Thực tiễn cho thấy, nhiều khi các biện pháp chống dịch COVID-19 chưa theo chỉ dẫn của y học mà tuân theo các mệnh lệnh hành chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận ra bất cập này và yêu cầu phải coi kiến thức y học là chìa khóa cốt lõi cho thành công của công tác chống dịch.

Chìa khóa để chống dịch thành công

PGS.TS.BS. Nguyễn Hữu Toàn | 07/10/2021, 11:46

Thực tiễn cho thấy, nhiều khi các biện pháp chống dịch COVID-19 chưa theo chỉ dẫn của y học mà tuân theo các mệnh lệnh hành chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận ra bất cập này và yêu cầu phải coi kiến thức y học là chìa khóa cốt lõi cho thành công của công tác chống dịch.

Các biện pháp bảo vệ cá nhân

Vắc xin có vai trò quan trọng để bảo vệ người dân. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, theo chỉ dẫn của cơ quan y tế. Vắc xin giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và lây cho người khác. Khi không may nhiễm bệnh thì người đã tiêm sẽ ít có triệu chứng và ít có nguy cơ tử vong. Hạn chế của vắc xin là hiệu quả bảo vệ có giới hạn, một số người có chống chỉ định tiêm và nguy cơ vi rút tạo các biến thể mới, ít đáp ứng với vắc xin. Vì vậy, phải kết hợp với các biện pháp khác để đạt hiệu quả cao hơn.

5K là biện pháp hữu ích để bảo vệ cá nhân trong giao tiếp xã hội. Thực tế cho thấy năm ngoái chưa có vắc xin nhưng nhờ thực hiện 5K mà cộng đồng khá an toàn trước mấy đợt dịch bùng phát. Hiện nay, dù hầu hết người dân được tiêm vắc xin đầy đủ thì 5K vẫn không thể thiếu.

Khi ở nơi công cộng, nếu người dân đã được tiêm vắc xin đầy đủ và áp dụng tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất thấp. Vì thế, cần có quy định bắt buộc như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Tuy nhiên, 5K không đủ khả năng bảo vệ khi vi rút lây qua đường không khí. Để giảm thiểu nguy cơ này, sử dụng các loại mũ trùm đầu có tấm chắn kèm khẩu trang có thể hữu ích khi ta đi trên máy bay, trên xe khách, trong lớp học hay trong rạp hát...

deokhautrang.jpg
Dù có được tiêm vắc xin đầy đủ vẫn phải áp dụng tốt 5K để tránh nguy cơ lây nhiễm

Cách ly người nghi nhiễm

Người đang nghi nhiễm SARS-CoV-2 cần được cách ly để tránh lây cho người khác trong thời gian chờ xác định chẩn đoán. Tuy nhiên, không thể để những người này sống chung với nhau, vì có nguy cơ lây nhiễm chéo. Tốt nhất là cách ly người nghi nhiễm trong từng không gian riêng.

Nếu nhà có từng phòng riêng, đảm bảo điều kiện cách ly thì cách ly tại nhà là tốt nhất vì an toàn, thuận tiện cho sinh hoạt và làm việc đồng thời giảm gánh nặng cho nhà nước. Cách ly tại khách sạn cũng tương tự, phù hợp với người có khả năng chi trả cao nhưng không có điều kiện cách ly tại nhà. Cách ly tập trung có nguy cơ lây nhiễm chéo, vì người nghi nhiễm phải sống chung trong một không gian khép kín, tiếp xúc gần nhau, sinh hoạt và vệ sinh chung. Cách ly tập trung còn tạo thêm gánh nặng cho nhà nước. Vì vậy, chỉ cách ly tập trung nếu không có điều kiện cách ly tốt tại nhà hay tại khách sạn.

Từ tháng 5, Chính phủ đã cho phép một số tỉnh thí điểm cách ly tại nhà. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn cách ly tại nhà để các tỉnh triển khai. Đến nay, một số tỉnh và thành phố đã thực hiện tốt cách ly tại nhà, thậm chí để điều trị các ca F0 có triệu chứng nhẹ. Nhiều tỉnh ngược lại vẫn chậm triển khai. Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế kịp thời chấn chỉnh tồn tại này.

Chống dịch ở nơi công cộng

Mục tiêu là không để tập trung đông người, chứ không phải là ngăn người dân ra khỏi nhà. Theo đó, tuỳ tình hình dịch bệnh tại địa phương mà có những mức độ hạn chế hoạt động đông người sao cho phù hợp. Ví dụ, ban hành một danh mục các hoạt động đông người phải tạm dừng, một số hoạt động khác chỉ được làm với những điều kiện cụ thể. Người dân sẽ hiểu rằng hoạt động nào không có trong danh mục thì được phép làm. Cách làm gần đây của Đà Nẵng rất đáng học tập, theo nguyên tắc: “Người dân được làm những gì chính quyền không cấm”. Cần có chế tài xử lý thật nghiêm việc để xảy ra tập trung đông người, bất kể là người dân hay cán bộ, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.

Hiện nay, trên cả nước xuất hiện rất nhiều chốt chặn chống dịch, từ cấp liên tỉnh đến liên quận huyện rồi liên phường xã... Cần xem lại tính cần thiết và hiệu quả của chốt chặn cũng như ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh tế xã hội. Trong tháng 8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải yêu cầu Cần Thơ hủy bỏ quy định gây trở ngại cho xe chở hàng hoá đi qua địa bàn thành phố. Tình trạng ùn ứ tại các chốt chặn ở Hà Nội hay ở TP.HCM thời gian qua khiến dư luận lo lắng và băn khoăn về vấn đề này.

Nếu có đủ các biện pháp bảo vệ, thì người dân đi lại ngoài đường là nhu cầu chính đáng trong cuộc sống và không đáng lo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bài học từ câu chuyện “Bánh mỳ không phải là lương thực thiết yếu” còn rất mới. Cần phê phán việc đe dọa phạt người dân vì “ra đường không có lý do chính đáng” mà báo chí nêu ra gần đây.

Chống dịch ở khu dân cư nghèo

Chống dịch ở các khu dân cư nghèo rất quan trọng, vì nơi đây có thể trở thành những ổ dịch. Người dân sống trong những căn nhà chật chội, đông đúc, vệ sinh kém, không có không gian riêng và thường có tiếp xúc gần gũi với hàng xóm láng giềng, rất thuận lợi để phát tán vi rút. Thái độ chủ quan, ý thức phòng bệnh kém và thiếu nhắc nhở giám sát... làm cho nguy cơ lây nhiễm tăng cao hơn. Chính quyền cần đầu tư nhân lực, kinh phí và chế tài để chống dịch tốt đối với khu vực này. Tổ COVID-19 cộng đồng là một mô hình tốt, cần phát huy. Chống dịch chỉ thành công khi không còn ngôi nhà nào là ổ dịch tiềm ẩn.

Khi phát hiện ca nhiễm mới, bắt buộc phải phong tỏa khu dân cư để phát hiện hết các ca nhiễm đang ẩn nấp trong cộng đồng. Cần phong tỏa phạm vi nhỏ nhất và trong thời gian ngắn nhất, để truy vết đường lây và xét nghiệm thần tốc, giúp bộc lộ hết các ca nhiễm trước khi dịch lan rộng. Càng phong tỏa rộng và kéo dài thì hiệu quả càng thấp và càng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Vấn đề nan giải nhất hiện nay là người lao động từ các tỉnh xa về thành phố lớn và các khu công nghiệp làm việc. Họ thường phải thuê ở tại các khu trọ với điều kiện sinh hoạt và vệ sinh kém hơn cả các khu dân cư nghèo nêu trên, thậm chí nhiều người thuê chung một phòng. Các phòng trọ lại thường liền dãy hay chung trong một nhà, rất dễ hình thành các ổ dịch hay các chuỗi lây nhiễm.

nguoidanve.jpeg
Những người dân chạy xe máy về quê trong mưa gió nguy hiểm - Ảnh: B.D/TTO

Ba tháng nay, đã có nhiều đợt người lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... ồ ạt về quê bằng phương tiện cá nhân. Dù các địa phương đã nhiều lần hứa hỗ trợ, nhưng mấy ngày qua vẫn có hàng chục nghìn người về quê tự phát. Vì sao họ quyết về bằng mọi giá như vậy? Sinh kế là nguyên nhân đầu tiên. Ba bốn tháng nghỉ việc khiến họ không còn gì để sống. Hiện nay, chỉ một số công nhân ở các khu công nghiệp có thể có việc làm trở lại khi nhà máy phục hồi sản xuất. Nhiều người làm nghề tự do như bán vé số, phục vụ nhà hàng, phụ hồ, bán hàng rong, phụ việc... vẫn chưa thể tìm được việc làm. Nhiều người lại lo lắng vì đang phải sống ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chỉ thị chống dịch: “Ai ở đâu ở yên đấy”, là rất đúng, nhưng thực tế là chưa đủ. Cần bổ sung hoàn thiện là: “Ai ở đâu ở yên đấy; nhưng nơi nào an toàn mới cho dân ở”. Khi người dân vẫn còn phải ở trong những căn nhà không an toàn, chống dịch rất khó thành công. Cho nên, khi chưa thể cải thiện được tốt điều kiện ăn ở cho họ, thì việc đưa những người có nguyện vọng được về quê trong trật tự và an toàn là một giải pháp hợp lý. Giải pháp này cũng góp phần xóa bỏ các ổ dịch tiềm ẩn tại những khu lao động nghèo.

Các tỉnh có người lao động trở về cần chia sẻ trách nhiệm với vùng tâm dịch. Một địa phương đang làm khá tốt công tác này là Phú Yên. Mặc dù là tỉnh nghèo và phải căng mình chống dịch với khoảng ba ngàn ca mắc trong đợt dịch này, nhưng Phú Yên vẫn tổ chức nhiều đợt đón gần 17 nghìn lao động từ TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê. Tỉnh cho rằng việc đưa người dân về quê là trách nhiệm của mình, đồng thời chia sẻ và giảm áp lực cho TP.HCM là tâm dịch. Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ các tỉnh trong việc đón người lao động về quê.

Những kiến thức y học như trên chính là chìa khóa thành công cho công tác chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chìa khóa để chống dịch thành công