong lúc chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện nay dự trữ thuốc thay thế các chất dạng thuốc phiện như methadone và buprenorphine khó có thể tồn tại quá một đến hai tuần.

Vì vậy, WHO và các tổ chức phi lợi nhuận khác đang yêu cầu tài trợ thuốc từ Cộng hòa Czech, Áo và các quốc gia khác. Quỹ Toàn cầu, một tổ chức y tế toàn cầu đã cung cấp hơn 3 triệu USD để phục vụ phương pháp điều trị này trong năm tới.

Một số chuyên gia lo ngại rằng nếu lực lượng Nga áp đảo, những người sử dụng ma túy ở Ukraine sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Liệu pháp thay thế như Methadone là bất hợp pháp ở Nga. Trong vòng 10 ngày kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã đóng cửa tất cả các trung tâm cấp phát Methadone, dẫn đến những trường hợp tử vong do sử dụng quá liều và tự tử.

Tiến sĩ Kazatchkine nói: "Bạn không thể ngừng các phương pháp điều trị này từ ngày này sang ngày khác". 

Tetiana Koshova, điều phối viên khu vực tại Kyiv của Mạng lưới Phụ nữ Sử dụng Ma túy Ukraine, cho biết phụ nữ sử dụng ma túy phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử đặc biệt từ các tổ chức nhà nước và tổ chức y tế.

Trước chiến tranh, tổ chức này đã giúp đỡ từ 50-70 phụ nữ mỗi tháng, nhưng hiện nay con số đó đã tăng lên gấp đôi.

Koshova được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2006 ở tuổi 27. Cô  cho biết mình vô cùng lo lắng về sự sẵn có của thuốc điều trị HIV khi cuộc chiến tiếp diễn. Mặc dù các kho hàng vẫn còn dự trữ thuốc kháng vi rút, nhưng "tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào, vì tên lửa bay đến bất cứ đâu và phá hủy mọi thứ". 

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh có thể gây ra thảm họa y tế cộng đồng ở Ukraine