Theo tạp chí Science, các nhà khoa học ở đại học Illinois, Chicago, Mỹ, đã chế tạo được những tấm pin Mặt trời mô phỏng hoạt động của thực vật, biến khí cacbon trong khí quyển thành nhiên liệu hidrocacbon. Đồng thời, chỉ cần sử dụng mỗi năng lượng của ánh sáng Mặt trời.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng loại pin Mặt trời mới không phải điện quang mà là quang hợp. Những lá cây nhân tạo thải ra khí tổng hợp - một loại hỗn hợp giữa hidro và cacbon oxit. Khí tổng hợp này có thể đốt để biến thành dầu diesel và các loại nhiên liệu hidrocacbon khác.
Những phản ứng hóa học biến khí cacbon thành những dạng cacbon đốt cháy được là phản ứng khử và là những phản ứng đối lập với phản ứng oxy hóa và cháy. Các kỹ sư ở trường đại học trên đã tạo ra nhiều chất xúc tác để giảm bớt khí thải CO2, vì từ trước cho đến nay khoa học vẫn chưa thu được hiệu quả thỏa đáng và vẫn còn phải dùng đến nhiều kim loại đắt tiền.
Vì vậy, họ vẫn đang tập trung vào những hợp chất có kết cấu nano - các kim loại chuyển tiếp dichalcogenides. Họ đã sử dụng chúng cùng với dung dịch ion như chất điện phân bên trong một tế bào điện hóa hai buồng với ba điện cực. Chất xúc tác mới có tốc độ nhanh hơn cả nghìn lần so với các chất xúc tác bằng kim loại quý hiếm và rẻ gấp 20 lần.
Hiện các nhà khoa học đang có kế hoạch cải tiến công nghệ cho thích ứng với việc ứng dụng rộng rãi ở các nhà máy điện Mặt trời cũng như cho cả các công trình nhỏ. Các tác giả của công trình trên cũng hy vọng sử dụng công nghệ của mình trong nghiên cứu thăm dò sao Hỏa vì không khí trên hành tinh chủ yếu là khí cacbon. Nhưng muốn vậy, trên đó phải có nước.
Vũ Trung Hương