Cách đây khoảng nửa tháng, chị Hạnh Tuyền có nhắn tin cho tôi nhắc một vài kỷ niệm lần Du Tử Lê về Sài Gòn, lần đó vợ chồng anh có gặp tôi và nhà thơ Đoàn Thạch Hãn.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời

Từ Kế Tường | 12/11/2021, 11:00

Cách đây khoảng nửa tháng, chị Hạnh Tuyền có nhắn tin cho tôi nhắc một vài kỷ niệm lần Du Tử Lê về Sài Gòn, lần đó vợ chồng anh có gặp tôi và nhà thơ Đoàn Thạch Hãn.

Trên trang web của nhà thơ Du Tử Lê, vợ anh - chị Hạnh Tuyền quản lý vừa đưa tấm hình kỷ niệm sinh nhật nhà thơ ngày 10.11. Trong tấm hình này, Du Tử Lê chụp với hai đứa cháu gái.

Nhà thơ Du Tử Lê đã mất ở Mỹ, nếu năm nay anh sòn sống thì sinh nhật này là sinh nhật lần thứ 79 của anh. Tôi bỗng thấy mình cần phải viết một bài về nhà thơ Du Tử Lê, coi như món quà sinh nhật gửi vong linh anh nơi cõi khác, nhắc nhớ một vài kỷ niệm có được giữa tôi và anh – một nhà thơ được nhiều người yêu mến.

Tôi lấy câu thơ đầu trong bài thơ "Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi" của nhà thơ Du Tử Lê để làm tiêu đề bài viết ngắn này của tôi để tưởng nhớ tới anh.

Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, trước năm 1975 anh là sĩ quan "Tâm lý chiến" đóng tại Sài Gòn, nôm na là "lính kiểng". Lúc tôi quen biết anh, Du Tử Lê mang lon đại úy, anh thường mặc quân phục tới các tòa soạn báo mà anh cộng tác, trên ve áo gắn 3 bông mai vàng, đôi khi làm điệu gắn 3 bông mai đen (sĩ quan tác chiến mặt trận), cấp bậc đó là đại úy.

Cái tên Lê Cự Phách của anh luôn bị trêu chọc, lại thêm cái vai nghiêng, lệch nên dáng đi của anh bị cho là “khệnh khạng” nhưng thật ra Du Tử Lê rất hiền. Anh thường gặp tôi ở các tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật do Mai Thảo làm chủ nhiệm, Viên Linh làm thư ký tòa soạn.

Tôi nhỏ hơn Du Tử Lê mấy tuổi, nhưng coi như cùng thế hệ, và thường những báo anh gửi bài cộng tác tôi cũng cộng tác, thân với các anh trong tòa soạn tôi cũng thân, được ngồi vỉa hè uống cà phê chung, nhất là với nhà thơ Viên Linh lúc đó ở tuần báo Nghệ Thuật nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1.

Thơ Du tử Lê đăng nhiều báo ở Sài Gòn trước năm 1975, thời gian đầu anh làm thơ 5 chữ, đăng thường xuyên trên các tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn như Khởi Hành, Vấn Đề, Nghệ Thuật, Bách Khoa, Tuổi Ngọc, nhất là tờ Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, Trấn Phong Giao làm Thư ký tòa soạn.

Kể cả sau này, có thời gian nhà văn Mai Thảo rồi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm TKTS.

Theo nhận xét của một số “thân hữu”, thơ 5 chữ của Du Tử Lê lúc đầu ảnh hưởng thơ 5 chữ của nhà thơ Viên Linh. Nhưng thời gian sau, có lẽ chính Du Tử Lê cũng biết điều này nên anh đã tạo cho mình một "lối đi riêng", bằng những bài thơ 7 chữ. Và tôi rất thích Du Tử Lê ở bài Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi, một bài thơ 7 chữ rất có nét, và về sau anh còn có nhiều bài thơ hay hơn để tạo nên tên tuổi của một Du Tử Lê, kể cả khi ra định cư nước ngoài.

Thơ Du Tử Lê hầu hết là thơ tình, có những bài nổi tiếng được nhiều nhiều người yêu thích. Thơ Du Tử Lê càng thăng hoa khi được các nhạc sĩ phổ nhạc như được chắp thêm đôi cánh để bay cao.

Một lần, Đoàn Thạch Hãn tức Đoàn Kế Tường có nói với tôi "Du Tử Lê đã về Sài Gòn muốn gặp cậu nhưng anh có vẻ e ngại".

Tôi hỏi Đoàn Thạch Hãn tại sao e ngại? Đoàn Thạch Hãn cười bảo Du Tử Lế thấy cậu làm ở Báo CATP nên ngại.

Tôi đã chủ động tìm gặp Du Tử Lê, có Đoàn Thạch Hãn, mấy anh em ngồi ở quán cà phê đường Sương Nguyện Ánh, Q.1. Lần đó có chị Hạnh Tuyền, bà xã của Du Tử Lê - người đã sống bên cạnh nhà thơ đa tình này đến lúc cuối đời.

du-tu-le.jpg
Nhà thơ Du Tử Lê  - Ảnh: TL

Du Tử Lê được bạn bè đánh giá là không được đẹp trai nhưng rất đào hoa. Tôi được biết ít nhất hai người trong làng văn nghệ là Du Tử Lê và Đam San chứng tỏ rằng, ngoại hình chẳng dính dáng gì tới tài năng. Cả hai đều rất mực đào hoa và có nhiều cô gái xem là thần tượng.

Nhưng đó vẫn chưa phải là kỷ niệm giữa tôi và Du Tử Lê. Có một câu chuyện tôi giữ kín mà Du Tử Lê hoàn toàn không biết.

Du Tử Lê có cô cháu ruột học Trưng Vương mà tôi không hề biết. Tôi quen với cô cháu này, do lúc đó tôi ngồi ở tòa soạn báo Công Luận đường Nguyễn An Ninh ngay sát chợ Bến Thành, mấy cô gái học Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng thường ghé chơi, phụ tôi bóc thư của độc giả sắp xếp ngăn nắp để cho tôi dễ phân biệt bài vở, thơ, văn, thư cần trả lởi... trong các cô gái ấy có Hạ Giao, tên thật Lê Thị Hường Trâm. Một lần Hạ Giao hỏi tôi “anh có thân với cậu em không?”. Tôi hỏi cậu em là ai thì Hạ Giao, tức Hường Trâm bảo đó là... cậu Du Tử Lê của em.

Tôi giữ kín chuyện này nên anh không biết. Còn tôi thì biết mình “suýt” chút nữa phải gọi Du Tử Lê bằng cậu.

Sau năm 1975, tôi không gặp lại Hường Trâm nữa. Nhưng tôi có thắc mắc về bài Khúc Thụy Du khá nổi tiếng của Du Tử Lê vì bài này được phổ thành ca khúc, được nhiều ca sĩ hát. Bởi lẽ, ngày ấy Hạ Giao thường tới tôi chơi với một cô bạn nhỏ nhắn, xinh đẹp, cùng học một lớp tên là Thụy Du.

Hai cô bạn học này như cặp bài trùng, đi đâu cũng đi cặp kè, chỉ khi nào Hạ Giao đi chơi với tôi thì Thụy Du mới tế nhị tách ra xin phép về trước.

Bài Khúc Thụy Du của Du Tử Lê liệu có dính dáng gì với cô bạn Thụy Du của Hạ Giao mà tôi đã gặp?

Tin Du Tử Lê mất bên Mỹ quá đột ngột, và cũng do quá bận rộn, nhiều lần Du Tử Lê về Việt Nam sau này, kể cả có lần anh về để in tập thơ bên này tôi cũng không gặp, có lẽ do anh Đoàn Thạch Hãn mất nên giữa chúng tôi mất luôn nhịp cầu kết nối. Nhưng tôi vẫn theo dõi, đọc các bài viết nhận định văn học của Du Tử Lê trên trang web của anh, thấy anh viết còn sung sức, còn khỏe. Nhưng không ngờ anh lại ra đi quá đột ngột.

Mấy dòng này như những mẩu kỷ niệm vụn giữa tôi và Du Tử Lê nhân sinh nhật lần thứ 79 của anh. Du Tử Lê đã mất mấy năm trước, đời người thật vô thường. Anh để lại một gia tài thơ thật phong phú, thật tài hoa.

Tôi xin phép đọc lại bài thơ Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi của Du Tử Lê, bài thơ đầy hồn vía của một Du Tử Lê lãng mạn và đào hoa. Đúng là trong tình yêu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không có chiến chinh mà vẫn phải lẻ đôi do mình tự làm bão tố, chiến chinh với chính trái tim của mình thôi.

Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển.

Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp.

Tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
Em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu đường ngôi?
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
Và những tàn phai đầy tuổi tôi.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

*

Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
Đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời