Tỉ phú Ngô Tiểu Huy, cháu rể cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã bị bắt để điều tra tham nhũng. Ngô bị nghi đưa hối lộ cùng các tội phạm kinh tế liên quan tập đoàn bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) do ông ta lập và làm chủ tịch.

Cháu rể cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bị bắt điều tra tham nhũng

15/06/2017, 17:37

Tỉ phú Ngô Tiểu Huy, cháu rể cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã bị bắt để điều tra tham nhũng. Ngô bị nghi đưa hối lộ cùng các tội phạm kinh tế liên quan tập đoàn bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) do ông ta lập và làm chủ tịch.

Tỉ phú Ngô Tiểu Huy - Ảnh: Reuters

Báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 14.6 dẫn lời người biết chuyện, nói rằng một đội điều tra đặc biệt đã bắt Ngô. Đó là đội điều tra thuộc Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI) kết hợp với cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế. Tuy nhiên, Ủy ban quản lý bảo hiểm Trung Quốc và CCDI không bình luận về việc này.

Người biết chuyện còn nói cuộc điều tra đã tiến hành từ vài tháng qua, nhưng vẫn ở giai đoạn sơ bộ, điều này có nghĩa Ngô sẽ chưa bị buộc tội. Hiện chưa rõ Ngô đang bị nhốt ở đâu.

Theo báo New York Times (NYT), lý do Ngô bị bắt là tập đoàn Anbang của ông ta “ỷ lại” chuyện có quen biết với giới chính trị, như việc Ngô đã lấy cháu gái cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm vợ, và Anbang đã thách thức những quy định bất thành văn dành cho giới làm kinh tế Trung Quốc, phớt lờ những “nhắc nhở” của các nhà quản lý.

Và khi Anbang “làm quá”, Bắc Kinh phải ra tay, giao cảnh sát bắt Ngô, người chưa bị buộc tội danh nào. Chính quyền Trung Quốc đôi khi cũng giam các nhà tài chính để thẩm vấn vài ngày sau lại thả, theo báo trên.

Trong tuyên bố ngày 14.6, Anbang chỉ cho biết Ngô “tạm thời không thể đảm đương nhiệm vụ vì các lý do cá nhân” và Ngô đã chỉ đạo các quan chức cấp cao khác điều hành công việc của Anbang.

Hồi đầu tháng 6, Anbang bác thông tin Ngô đã bị cấm xuất cảnh đi nước ngoài của báo Financial Times.

Chạy theo kinh tế tư bản nhưng không được phép xen vào chính sách đối ngoại của trung ương

Anbang được cho là hiện thân của những mâu thuẫn trong nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc, vốn kết hợp chủ nghĩa tư bản dám làm liều với sự kiểm soát chặt của chính phủ trung ương.

Ở nước ngoài, Anbang gây sốc cho Phố Wall bằng những nỗ lực mua bán trị giá hàng tỉ USD, dù Bắc Kinh đã quyết kềm cương những vụ mua bán này. Trong nước, Anbang gom được hàng tỉ USD từ những nhà đầu tư lớn nhỏ ngay vào thời điểm Bắc Kinh muốn hạn chế những nguy cơ sụp đổ lĩnh vực tài chính.

Vì nếu như những tập đoàn bảo hiểm như Anbang gặp rắc rối - vì khó khăn trong làm ăn hoặc tham nhũng - thì các nhà đầu tư có thể đòi rút tiền về, bỏ mặc các công ty mà họ đã đầu tư vào những tài sản dài hạn như nhà đất, và Trung Quốc sẽ chật vật gom tiền để hoàn trả cho các nhà đầu tư ngắn hạn.

Tuy nhiên, “một trong những quy định làm ăn ở Trung Quốc là mọi người đều là một con chó bị cột vào sợi dây. Không ai được tự do, nhà cầm quyền chỉ cho họ một sợi dây”, theo lời Fraser Howie, một cựu chủ ngân hàng ở châu Á và là đồng tác giả 3 cuốn sách viết về hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một quy định khác cho các công ty Trung Quốc đó là đừng xen vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc nếu không có sự cho phép của các lãnh đạo. Vậy mà cuối năm ngoái, Anbang cố gắng đầu tư vào một cao ốc văn phòng ở New York. Một trong những chủ sở hữu tòa nhà này là Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump và đang là cố vấn Nhà Trắng.

Tuy nhiên, hai bên phải ngưng đàm phán vì ý định đầu tư này gây tranh cãi ở Mỹ, vì vai trò của Kushner là định hình chính sách về Trung Quốc cho người cha vợ làm lãnh đạo Mỹ. Và cũng vì nó đặt Bắc Kinh vào thế bị cáo buộc toan tính can thiệp vào chính trị Mỹ.

Cảnh cáo các đối thủ ngấm ngầm của ông Tập Cận Bình

Một số nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng những lý do chính trị có thể là nguyên nhân chính để Bắc Kinh bắt Ngô. Theo WSJ, những đại gia “quan hệ rộng” với giới chính trị như Ngô lọt vào sự chú ý của các lãnh đạo Trung Quốc, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) chuẩn bị Đại hội đảng lần thứ 19 vào mùa thu tới.

Đó là thời điểm ông Tập Cận Bình sẽ có nhiệm kỳ 5 năm thứ hai làm Tổng bí thư CPC, Chủ tịch nước kiêm Bí thư quân ủy trung ương và nhiều chức danh khác. Ông Tập cũng là người khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” cách đây gần 5 năm.

Nhà sử học Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh và là con một lãnh đạo ngành lương thực thời Mao Trạch Đông, nói rằng từ việc bắt Ngô cùng những nhân vật làm ăn có tiếng khác, lãnh đạo CPC đã phát đi một thông điệp mạnh cho các đối thủ tiềm năng: họ chớ nên đưa ra sự chống đối.

Ngô Tiểu Huy (50 tuổi) đã lập Anbang hồi năm 2004. Ban đầu Anbang chỉ là một công ty bảo hiểm xe con tỉnh lẻ, nhưng rồi nổi lên sau nhiều vụ mua lại các hãng bảo hiểm lớn ở nước ngoài như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc...

Anbang khẳng định số tài sản gần đạt 300 tỉ USD. Cấu trúc của tập đoàn rất phức tạp và không đơn vị chủ lực nào của tập đoàn tham gia các thị trường chứng khoán. Chính vì thế, Ngô Tiểu Huy luôn không có tên trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc.

Rupert Hoogewerf, lãnh đạo tổ chức truy vết tài sản Hurun Report (ở Thượng Hải) nói: “Cơ cấu cổ đông rất kín kẽ nên không thể nào biết ai là chủ cổ phiếu”.

Trung Trực (theo The Wall Street Journal, New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cháu rể cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bị bắt điều tra tham nhũng