Trước khi được đọc “Chia sẻ từ trái tim” của Sa Môn Thích Pháp Hòa, tôi từng nghe nhiều pháp thoại của thầy, và luôn bị cuốn hút bởi những chia sẻ giản dị, mộc mạc mà vô cùng thông tuệ. Đó là những pháp thoại cho ta cảm nhận về một người luôn sẻ chia với đại chúng - như cách gọi của thầy - bằng cả tấm lòng kiên trì, nhẫn nại, khiêm cung đưa đạo vào đời.
Văn hóa

'Chia sẻ từ trái tim': Một cách đưa đạo vào đời bình dị mà thông tuệ

Hạ Vĩ 31/07/2024 10:43

Trước khi được đọc “Chia sẻ từ trái tim” của Sa Môn Thích Pháp Hòa, tôi từng nghe nhiều pháp thoại của thầy, và luôn bị cuốn hút bởi những chia sẻ giản dị, mộc mạc mà vô cùng thông tuệ. Đó là những pháp thoại cho ta cảm nhận về một người luôn sẻ chia với đại chúng - như cách gọi của thầy - bằng cả tấm lòng kiên trì, nhẫn nại, khiêm cung đưa đạo vào đời.

Khiêm cung “đi dạo” cùng đại chúng

Qua những bài giảng, bài nói chuyện của thầy Pháp Hòa, đạo Phật không phải là những tư tưởng gì cao siêu, xa vời, mà thật gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành. Đọc, nghe thầy giảng, ngó sang người chung quanh và nhìn lại bản thân mình, tự nhiên ta giật mình nhận ra đâu cũng là Phật pháp. Giật mình nhận ra, mọi thứ mình đều có thể tu, chỉnh cho tốt đẹp hơn, tích cực hơn, thiện lành hơn. Từ cách ứng xử, nói năng giữa vợ chồng, con cái trong gia đình với nhau, đến những hành xử trong công việc, giao tiếp trong xã hội và những việc lớn lao hơn. Và cũng qua đó, hiểu về Phật pháp một cách đúng đắn, “chân như” hơn; thấy sự hòa quyện hơn giữa đạo và đời.

Điều dễ cảm nhận là thầy Thích Pháp Hòa luôn tìm cách diễn đạt sao cho gần gũi nhất, sống động nhất, dễ hiểu, dễ thực hành nhất các tư tưởng, khái niệm, phương pháp hành trì… của đạo Phật với đại chúng. Ví dụ như cách thầy nói: “Bạn có thể không có căn cơ thực hành một hạnh từ giải thoát nhưng hoàn toàn có thể tu tập để làm một người lương thiện, làm đẹp bản thân và làm đẹp cuộc đời”.

Đọc Chia sẻ từ trái tim, bạn sẽ nhận ra một phong cách Thích Pháp Hòa: thông tuệ, khiêm cung, dung dị, gần gũi và hài hước. Thầy nói đạo, nhưng luôn dẫn nhập bằng những câu chuyện đời. Thầy dẫn ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, đọc thơ… miễn sao mọi người thấy vui, thấy dễ hình dung, dễ nhập tâm.

1tg-chia-se-tu-trai-tim.jpg

Từ chuyện đời, thầy nói đạo. Rồi từ đạo, thầy đưa ra các pháp để tu sửa cuộc đời. Ai nghe cũng thấy bóng dáng mình trong đó, cũng thấm thía, cũng sáng ra. Dễ nhận ra sự tận tụy của thầy Thích Pháp Hòa trong truyền pháp. Dễ thấy trong lúc giảng pháp, thầy như trao truyền cả sự an lạc, không phải cho một cuộc nói pháp, mà cho cả một cuộc “đi dạo”, “thiền hành” cùng đại chúng qua trăm nẽo khổ đau của cuộc đời để tìm về cội nguồn hạnh phúc.

Nói về khổ, thầy Pháp Hòa chỉ ra “Một trong những bản chất của cuộc sống mà chúng ta gặp hàng ngày là khổ”. Thầy giải thích “Cái này là lẽ tự nhiên. Những gì không như ý chúng ta đều làm chúng ta buồn khổ - tất cả những cái đó, đạo Phật qui thành một khái niệm gọi là khổ”. Rồi thầy khai thị “Cũng có người thắc mắc rằng đạo Phật hơi bi quan, tối ngày nói khổ, nhưng thưa đại chúng đạo Phật thật ra không bi quan mà rất lạc quan. Chính vì lạc quan nên đạo Phật dám chỉ thẳng vào cái mà con người sợ hãi. Dù sợ hãi, không mong muốn, vẫn phải đối diện với nó - với khổ”.

Thầy Thích Pháp Hòa nêu cụ thể các loại khổ. Ví dụ “nhân khổ”: là cái khổ khi chính chúng ta tạo ra nhân. Hay một cái khổ khác là “cầu tài vị khổ”. Nếu không thực tập được cái gọi là “ít muốn, biết đủ”, chúng ta có thể vì tiền mà khổ…

Cứ thế, thầy Thích Pháp Hòa nêu ra đủ loại khổ của đời người mà nếu không thấy căn nguyên thì không tìm ra “thuốc” chữa. Để từ đó, đi đến một chia sẻ: lấy bệnh khổ làm thuốc thần. Lấy tất cả mọi vướng vấp trong cuộc đời này làm kinh nghiệm để chúng ta sống và chúng ta vượt.

Tất cả đều là Phật pháp

Cũng nói về nhân, quả, nghiệp nhưng các pháp thoại của thầy Thích Pháp Hòa cho ta thêm nhiều chiêm nghiệm mới mẻ. Theo thầy, nhân quả không phải là một giáo lý của đạo Phật mà là một đạo lý tự nhiên đúng với mọi người, mọi vật trên thế gian này. Đức Phật là người đã tư duy, quán chiếu và nhận thấy trên đời này có một qui luật gọi là nhân quả. Nhân là những gì chúng ta làm. Quả là những gì chúng ta hưởng hay nhận. Nghiệp là những việc chúng ta làm thành thói quen. Nếu không chánh niệm, chúng ta có thể tạo nghiệp xấu. Còn nếu đủ chánh niệm, chúng ta tạo nghiệp tốt. Người theo Phật hay không theo Phật đều bị chi phối bởi nghiệp.

Thầy nói, trong chùa thường có câu “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Và điều mà thầy muốn chia sẻ với đại chúng là: nghiệp báo, nhân quả không do ai đặt ra; không phân biệt người tin Phật hay không tin Phật. Mọi người đều sống bằng cái nghiệp của mình và mọi người đều bị nhân, quả, nghiệp chi phối. Không tin nhân quả anh cũng sống trong nhân quả. Nhưng nếu tin có nhân quả, anh sẽ cố gắng tạo nhân tốt để hưởng quả tốt. Còn nếu tin Phật mà không tin vào nhân quả, anh vẫn sẽ làm việc xấu. Dù lạy Phật, cúng Phật hay xây tượng Phật, anh vẫn phải trả quả như thường. Chứ không phải mình làm gì cho Phật rồi Phật cứu vớt mình. Còn muốn chuyển nghiệp thì phải tu. “Tu là cả một quá trình. Mỗi ngày chúng ta nhận diện những cái nghiệp để chuyển. Vậy thôi chứ có gì lạ đâu”.

1tg-chia-se-tu-trai-tim_2.jpg

Thầy Thích Pháp Hòa nhắn nhủ: đại chúng hãy nhớ là con người chúng ta ai cũng có lúc phạm lỗi… Cho nên nhà Phật chúng ta muốn chuyển pháp. Là đem pháp thiện chuyển hóa pháp xấu.

Luôn cố gắng đơn giản, dễ hiểu, nhưng nhiều lúc trong chia sẻ của thầy Thích Pháp Hòa có những tầng sâu mà người đọc không thể không nghiền ngẫm. Khi nói “tất cả đều là Phật pháp”, thầy bắt đầu câu chuyện về xe, về vị bình đẳng đối với tất cả các thừa. Để đi đến dẫn giải: tu theo Phật giáo không có tông phái gì hết. Mình chia tông phái chứ Phật không có chia… Tất cả mọi phương pháp đều là phương tiện giúp mình giải thoát, chứ không phải mình tu để sanh thêm ràng buộc.

Thầy cũng dẫn lời của ngài Ấn Quang để minh chứng điều mình muốn thuyết pháp: “Thuốc không phân biệt hay dở, uống lành bệnh là thuốc hay. Pháp không phân biệt cao thấp, chữa được tâm bệnh chúng sanh là pháp tốt”.

Nếu quan tâm những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, bạn có thể đọc tới lui các nội dung như: tha thứ, hoan hỉ, buông xả, thực tập các hạnh lành, cách báo ơn cha mẹ, đối xử với con cái, vợ chồng, đạo thầy trò, lòng biết ơn, vai trò của người lãnh đạo…

Thế mạnh của thầy Thích Pháp Hòa là nói bằng ngôn ngữ của số đông đại chúng, giải đáp được những vấn đề mà nhiều người thời nay đang gặp phải. Không chỉ thuyết pháp, giải đáp, thầy còn tỉ mỉ chỉ dẫn Phật tử cách ứng dụng Phật pháp vào đời sống. Nhìn mọi khó khăn trong cuộc sống bằng một năng lượng bình an và đầy yêu thương.

Vì vậy, có thể nói Chia sẻ từ trái tim của thầy Thích Pháp Hòa đến với người đọc trong thời điểm hiện nay như một dòng nước trong, một luồng gió mát, một năng lượng tích cực, thiện lành và đầy bình an.

“Chia sẻ từ trái tim” gồm 4 phần: Dấu ấn đạo Phật, Tấm lòng rộng lớn, Thực tập hạnh lành, Đạo Phật và đời sống, với 50 bài viết, chọn lọc từ rất nhiều bài pháp thoại của thầy Thích Pháp Hoà với Phật tử trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chia sẻ từ trái tim': Một cách đưa đạo vào đời bình dị mà thông tuệ