Dù chỉ mới bước sang đầu tháng 4, còn đến 5 tháng nữa học sinh mới bắt đầu năm học mới, nhưng chuyện "chạy trường" đã và đang nóng lên từng ngày, nhất là với các lớp đầu cấp bởi phụ huynh nào cũng muốn con mình vào được trường tốt.

Chạy trường 'mùa cao điểm': Muôn nỗi khổ thành tên

13/04/2016, 15:12

Dù chỉ mới bước sang đầu tháng 4, còn đến 5 tháng nữa học sinh mới bắt đầu năm học mới, nhưng chuyện "chạy trường" đã và đang nóng lên từng ngày, nhất là với các lớp đầu cấp bởi phụ huynh nào cũng muốn con mình vào được trường tốt.

Trường tư không tốt, công lập mới tốt

Cho rằng các trường tư thục không tốt bằng các trường công lập nên các phụ huynh đã vận dụng triệt để các mối quan hệ để xin cho con mình vào một trường công lập. Ở ngay quận Cầu Giấy, Hà Nội, chỉ cần đi qua các trường công lập nổi tiếng như: Trường mầm non Hoa Hồng, Trường mầm non Dịch Vọng, Tiểu học Dịch Vọng A, Tiểu học Nghĩa Tân hay Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Cầu Giấy... sẽ bắt gặp một số phụ huynh đứng ở cổng trường dò hỏi cách xin vào các trường này như thế nào.

Giãi bày nỗi khổ của mình sau suốt 2 tháng chật vật tìm, hỏi giá để xin cho con vào Trường tiểu học Dịch Vọng A, chị Nguyễn Lan Phương (Cầu Diễn, Hà Nội) cho hay: "Tôi hỏi hết người quen, bạn bè, ai cũng nói trường này khó xin lắm, năm nào cũng quá chỉ tiêu. Thậm chí tôi cũng hỏi trên mạng nhưng giá toàn 50 - 60 triệu/1 trường hợp và phải đặt cọc 2/3 số tiền đó. Tôi chưa tin tưởng lắm nên cứ còn cửa nào thì hỏi hết. Nếu không được thì chắc phải "liều" thôi vì ngay cả giáo viên dạy trong trường cũng nói rằng nhà trường không tuyển sinh trái tuyến. Tôi muốn con mình học ở đây vì trường này là trường điểm và vào đây thì con mình học hành cũng tốt hơn, cơ sở vật chất cũng thuận lợi", chị Phương cho hay.

Cũng như chị Phương, anh Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng các con được vào học trường công lập, trường điểm lúc nào cũng tốt hơn so với các trường khác. "Chẳng phải tự nhiên mà trường đó lại thành trường điểm. Các thầy cô giáo ở những trường điểm chắc chắn sẽ dạy rất tốt. Con trai tôi năm nay học lớp 1, tôi dự tính cho con vào trường Đặng Trần Côn A (Thanh Xuân). Tôi đang cố gắng "tìm cửa" để con mình được vào, thuận lợi cho việc học của cháu sau này vì vợ chồng tôi đều hướng cho cháu đến những trường tốt nhất để phấn đấu".

Không chỉ có chị Phương, anh Tuấn Anh mà còn rất nhiều bậc phụ huynh khác đều chấp nhận "chi tiền" để con mình được vào học ở trường công lập. "Năm kia tôi có 1 suất xin cho đứa con gái đầu vào trường Amsterdam. Năm nay đến lượt em trai nó thi, tôi vẫn muốn đứa thứ 2 học vào trường như chị gái nó. Nhưng chi phí năm nay cao hơn nhiều so với 2 năm trước, có người nói chi phí là 3.500 USD để xin được vào. Vợ chồng tôi đang xem xét nếu không tìm thấy nơi khác rẻ hơn thì sẽ chấp nhận giá này", một phụ huynh sống ở chung cư Royall Citi (Thanh Xuân) cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới cô phải tiếp những vị phụ huynh đến xin cho con học tại trường. Có những vị phụ huynh nhận là người nhà của trưởng phòng giáo dục hay người quen trên Sở đến "nhờ cậy" nhà trường tạo điều kiện cho các cháu vào học. "Trường thì chỉ có diện tích nhất định, có những lớp lên tới 60 - 70 học sinh rồi nhưng các phụ huynh vẫn cứ nằng nặc xin vào. Chúng tôi chỉ tuyển sinh đúng tuyến chứ trái tuyến thì rất khó khăn vì ai cũng muốn con mình vào học", cô Hiền cho biết.

Vào trường điểm - phụ huynh khổ, con em cũng khổ

Để vào được các trường công lập, trường điểm không chỉ có sự lo lắng, mệt mỏi đặt nặng lên vai các phụ huynh mà ngay chính con em của họ cũng chịu áp lực tương tự. Để xin cho con vào các trường điểm, các phụ huynh đôn đáo tìm "cửa chạy" nhưng đồng thời cũng ra sức ép con mình học, học không ngừng nghỉ trước khi các em bước vào năm học mới.

Các bé đang độ tuổi mầm non, chuẩn bị bước vào lớp 1 thì bị ép học tiếng Anh, viết chữ, học Toán để phục vụ cho việc vào tiểu học. Với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng và chỉ cần đủ điểm đỗ, chấp nhận cả học sinh trái tuyến thì lớp chuyên Anh, chuyên Pháp của Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đang là đích đến của nhiều vị phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chị Quách Thị Hiệu (Cầu Giấy) cho biết: "Năm 2013, tôi có cho con trai đầu thi vào trường tiểu học này vì thấy các lớp chuyên của trường chấp nhận hồ sơ của học sinh trái tuyến, nhưng điểm thi đầu vào là 19 điểm cho 2 môn thi. Năm nay, đứa em tôi cũng có con thi vào đây nên tôi cho cháu đi học thêm ở lớp luyện thi nhà cô giáo quen, giờ cháu đã biết viết, biết đọc thành thạo, còn tiếng Pháp thì vẫn chưa vững lắm nên tôi vẫn lo. Nếu năm nay cháu thi không đỗ thì cũng có 1 "suất" tôi vừa hỏi được cho cháu với chi phí 50 triệu đồng. Giờ cứ cho cháu nó học thêm và bổ sung thêm kiến thức ngoại ngữ để cháu nắm vững trước khi thi vào lớp 1 ở trường này".

Khi được hỏi về áp lực học trước khi vào lớp 10, học sinh N.T.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Năm nay bố mẹ cháu bắt thi vào Trường Chu Văn An. Ngoài việc học ở trên lớp, cháu còn học thêm 3 cô giáo nữa về các môn Toán và Ngữ văn. Chị cháu trước kia thi vào Chu Văn An không đỗ nên bố mẹ xin cho chị học ở Trần Phú. Đến khi cháu thi thì mọi kỳ vọng của bố mẹ đều chuyển dồn sang cháu, dù thấy mệt mỏi nhưng cháu muốn bố mẹ vui nên sẽ cố gắng".

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Các phụ huynh chạy trường có thể vì họ tin tưởng ngôi trường mà họ muốn con cái họ theo học. Thứ 2 là có thể trường đó ở trung tâm, thuận tiện việc đưa đón. Còn nói trường công lập hơn dân lập hay trường này hơn trường kia là không đúng vì ngân sách đầu tư cho các trường là như nhau, trình độ giáo viên không hề phân biệt. Để tránh tình trạng chạy trường, Sở GD-ĐT sẽ siết chặt đúng yêu cầu phân tuyến, đúng hộ khẩu, đồng thời tổ chức những buổi giới thiệu về trường để phụ huynh an tâm, tin tưởng cho con mình theo học".

Việc chạy cho con vào trường công lập, trường điểm sẽ gây ra tiêu cực lớn cho xã hội - đặc biệt là với chính các ngôi trường đó khi phải chịu sự quá tải học sinh trong mỗi lớp. Và người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là những học sinh, con cháu của các bậc phụ huynh đang cố gắng "vượt rào" để cho con mình vào trường điểm. Nếu như việc chạy chọt không được xóa bỏ dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng tới giá trị xã hội và định hướng cho các học sinh sau này, làm mất đi sự cân bằng giáo dục giữa các trường trong chính ngành giáo dục.

Dạ Thảo

Ảnh đại diện: Để con em mình được vào trường điểm, trường chuyên nhiều phụ huynh phải bỏ ra số tiền không nhỏ (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chạy trường 'mùa cao điểm': Muôn nỗi khổ thành tên