Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần, hội sách TP.HCM lại nườm nượp người dân đi trẩy hội. Một triệu lượt người được dự kiến là sẽ tham gia hội sách, 350.000 tựa sách với khoảng 35 triệu bản sẽ được bày bán: những con số mà bất cứ quốc gia, thành phố “tri thức” nào cũng mơ có được ở một hội chợ sách. Thế nhưng thực tế có được như mơ không...?

Chỉ mong người đọc đều biết trong sách có 'hot-girl'

22/03/2018, 05:43

Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần, hội sách TP.HCM lại nườm nượp người dân đi trẩy hội. Một triệu lượt người được dự kiến là sẽ tham gia hội sách, 350.000 tựa sách với khoảng 35 triệu bản sẽ được bày bán: những con số mà bất cứ quốc gia, thành phố “tri thức” nào cũng mơ có được ở một hội chợ sách. Thế nhưng thực tế có được như mơ không...?

Không khí nhộn nhịp ở một gian hàng tại hội sách TP.HCM - Ảnh: Internet

Theo logic thông thường, triệu lượt người ấy hẳn đã phải là một triệu người đọc. Mỗi người chỉ mua một vài cuốn sách thôi thì số sách bán ra tại hội chợ hẳn phải lên con số vài triệu. Thế nhưng nếu có tham gia vào dòng người trẩy hội đó người ta mới thấy “triệu người đi có mấy người mua”?

Thực tế thì dù có những biện pháp “kích cầu” đọc sách khá mạnh của Nhà nước trong nhiều năm qua như làm đường sách, tổ chức hội sách, số lượng người đọc nước ta cũng không tăng bao nhiêu. Theo thống kê của năm 2013, số sách mỗi người Việt Nam đọc bình quân hàng năm là 0,8 cuốn. Một thống kê khác vào năm 2016 là mỗi người Việt đọc 4 cuốn sách hàng năm, trong đó có 2-3 cuốn là... sách giáo khoa!

Thật khó để lý giải vì sao một đất nước có tiếng là “hiếu học”, “có học” như nước ta, một đất nước 90 triệu dân và gần như phổ cập trung học, thường xuyên có khoảng hai triệu sinh viên, gần 24.000 tiến sĩ, khoảng 12 giáo sư-phó giáo sư mà sức đọc lại thuộc hàng “đội sổ” của thế giới.

Lẽ ra với số lượng trí thức “khủng”, những quyển sách tinh hoa, kinh điển của thế giới được dịch và xuất bản với biết bao tâm huyết trong hơn mười năm qua phải xứng đáng được đón đọc với số lượng hàng chục, hàng trăm ngàn, hàng triệu bản. Thế nhưng hiện nay với hệ thống nhà sách khá khang trang, với đường sách và hội sách đông vui mở hội, chúng chỉ xuất bản mỗi lần với số lượng lèo tèo 500 - 1.000 bản, thậm chí có khi chỉ 300 bản!

Không có một đất nước phát triển nào mà trí thức hay người dân lười đọc, kém đọc cả. Nước Nhật ngay từ thời Minh Trị đã vươn lên từ những trang sách. Vào thời đó, những quyển sách tinh hoa thế giới được xuất bản hàng triệu bản trong khi dân số Nhật Bản chỉ khoảng 30 triệu người. Nước Pháp hiện đại theo thống kê năm 2017 vừa qua thì người dân đã bỏ tiền ra mua đến 356 triệu quyển sách. Đó là chưa kể đến hệ thống thư viện nguy nga lộng lẫy như những “cung điện tri thức” của các nước phát triển này.

Phải chăng “Cái học ngày nay đã hỏng rồi / Mười người đi học, chín người thôi / Cô hàng bán sách lim dim ngủ...” như thơ của Tú Xương? Phải chăng “cái học ngày nay” chỉ là học kiến thức chuyên môn, thực dụng? Điều này liệu có liên hệ gì chăng đến sự suy thoái, suy đồi đạo đức hiển hiện trong mọi tầng lớp xã hội hiện nay? Và xã hội sẽ lấy đâu ra nội lực để phát triển nền kinh tế tri thức khi niềm đam mê đọc sách không phát triển tương ứng với “trình độ văn hóa” của đại đa số con người ở nước ta?

Chưa có thời nào mà người đọc nước ta lại được “sung sướng” như hiện nay. Thời bao cấp thì chỉ có ngần ấy đầu sách xào đi nấu lại. Nhiều người để mua được sách quý thì phải bỏ công săn lùng ở các hiệu sách cũ, có khi phải bỏ cả chỉ vàng mới mua được một quyển. Khoảng hơn mười năm trở lại đây thì sách vở đã phong phú hơn rất nhiều.

Nhiều nhà xuất bản, nhiều dịch giả tâm huyết đã bỏ rất nhiều công sức đã xuất bản những đầu sách có sức khai mở dân trí. Cuộc sống nhìn chung cũng đã khá giả, phong lưu hơn trước, nên việc mua một vài quyển sách không còn là chuyện phải đắn đo nhiều. Thế nhưng sự hưởng ứng của người đọc hiện nay có vẻ ngày càng nguội lạnh và điều đó có khả năng làm cùn nhụt ý chí, nhiệt tâm của các tác giả, dịch giả, của các nhà xuất bản...

Lười đọc sách không phải là một căn bệnh của thời đại này. Người xưa đã biết điều đó nên mới “dụ”: Thư trung tự hữu nhan như ngọc (trong sách có một nàng “hot girl” nhan sắc như ngọc ngà). Chỉ mong là những người đi trẩy hội sách đông đảo kia không chỉ để “thăm” mà còn “cưới” luôn những nàng “hot girl” tri thức đó...

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ mong người đọc đều biết trong sách có 'hot-girl'