Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt
Cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt
Tạp chí điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu loạt bài về chống ngoại xâm phương Bắc và bắt đầu về cuộc chiến thần thánh phạt Tống của Lý Thường Kiệt.

Chỉ có 7 vạn quân, Lý Thường Kiệt vẫn đánh phủ đầu 100 vạn quân Tống

08/04/2016, 10:11

Trong thế bị dồn vào chân tường, quân đội Đại Việt thời Lý Nhân Tông chuẩn bị làm một việc mà đa phần người Tống khó có thể ngờ được

Kỳ 1: Từ cuộc chiến nội cung nhà Lý đến cuộc Bắc phạt phá Tống của Lý Thường Kiệt

Kỳ 2: Nhà Lý nhiều lần uy hiếp nhà Tống sau khi bị khiêu khích

Kỳ 3: Trước khi phạt Tống, Lý Thường Kiệt nam chinh đại phá Chiêm Thành

Trước sự khiêu khích và chuẩn bị xâm lược của Tống, triều đình nước Đại Việt đã ráo riết nghe ngóng và chuẩn bị nhiều biện pháp để đề phòng. Trong thời đại mà thông tin liên lạc còn hạn chế, từ việc xác minh rõ dã tâm của kẻ địch đến việc tìm biện pháp đối phó là không hề đơn giản mà phải dựa trên một nền tảng tình báo, thông tin kịp thời.

Khi đó, vua Lý Nhân Tông còn nhỏ, trọng trách điều hành đất nước nằm trong tay Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu và Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt tuy là người tài danh bậc nhất đương thời và cũng là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất sử Việt nhưng tài năng xuất chúng thiên về quân sự, không phải là người kiệt xuất về kinh tế. Còn về Linh Nhân Hoàng thái hậu là một người thông minh và có tầm nhìn, trước đây khi còn là Ỷ Lan Nguyên Phi dưới triều Lý Thánh Tông đã nổi tiếng về tài trị quốc an dân. Nhưng thực ra công lao đó ngoài tài năng của Ỷ Lan còn có phần trợ giúp đắc lực của một nhân vật mà tài đức cũng được xếp hàng đầu nước Đại Việt thời bấy giờ, đó là Thái sư Lý Đạo Thành. Ông là lão thần giữ chức Thái sư trong suốt thời kỳ trị vì của vua Lý Thánh Tông, nổi tiếng về tài kinh bang tế thế, thường được vua giao trông coi chính sự những lúc vua bận đi đánh dẹp. Uy vọng của Lý Đạo Thành rất lớn. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục triều Nguyễn nhận xét : “Đạo Thành là người thẳng thắn, mỗi khi dâng tấu sớ thì thể nào cũng nói đến sự lợi hay hại ở dân gian. Đối với quan lại nào là người hiền tài, ông đều cất dùng. Đời bấy giờ rất kính trọng ông”.

Trong cuộc đổi ngôi và tranh chấp quyền lực đầu thời vua Lý Nhân Tông, Lý Đạo Thành đã đứng về phía Thượng Dương Hoàng thái hậu vì theo luân lý Nho giáo. Vị Thái sư đã có nhiều động thái trái ý với Linh Nhân Hoàng thái hậu. Vì vậy sau khi Linh Nhân Hoàng thái hậu đắc thắng trong cuộc tranh quyền, bà đã tìm cách loại bỏ Lý Đạo Thành khỏi triều chính bằng cách điều đi trấn giữ ngoài biên. Ngay trong năm 1073, Lý Đạo Thành bị giáng chức làm Tả gián nghị đại phu, tri châu Nghệ An. Bấy giờ tuy lãnh thổ nước Đại Việt đã kéo dài tới châu Ma Linh (Quảng Trị), nhưng vùng được coi là trung châu vẫn chỉ là đồng bằng sông Hồng. Nghệ An vẫn là vùng biên thùy hẻo lánh. Ngoài Lý Đạo Thành còn có nhiều lão thần về phe của Thượng Dương Hoàng thái hậu cũng bị cho hưu trí hoặc giáng chức. Việc Lý Đạo Thành bị giáng chức đã làm cho nội bộ triều đình Đại Việt lục đục nghiêm trọng.

Tuy thô bạo và đầy mưu mô trong tranh chấp quyền lực, suy cho cùng Linh Nhân Hoàng thái hậu vẫn không đến nỗi là người vô đức. Bà tuy tìm cách loại bỏ các lão thần chống đối nhưng luôn tránh việc giết chóc như nhiều nhà chính trị vẫn làm, chỉ điều đi xa hoặc cho hưu trí, giáng chức, cô lập. Dưới sự điều hành của bà, Đại Việt tiếp tục phát triển ổn định. Sử sách và giai thoại dân gian cho biết rằng về sau Linh Nhân tỏ ra ăn năn với việc giết hại Thượng Dương Hoàng thái hậu cùng 72 tỳ nữ nên cho xây dựng nhiều chùa tháp, thường xuyên lui tới cửa Phật để sám hối, nghe giảng đạo và bỏ nhiều tiền để chuộc thân cho những con gái nhà nghèo bị bán làm nô tỳ.

Dù việc ăn năn này vô nghĩa đối với người đã chết, nhưng cũng cần được ghi nhận. Năm 1074, trước những nguy cơ ngoại xâm đến từ Tống và Chiêm Thành hiện rõ, Linh Nhân Hoàng thái hậu đã cho triệu hồi Lý Đạo Thành về kinh, phong chức Thái phó Bình chương quốc quân trọng sự. Chức danh này là chức Tể tướng thời Lý, đứng đầu hàng quan văn, phụ trách toàn bộ về nội trị (trừ quân đội). Đây là hành động vừa mang tính thiết thực, chọn đúng người đúng việc vừa mang tính hòa giải của Linh Nhân Hoàng thái hậu. Ngoài ra, bà còn xuống chiếu trọng dụng trở lại các vị lão thần trái ý lúc trước. Động thái hòa giải của Linh Nhân đã được Lý Đạo Thành đáp lại. Ông đã hết lòng phò tá nhà vua mới. Vậy là bộ ba quyền lực bao gồm Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái phó Lý Đạo Thành đã đồng lòng phò tá vị vua nhỏ Lý Nhân Tông. Nhờ sự hòa giải quan trọng này, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc trước những thử thách lớn.

Tình hình ở biên cương phía bắc ngày một nghiêm trọng. Quan lại nước Tống hết sức dùng tiền bạc, lời lẽ dụ dỗ các tù trưởng ở biên giới phía Đại Việt theo Tống. Năm 1073, tù trưởng châu Ân Tình (thuộc Bắc Cạn ngày nay) tên là Nùng Thiện Mỹ nghe lời dụ dỗ của tri châu Thẩm Khởi nước Tống, đem 6.000 người theo Tống. Thẩm Khởi lại chiêu dụ cả tù trưởng Lưu Kỷ ở châu Quảng Nguyên, một người nắm giữ quân lực mạnh và đóng giữ vị trí trọng yếu. Trong năm 1073, Lưu Kỷ suýt nữa đã theo hàng nước Tống nhưng vua Tống Thần Tông không dám nhận.

Lý do là bởi vì Tống tuy muốn đánh nước ta nhưng vẫn chưa chuẩn bị được lực lượng, lại vướng phải những rắc rối ở biên thùy phía bắc với nước Liêu, chiến tranh Tống – Thổ Phồn vẫn chưa dứt. Vua Tống biết Lưu Kỷ là viên quan sát của Đại Việt ở biên thùy, đóng giữ vị trí trọng yếu. Nhận Lưu Kỷ chẳng khác nào tuyên chiến với Đại Việt. Thẩm Khởi hành động quá lộ liễu nên bị vua Tống bãi chức. Lưu Di lên thay làm Kinh lược sứ Quảng Tây. Vua Tống che mắt Đại Việt bằng việc cách chức vị viên quan hiếu chiến nhưng lại thay thế bằng một viên quan hiếu chiến khác.

Năm 1073, nước Đại Việt chưa thể nhận diện rõ dã tâm xâm lược của Tống. Triều đình Đại Việt vẫn gởi những thư từ ngoại giao phàn nàn về việc cắt đứt thông thương đến vua Tống nhưng các quan chức biên giới Tống không thèm chuyển thư. Lưu Di vẫn làm những việc đóng chiến thuyền, trưng thu thuyền buôn vào thủy quân, cấm dân hai nước buôn bán. Từ năm 1073 đến 1075, đã có nhiều tin tức và đồn đoán về việc nước Tống có ý định tấn công Đại Việt.Nhất là việc các thành trì phía nam nước Tống tích cực mộ binh và huấn luyện. Có người Tống là Tư Bá Trường vì tư lợi mà ngầm viết thư cho vua Lý Nhân Tông tố giác ý định xâm lược, xui quân Đại Việt đánh trước và xin làm nội ứng.Những việc đó đã làm cho phía Đại Việt càng cảm nhận rõ hơn về chiến tranh đang đến gần.

Đại Việt cho tăng cường quân đội ở gần biên giới để đề phòng. Đầu năm 1075, triều đình Đại Việt sai người vượt biển đưa thư cho vua Tống (vì các quan lại biên giới trên bộ không chuyển thư nên phải đi vòng đường biển để đưa thư) đòi trả bọn Nùng Thiện Mỹ và những người phản Việt theo Tống, vua Tống không trả lời. Phía ta lại tiếp tục gởi một số thư từ nữa những Lưu Di dấu thư không thèm chuyển đi, y lại càng thả sức dụ dỗ dân chúng vùng biên giới.Bằng những dữ liệu như vậy cùng với các tin tức thám báo, phía Đại Việt đã không còn nghi ngờ gì nữa về âm mưu xâm lược của nước Tống.

Nhận biết rõ ý đồ của nước Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã tâu lên triều đình: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Lời tâu của ông nhận được sự tán thành của vua và các triều thần.Năm 1075, ngay sau khi đi tuần biên giới phía nam chống quân Chiêm Thành trở về, Lý Thường Kiệt bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cuộc Bắc chinh. Lý Thường Kiệt lĩnh chức Đại nguyên soái, thống lĩnh quân đội chuẩn bị một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn đánh vào nội địa nước Tống. Thời bấy giờ, tổng quân số thường trực nước Tống khoảng chừng 100 vạn quân, còn quân đội thường trực nước Đại Việt có khoảng 7 vạn quân. Trong thế bị dồn vào chân tường, quân đội Đại Việt thời Lý Nhân Tông chuẩn bị làm một việc mà đa phần người Tống khó có thể ngờ được: Một đất nước nhỏ bé dám chủ động tấn công một đế chế đông dân, có lãnh thổ lớn hơn gấp hàng chục lần và quân đội thường trực cũng đông hơn mười mấy lần.

Quốc Huy

Các kỳ tiếp theo

Kỳ 5: Lý Thường Kiệt phạt Tống, tấn công toàn biên giới, chém tướng phá đồn

Kỳ 6: Lý Thường Kiệt vượt Thập Vạn đại sơn, bắt sống hàng ngàn tù binh Tống

Kỳ 7: Lý Thường Kiệt dùng tượng binh, máy bắn đá công phá Ung châu

Kỳ 8: Lý Thường Kiệt hạ thành Ung châu, xác quân Tống chất cao như núi

Kỳ 9: Bị Lý Thường Kiệt phá Ung châu, triều Tống mang vũ khí tối tân nhất đối phó Đại Việt

Kỳ 10: Lý Thường Kiệt dùng lính thủy đánh bộ chống quân Tống

Kỳ 11: Lý Thường Kiệt dùng gián điệp, vua Tống hoang mang

Kỳ 12: Tượng binh Đại Việt đối đầu với chiến thuật biển người của nhà Tống

Kỳ 13: Lý Thường Kiệt và cuộc đại khai sát giới quân Tống trước cửa Bạch Đằng

Kỳ 14: Lý Thường Kiệt bày hiểm trận, nhà Tống quyết nướng quân

Kỳ 15: Sử Tống kể chuyện quân Tống bị làm thịt khi sang xâm phạm Đại Việt

Kỳ 16: Lý Thường Kiệt siết vòng vây, hàng vạn quân Tống chôn chân chờ chết

Kỳ 17: Việt - Tống nghị hòa, lân bang kinh hãi

Kỳ 18: Thua trận, nhà Tống còn đòi bắt Lý Thường Kiệt như tội phạm chiến tranh​

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ có 7 vạn quân, Lý Thường Kiệt vẫn đánh phủ đầu 100 vạn quân Tống