Tôi vừa dự họp mặt đoàn “Đoàn Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 1984” (CSNĐB 84) lần thứ 39 về. Dù chưa đông như mong đợi nhưng tinh thần vẫn trọn vẹn. Nhiều người không dự được, tiếc hùi hụi, đành xem hình và clip rồi tưởng tượng thêm. Hẹn nhau từ 11 giờ - 14 giờ nhưng 15 giờ mới chia tay, sau khi rôm rả bàn kế hoạch lớn “Họp mặt CSNĐB 84” tại Điện Biên Phủ (ĐBP) nhân kỷ niệm 40 năm chuyến đi lịch sử 102.

Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 84 và chuyến đi lịch sử 102

Nguyễn Văn Mỹ (Út Huy) | 18/06/2023, 17:30

Tôi vừa dự họp mặt đoàn “Đoàn Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 1984” (CSNĐB 84) lần thứ 39 về. Dù chưa đông như mong đợi nhưng tinh thần vẫn trọn vẹn. Nhiều người không dự được, tiếc hùi hụi, đành xem hình và clip rồi tưởng tượng thêm. Hẹn nhau từ 11 giờ - 14 giờ nhưng 15 giờ mới chia tay, sau khi rôm rả bàn kế hoạch lớn “Họp mặt CSNĐB 84” tại Điện Biên Phủ (ĐBP) nhân kỷ niệm 40 năm chuyến đi lịch sử 102.

Nguồn cơn chuyến đi

Đầu 1984, Thiếu nhi TP.HCM tổ chức chủ đề “Em là Chiến sĩ Điện Biên – Mỗi trường làm một Điện Biên” do Thành Đoàn phát động. Từng giai đoạn tương ứng với chiến dịch ĐBP năm xưa. Các em thi đua diệt giặc dốt, đánh giặc lười, giặc vô kỷ luật; chiến công là điểm 10 học tập. Mỗi trường học là một “Mặt trận”; thầy trò hóa thân, biên chế thành các “Đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn…”

hinh-anh-1.jpg

Tin “Chiến thắng” dồn dập. “Bộ Tư lệnh”, cập nhật số liệu hàng ngày. Các em trực tiếp gặp các nhân vật lịch sử như Trung tá Hoàng Đăng Vinh (1935 – 2019, trước khi mất là Đại tá, Anh hùng LLVT), người bắt sống tướng De Castries ở Điện Biên Phủ năm 1954; Trung tá Lưu Trọng Lân (1927 – 2022), đại đội phó của Anh hùng Tô Vĩnh Diện; với nhiều câu chuyện và tư liệu sống về ĐBP.

Kết quả vượt ngoài mong đợi. Bộ Tư lệnh chiến dịch ĐBP 84 của thành phố giữ đúng lời hứa “Các chiến sĩ xuất sắc nhất sẽ ra thăm ĐBP”. Lúc đó, các tỉnh phía Bắc sau khi đánh bại cuộc chiến xâm lược tháng 2.1979 còn ngổn ngang khó khăn, chiến tranh vẫn âm ỉ. Thiếu thốn đủ thứ, nhất là gạo. Có lãnh đạo bàn lui “Miền Bắc đang găp khó, làm sao tiếp đoàn?”.

hinh-anh-2.jpg

Các CSNĐB 84 lâp tức quyên góp 6 tấn gạo, thừa sức ăn cả tháng và cứu trợ biên giới. Thêm mấy tấn học cụ giúp thiếu nhi các tỉnh phía Bắc. Có 102 thành viên, được tuyển chọn từ các trường THCS (chỉ huy Đội xuất sắc), PTTH (Đoàn viên ưu tú), các Phụ trách Đội (PTĐ) quận huyện, giáo viên công tác Đoàn. Trưởng đoàn là anh Nguyễn Quí Cáp, Phó Chủ tịch Hội Đồng Đội TP.

Sáng sớm ngày 19.6, đoàn thuê hẳn 2 toa ghế ngồi, tạm biệt thành phố. Gạo, học cụ, hàng hóa chất đầy 2 toa, nhét từ dưới ghế, tràn ra cả lối đi, có người trong đoàn canh gác cẩn mật. Lần đầu đi xe lửa, nhiều thành viên náo nức, cả đêm không ngủ. Cái gì cũng mới lạ. Từ việc ăn uống, ngủ, vệ sinh… Vui nhất là “tắm” tốc hành khi tàu dừng ở ga. Phải nhanh chân lẹ tay, mua ngay thau nước chừng 3 – 4 lít. Nhúng khăn, lau sơ cho đỡ nóng và ngứa!

hinh-anh-3.jpg

Tàu chạy 3 ngày (59 giờ) mới tới Hà Nội. Gần tới ga Hàng Cỏ, trời vừa hửng sáng, giành nhau chồm ra cửa xem mặt mũi Thủ đô. Chút lơ đểnh đáng yêu giúp tên đạo chích cuỗm ngay túi đồ của em Phương Thảo. Báo hại, cả đoàn phải chia sẻ đồ, ra chợ mua thêm đồ mới.

Rộn ràng Hà Nội và gian nan chuẩn bị đi Điện Biên

Đồng phục chính là áo hồng tươi, cánh tay trái có phù hiệu Bến Nhà Rồng màu hồng, cách điệu trong trái tim màu đỏ, bê rê đỏ. Đoàn đóng bản doanh tại trường Đội Lê Duẩn, Hà Nội. Họp báo, có phóng viên hỏi các em về logo của đoàn. Đang bí, vì quên sinh hoạt với các thành viên thì em Vương Ngọc Lan (quận 1, hiện là PGS.TS. BS Y khoa) đứng dậy chỉ vào logo trên tay mình trả lời “Thưa các anh chị, Bến Nhà Rồng là biểu tượng của TP, hình trái tim mang ý nghĩa Sài Gòn - TP.HCM trong trái tim cả nước”. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng.

Đoàn có nhiều hoạt động như giao lưu với Trung tá Phùng Văn Khầu (1930 – 2021, pháo binh Điện Biên, Anh hùng LLVT, sau này là đại tá), viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan nhà sàn, chùa Một Cột; gặp gỡ lãnh đạo TW Đoàn, Hà Nội… Tới đâu cũng được tiếp đón nồng nhiệt, thân tình. Ai cũng ngạc nhiên vì số lượng đoàn đi hơn trăm người. Càng ngỡ ngàng khi biết đoàn sẽ lên thăm ĐBP.

hinh-anh-4.jpg

Trừ bác Vũ Kỳ (1921 – 2005, thư ký Chủ tịch Hồ Chí Minh) và anh Lưu Minh Trị, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội động viên, ủng hộ; còn lại đều bàn ra, phản đối vì đủ thứ lý do nguy hiểm. Từ nào tới giờ, 30 năm sau chiến thắng, chưa có đoàn thể nào lên thăm ĐBP. Duy nhất Tỉnh Đoàn Sơn La có lên tới Tuần Giáo, dưới chân đèo Pha Đin. Lần này, cả trăm thiếu nhi, từ Sài Gòn xa xôi, tính lên ĐBP.

Lãnh đạo đoàn có phần nao núng. Tính thuê máy bay riêng (ngày nay gọi là charter) nhưng không được. Dò hỏi người quen, mới hay mỗi tuần có 2 chuyến xe Hải Âu từ Hà Nội đi ĐBP và ngược lại, vẫn thường xảy ra tai nạn. Đoàn quyết tâm thuê xe Hải Âu với suy nghĩ “Dân đi được, đoàn đi được”.

Can không được, họ hù “Có chuyện gì, mấy anh phải chịu kỷ luật”. Bực quá, tôi hơi hỗn “Dạ, nếu có gì (ý nói tai nạn), tụi em chắc gì còn mà kỷ luật”. Tôi nói cứng như vậy vì mới chuyển ngành về lại Thành Đoàn sau 4 năm chinh chiến ở Campuchia, có lần suýt bị bắt sống. Chuyện xe xong, tới chuyện người. Xe Hải Âu màu vàng thời đó có 32 ghế. Ngồi chen, thêm được 4 chỗ.

hinh-anh-5.jpg

Đoàn 102 người, phải tách thành hai. Đi ĐBP, mỗi quận huyện chọn 1 CSNĐB (24), cộng thêm lãnh đạo đoàn (2), Phụ trách Đội quận huyện (6), báo chí (4). Có đơn vị phải rút thăm để chọn người. 36 đi Điện Biên do anh 5 Hiền (Nguyễn Quí Cáp) và anh Út Huy (Nguyễn Văn Mỹ) phụ trách. 66 đi Hạ Long đo cô Tăng Thùy Dương và chị Đoái Ngọc Ánh phụ trách. Giống như sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, chỉ khác là “cha” dẫn 36 con lên núi, “mẹ” đưa 66 con xuống biển.

Hà Nội – ĐBP thời đó 495km nhưng phải đi 3 ngày 2 đêm. Nhờ người dân tham mưu, đoàn đi ĐBP chọn 4 PTĐ thiện chiến nhất do anh Dương Thành Truyền (quận 10) làm tổ trưởng; cùng Dương Kiếm Hùng (quận 5), Nguyễn Tấn Trường (Củ Chi) Phạm Huy Chương (Bình Chánh) đi tiền trạm, chuẩn bị ăn ở cho mấy chục người. Dọc đường tiền trạm, 1 ngươi ở lại Mộc Châu (218km), 1 người ở lại Thuận Châu (152km), 2 người lên ĐBP (125km), sắp xếp chương trình. Thời đó, huyện nào cũng có nhà nghỉ cho cán bộ đi công tác.

Sáng sớm 24.6, đoàn đi ĐBP rời thủ đô. Tự dưng trời mưa nhẹ, như nắn gân mọi người. Đương cực xấu, xe xóc hơn cưỡi ngựa. Có đoạn phải xuống cho xe qua ngầm. Bù lại, cảnh đẹp vô đối, trùng điệp núi rừng, quanh co uốn lượn, bảng lảng sương mù. Cả đoàn hát vang trời đất, đùa giỡn rền xe, mệt quá thì gà gật chứ không ngủ được vì xe xóc.

hinh-anh-6.jpg

Ăn trưa là cơm vắt, bánh mì. Tới nơi “thịnh soạn” tắm rửa ăn ngủ. Chỗ nào cũng đón tiếp hơn cả thượng khách. Lượt đi, tham quan nhà tù Sơn La. Lên tới ĐBP, loa phát thanh phá lệ, chưa đến giờ nhưng thông báo cho cả tỉnh biết có đoàn khách VIP nhỏ đến từ Sài Gòn. Bản làng náo động, nhộn nhịp đón tiếp, giao lưu. Lần đầu tiên, ĐBP đón người miền xuôi, vượt gần 2.500km về thăm. Bao nhiêu tình cảm không thể diễn tả.

Đoàn lần lượt viếng nghĩa trang liệt sĩ, Đồi A1, Đồi Him Lam, cánh đồng và cầu Mường Thanh, hầm De Castries… Mùa hè, hoa ban vẫn đợi khách quí. Lúc đó, đồi A1 còn nguyên ven dấu tích với nhiều vật chứng như nón sắt, bi đông lính Pháp. Đứng trên nóc hầm tướng De Castries phất cờ Đội, các CNNĐB 84 trào dâng cảm xúc, ngỡ như đang mơ. ĐBP thời đó còn rất nghèo nhưng rất giàu nghĩa tình và cực kỳ hiếu khách.

Họa sĩ Văn Giáo (1906 – 1996) xong công tác ở ĐBP, đang tính về Hà Nội nên đoàn mời đi chung. Nhờ sự giới thiệu của họa sĩ, đoàn có buổi giao lưu đầy ấn tượng với Anh hùng Lao động Hồ Giáo (1930 – 2015) tại nông trường Chè Mộc Châu; tham quan dây chuyền vắt sữa hiện đại nhất thời đó, thưởng thức các đặc sản sữa…

Về lại Hà Nội, hai đoàn nhập chung, tham quan các tỉnh phía Bắc. Tôi được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thành phố tham dự Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điên Biên toàn quốc từ ngày 2.7.1984. Đến 18.7 mới về lại thành phố sau 29 ngày tạm xa. Đòan trở về thành phố với hành trang đầy ắp kỷ niệm, trên cả tuyệt vời. Các đơn vị tổ chức gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện truyền lửa, chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày 30.4.1975 – 1985.

39 năm sau

Các anh chị phụ trách đã qua tuổi nghỉ hưu nhưng nhiều người vẫn bận rộn công việc. Các em đều trưởng thành, có em là PGS, TS. Dù ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, cả ở nước ngoài, tất cả đều là công dân tốt. Tinh thần CSNĐB 84 vẫn tỏa sáng, tiếp tục đồng hành. Hàng năm, các em đều họp mặt, ôn lại kỷ niêm xưa, thay lời muốn nói, nhắc nhau sống tốt hơn.

Kỷ niêm 30 năm (2014), các em hỏi tôi “Làm sao các anh chị lúc đó dám liều lĩnh tổ chức chuyến đi lịch sử như vậy”. “Anh cũng không biết tại sao. Chỉ tin là mình làm đúng. Đã hứa là phải làm bằng được”. Trong số 102 người có 4 người đã mất vì bệnh là Luật sư Vĩnh An (Đài Truyền hình TP), anh Dương Kiếm Hùng (quận 5), anh Dư Đạm Chu (Củ Chi) và em Quốc Trị (quận 1).
Tôi được các em giao làm tour “Trở lại cung đường xưa” (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – ĐBP) vào hè 2024. Không phải bằng tàu hỏa và xe Hải Âu mà bằng máy bay và xe đời 2022 đi đường cao tốc. Lần này không giới hạn số lượng 36 và cả 102 cùng người thân. Ai gặp khó khăn tài chính, cả đoàn cùng tương trợ. Tôi sẽ trực tiếp làm hướng dẫn viên.

Chuyến đi 102 (các em bảo là "có một không hai") 1984 với tôi là bước ngoặt. Lần đầu tổ chức tham quan kiểu “điếc không sợ súng”. 10 năm sau, tôi tập tành làm du lịch chuyên nghiệp, dạy du lịch, đi nhiều nước với hàng ngàn hành trình nhưng chưa có chuyến đi nào ghi dấu ấn sâu sắc như ĐBP hè 1984 với PTĐ và thiếu nhi TP.HCM.

Bài liên quan
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những chiến công chói lọi, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 trong lịch sử dân tộc; là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 84 và chuyến đi lịch sử 102