Gần đây ngày càng có nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh. Với đại dự án “Một vành đai, một con đường” (BRI - Bell and Road Initiative) đi qua nhiều nước mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ra sức quảng bá, dự đoán sẽ có thêm nhiều nước mắc vào chiếc bẫy này.

Chiến lược 'ngoại giao bẫy nợ' của Trung Quốc

29/01/2018, 20:44

Gần đây ngày càng có nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh. Với đại dự án “Một vành đai, một con đường” (BRI - Bell and Road Initiative) đi qua nhiều nước mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ra sức quảng bá, dự đoán sẽ có thêm nhiều nước mắc vào chiếc bẫy này.

Cảng nước sâu Hambantota ở Ấn Độ Dương. Do không trả được lãi vay của Trung Quốc, Sri Lanka buộc phải nhượng cho Bắc Kinh quyền sử dụng hải cảng này 99 năm - Ảnh: Wikipedia

Câu chuyện Sri Lanka

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để “cấn trừ” bớt khoản nợ mà nước này đã vay để phát triển khu vực hẻo lánh này.

Khác với chuyện vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những món vay từ Trung Quốc luôn phải được thế chấp bằng những tài sản quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và có giá trị cao trong dài hạn, dù trước mắt có thể không sinh lợi; mỏ khoáng sản và cảng biển là hai loại tài sản thế chấp được ưa chuộng nhất.

Khi Sri Lanka không trả được nợ mà phải “cấn trừ” bằng cảng nước sâu Hambantota thì Trung Quốc mừng như bắt được vàng vì cảng Hambantota có giá trị chiến lược rất lớn, nó nằm ngay giao điểm các con đường giao thương hàng hải từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông sang Đông Nam Á; khoảng 80% lượng dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông phải đi ngang qua vùng biển này trước khi vượt eo biển Malacca vào biển Đông. Sau khi thuê được cảng Hambantota, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp lớn ở bên cạnh, tạo thành một “bàn đạp” chính trong chương trình Con đường tơ lụa trên biển vươn tới châu Phi và châu Âu.

Câu chuyện bắt đầu năm 2009, sau khi đập tan phe nổi loạn Hổ Tamil, Tổng thống Mahinda Rajapaksa quyết định đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ để phát triển vùng Hambantota hẻo lánh - một thị trấn chỉ có 11.000 dân nằm ở cực Nam của đảo quốc và là quê hương của ông tổng thống. Khi các định chế tài chính quốc tế từ chối tài trợ, ông Rajapaksa đã tìm đến Trung Quốc - một nước sẵn sàng cho vay mà không quan tâm tới mức độ tham nhũng của nước đi vay. Đồng tiền vay được một phần chảy vào túi các quan tham, một phần đổ vào xây dựng sân bay quốc tế Hambantota - sân bay vắng vẻ nhất thế giới; vào hải cảng Hambantota - hải cảng không có tàu đến, và vào một sân thi đấu môn cri-kê (cricket) hoành tráng.

Tất cả các công trình này - giới kinh doanh gọi là dự án “bạch tượng” (white elephant projects), đều không hiệu quả, không tạo ra lợi nhuận để thanh toán lãi vay. Chính phủ mới của Sri Lanka lên cầm quyền năm 2015 thừa kế một núi nợ từ chính phủ tiền nhiệm, đã cam kết bằng mọi cách làm giảm nợ; quyết định cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm là một giải pháp bất đắc dĩ. Tiền cho thuê được khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ, vẫn chưa đủ bù cho số nợ vay để phát triển khu vực này; chưa kể ngoài khu vực Hambantota, Sri Lanka còn nợ Trung Quốc khoảng 7 tỉ đô la nữa, chưa biết lấy gì để trả.

Và chiến lược “ngoại giao bẫy nợ”

Câu chuyện Hambantota ở Sri Lanka được nói tới nhiều như một bài học về hậu quả nợ nần sinh ra từ việc vay vốn của Trung Quốc. Nó đồng thời minh họa cho một chiến lược mới của Trung Quốc: cho các quốc gia nghèo vay những khoản nợ lớn theo những điều kiện có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh không quan tâm tới tình trạng của nước đi vay; thậm chí không đoái hoài tới tác động môi trường, tác động xã hội hoặc hiệu quả kinh tế của các dự án vay nợ; chỉ cần con nợ phải trả theo lãi suất thương mại, trả nợ bằng tài nguyên thiên nhiên, bằng cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp sở tại hoặc quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc phải do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, bằng nguyên vật liệu và nhân công Trung Quốc. Rất nhiều dự án như vậy - những con đường không dẫn tới đâu, những trụ sở chính quyền to lớn - sinh ra những núi nợ, lãi mẹ đẻ lãi con không thể nào trả nổi, khiến cho những nước vay nợ dễ dàng rơi vào vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, đánh mất chủ quyền về kinh tế và đối ngoại.

Chuyên gia Brahma Chellaney, nhà phân tích Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi của Ấn Độ, trong một bài bình luận trên trang Project Syndicate đã ví chuyện Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm với chuyện triều đình Mãn Thanh phải nhượng Hương Cảng cho đế quốc Anh sử dụng 99 năm, sau thất bại trong Chiến tranh Nha phiến giữa thế kỷ 19. “Cũng như các đế quốc châu Âu sử dụng ngoại giao pháo hạm trước kia, Trung Quốc đang sử dụng nợ công để uốn nắn các nước khác theo ý muốn của họ”, ông Chellaney viết.

Báo The Straits Times của Singapore số ra ngày 19.1.2018 nói rõ hơn: “Bằng cách làm cho các quốc gia trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt tài chính, chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” (debt-trap diplomacy) tỏ ra rất hiệu quả trong việc cho phép Bắc Kinh cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu chỉ thông qua các phương tiện kinh tế đơn thuần: xác lập thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, bảo đảm sự ủng hộ của nước vay nợ cho những lợi ích địa chiến lược của Bắc Kinh và giành lợi thế so sánh so với các đối thủ cạnh tranh như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Úc”.

Bài học cảnh giác

Câu chuyện Sri Lanka không phải là trường hợp cá biệt. Theo chuyên gia Chellaney, từ Argentina tới Namibia tới Lào, nhiều nước đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, buộc họ phải đối mặt với những sự lựa chọn đau đớn để tránh bị phá sản. Món nợ từ Trung Quốc đang đe dọa buộc Kenya phải nhượng cho Bắc Kinh hải cảng sầm uất Mombasa - cánh cửa vào vùng Đông Phi rộng lớn - một trường hợp Hambantota ở châu Phi.

Năm ngoái, Djibouti - một nước nhỏ ở vùng Sừng châu Phi từng vay của Trung Quốc hàng tỉ đô la mà không trả nổi đã phải đồng ý cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình - căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.

Pakistan là một trường hợp rất đáng chú ý. Chặng đầu tiên trong đại dự án BRI mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “dự án thế kỷ” là dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), gồm rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, nhà máy điện, hải cảng... từ Tân Cương (Trung Quốc) kéo dài 3.200 ki lô mét, tới cảng nước sâu Gwadar trên bờ vịnh Oman thuộc Pakistan nhưng gần eo biển Hormuz của Iran.

Trung Quốc cam kết đầu tư và cho vay 62 tỉ đô la để thực hiện các dự án thuộc CPEC, kỳ vọng hành lang này sẽ bảo đảm cho hàng hóa và năng lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển thông suốt, giảm chi phí mà không phải phụ thuộc vào con đường biển độc đạo qua eo biển Malacca có thể bị hải quân Mỹ phong tỏa bất cứ lúc nào. Năm ngoái, Trung Quốc đã đạt được hợp đồng thuê cảng nước sâu Gwadar trong 40 năm và bắt đầu đẩy mạnh các dự án thuộc CPEC khi quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ có dấu hiệu căng thẳng gần đây.

Tuy nhiên, mới tháng trước, Pakistan quyết định rút lui khỏi một dự án thủy điện có vốn đầu tư tới 14 tỉ đô la nằm trong Hành lang CPEC vì không chấp nhận những điều kiện vay vốn quá khắc nghiệt mà phía Trung Quốc đưa ra và lo ngại Pakistan sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Cả WB và IMF đều cảnh báo, những món vay của Trung Quốc với lãi suất lên tới 7%/năm có thể gây nguy hiểm cho nền tài chính Pakistan và sẽ buộc nước này phải xin cứu nguy (bailout) từ các định chế tài chính quốc tế.

Nhưng một lần nữa Trung Quốc lại gặp may. Quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump “treo lại” các khoản viện trợ cho Pakistan trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ, làm mối quan hệ Mỹ-Pakistan xấu đi đột ngột, chắc chắn sẽ đẩy Islamabad lún sâu hơn vào ảnh hưởng của Bắc Kinh và giúp Trung Quốc có thêm lợi thế để triển khai chiến lược ngoại giao bẫy nợ đến các nước khác trong vùng. Ngay sau khi quyết định của Mỹ, ngân hàng trung ương Pakistan đã tuyên bố bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư song phương và đại sứ Trung Quốc ở Pakistan tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trong Hành lang CPEC.

Ông Chellaney ví chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc như một nắm đấm thép bọc nhung. Những trường hợp kể trên, mà tiêu biểu là Sri Lanka, là lời cảnh báo về nguy cơ rơi vào bẫy nợ, về tầm quan trọng của việc xem xét chi phí thực sự trong làm ăn với Trung Quốc.

Theo Huỳnh Hoa/ thesaigontimes.vn

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược 'ngoại giao bẫy nợ' của Trung Quốc