Các chuyên gia lương thực thế giới đã cảnh báo giá gạo đang tăng lên, do chi phí phân bón tăng cao, dường như sẽ ảnh hưởng đến năng suất của loại cây trồng là lương thực chính của ít nhất 2 tỉ người trên khắp châu Á.

Châu Á đối mặt khủng hoảng gạo: Trung Quốc và Ấn Độ có thể tránh được đợt tăng giá tồi tệ nhất

Sơn Vân | 10/07/2022, 17:04

Các chuyên gia lương thực thế giới đã cảnh báo giá gạo đang tăng lên, do chi phí phân bón tăng cao, dường như sẽ ảnh hưởng đến năng suất của loại cây trồng là lương thực chính của ít nhất 2 tỉ người trên khắp châu Á.

Bốn năm thu hoạch dồi dào phần lớn giúp gạo giữ được giá cả phải chăng, nhưng với khí thiên nhiên - thành phần quan trọng trong hầu hết việc sản xuất phân bón - giao dịch ở mức cao lịch sử sau cuộc chiến giữa Ukraine với Nga, cả cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc với Ngân hàng Thế giới đều dự báo giá tăng.

Điều đó bây giờ là không thể tránh khỏi. Giá cả sẽ tăng lên. Gạo là ngoại lệ, nhưng không còn nữa”, John Baffes, nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao tại Nhóm Triển vọng Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Khí thiên nhiên là nguyên liệu chính được sử dụng bởi hầu hết nhà sản xuất phân bón lớn, ngoại trừ Trung Quốc - nước sử dụng than để tạo ra amoniac. Khoảng 80% sản lượng amoniac được sử dụng để sản xuất các loại phân bón.

chau-a-doi-mat-cuoc-khung-hoang-gao.jpg
Nông dân chuẩn bị ruộng để trồng lúa ở thành phố Bogor, Indonesia vào tháng trước - Ảnh: EPA-EFE

Trước chiến tranh, Nga, Ukraine và Belarus là những nhà xuất khẩu phân bón có chứa nitơ lớn, nhưng tác động tổng hợp của cuộc xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ba quốc gia này. Phân bón có chứa nitơ đang được giao dịch ở mức giá được thấy lần cuối vào năm 2008.

Julia Meehan, biên tập viên phụ trách mảng phân bón tại nhà phân tích thị trường Independent Commodity Intelligence Services, cho biết: “Đây là một nỗi lo lớn với thị trường toàn cầu, đặc biệt là châu ÁChi phí khí đốt cao đã tạo ra sự phá hủy nhu cầu, vì vậy chúng ta đang chứng kiến ​​sự cắt giảm trong sản xuất, bên cạnh việc một số nhà sản xuất quyết định ngừng hoạt động hoàn toàn. Thiếu phân bón đồng nghĩa với việc mùa màng bị hư hại, hoặc không có năng suất tốt - một vấn đề cụ thể với các quốc gia châu Á trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón của Nga và nơi nông dân rất nghèo so với các khu vực khác trên thế giới”, Julia Meehan nói.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc (nước xuất khẩu phân lân hàng đầu thế giới trước khi áp đặt các hạn chế vào năm ngoái mà vẫn chưa dỡ bỏ) và Ấn Độ đã tránh khỏi một số tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng bằng các chính sách bảo hộ và dự trữ gạo.

'Một cuộc khủng hoảng gạo'

Vào tháng 4, sự sẵn có của gạo khiến Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới kết luận rằng giá cây trồng sẽ giảm trong nửa cuối năm nay.

Song đến tháng 6, cả hai đều đã thay đổi dự báo của mình, cũng như các viện chính sách lương thực hàng đầu thế giới, để phản ánh tác động của giá khí đốt tăng kỷ lục với chi phí phân bón khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra chưa có hồi kết.

Khi đưa ra dự báo vào tháng 4, chúng tôi dựa trên giả định rằng thị trường năng lượng sẽ ổn định sau cú sốc ban đầu của chiến tranh. Thay vào đó, chúng không ổn định hơn, đặc biệt với khí đốt và than đá", John Baffes nói với This Week In Asia.

chau-a-doi-mat-cuoc-khung-hoang-gao1.jpg
Các nhà phân tích kỳ vọng Ấn Độ sẽ thoát khỏi những ảnh hưởng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng gạo - Ảnh: AFP

Khoảng 1/3 chi phí canh tác của bốn loại ngũ cốc chính trên thế giới - gạo, lúa mì, ngô và lúa mạch - sử dụng phân bón. Đến gần đây, gạo là thứ duy nhất trong số bốn mặt hàng này được chứng minh là không bị tăng giá.

John Baffes cho biết, kể từ năm 2020, chi phí của cả bốn loại đã tăng “cơ bản lên gấp ba lần”, với chỉ số ngũ cốc thế giới phần lớn được thúc đẩy bởi lúa mì, ngô và lúa mạch.

Theo Ngoại trưởng Indonesia - Retno Marsudi, Tổng thống Joko Widodo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng gạo có thể ảnh hưởng đến 2 tỉ người" vào tháng trước tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức.

Tổng thống Indonesia cảnh báo các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế giàu có rằng “tác động của chiến tranh với chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón toàn cầu là có thật”, đồng thời kêu gọi họ hỗ trợ tái hòa nhập nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón của Nga, Ukraine vào nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta phải hành động nhanh để tìm ra giải pháp cụ thể. Sản xuất lương thực phải được đẩy mạnh. Chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón toàn cầu cần trở lại bình thường”, ông Joko Widodo nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các lệnh trừng phạt do chiến tranh không được áp dụng với thực phẩm lẫn phân bón của Nga.

Cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh, nhưng có nguồn gốc từ sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra. Nhu cầu mạnh, nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào cao hơn đã khiến giá phân bón tăng 80% trong năm ngoái, theo Ngân hàng Thế giới. Trong năm nay tính đến tháng 5 sau khi Nga tấn công Ukraine, giá phân bón tăng thêm 30%. Kể từ đó, giá đã giảm nhẹ, nhưng vẫn ở gần mức cao kỷ lục.

Julia Meehan cho biết cước vận chuyển cao cũng là một vấn đề, khi cuộc chiến tranh càng tàn phá thêm thương mại hàng hải toàn cầu vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau khi đại dịch gây ngừng hoạt động trước đó.

Năm ngoái, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 15% lượng amoniac mà nước này sử dụng để sản xuất phân bón chứa nitơ từ Nga, cũng chiếm khoảng 10% nhập khẩu phân bón của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và hơn 15% của Indonesia.

Việc Nga tấn công Ukraine là "nguyên nhân lớn nhất" gây ra tình trạng thiếu phân bón hiện nay, Julia Meehan nói.

Theo cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, trên toàn cầu, sản lượng gạo dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức cao hơn đến cuối năm nay, được hỗ trợ bởi nhà sản xuất hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 51% tổng sản lượng thế giới năm ngoái.

Tuy nhiên, giá gạo sẽ tăng. Vào tháng 5.2022, có thông tin cho biết Thái Lan và Việt Nam, lần lượt là nhà xuất khẩu gạo thứ hai và thứ ba sau Trung Quốc, đang đàm phán về một hiệp định tăng giá gạo xuất khẩu của họ để hỗ trợ ngành nông nghiệp trong nước, nông dân và quản lý chi phí sản xuất ngày càng tăng.

chau-a-doi-mat-cuoc-khung-hoang-gao11.jpg
Một nông dân vận hành máy thu hoạch trên cánh đồng lúa ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vào tháng 7. Trung Quốc đã dự trữ ngũ cốc để đảm bảo sản xuất lương thực trong nước - Ảnh: Xinhua

Giá tăng không đều

David Laborde, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington (Mỹ), nói tác động của chi phí phân bón tăng lên giá gạo sẽ không đồng đều vì các chính sách của chính phủ và thay đổi trong cách sử dụng sẽ khác nhau, cũng như ảnh hưởng từ việc sử dụng ít hơn với năng suất cây trồng.

Ông nói: “Ngay cả trong các trang trại, nông dân có thể cân đối lại việc bón phân trên các cánh đồng của họ để giảm thiểu tác động việc giảm lượng phân bón. Tất cả điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy rất nhiều sự khác biệt về tác động với năng suất giữa các quốc gia, khu vực và thậm chí cả từng nông dân”.

David Laborde cho biết nông dân Thái Lan có khả năng thích nghi với tập quán của họ và có thể bị thiệt hại ở mức trung bình, trong khi nông dân ở Sri Lanka túng thiếu tiền mặt thì ở thái cực khác khi quốc gia phá sản này phải vật lộn để trả tiền nhập khẩu.

Trung Quốc vẫn chưa công bố liệu họ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu với phân bón vào năm ngoái không và đã tích trữ ngũ cốc để đảm bảo sản xuất lương thực trong nước. Trong khi Ấn Độ có chính sách bảo hộ lâu dài là giảm giá phân bón và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu để tăng nguồn cung trong nước.

David Laborde cho biết nhiều khả năng cả hai quốc gia này sẽ có thể duy trì sản lượng gạo trong năm nay, giữ cho sản lượng trung bình toàn cầu ở mức cao, "nhưng những mức trung bình đó không nói lên câu chuyện của một số quốc gia và từng nông dân vẫn có thể bị thiệt hại nghiêm trọng".

Ông nói: “Với những người nông dân dễ bị tổn thương ở châu Phi hoặc châu Á, sự khác biệt về năng suất giữa việc bón phân hoặc không bón phân là lớn hơn, lên tới 50% với những người trước đây đã quen với việc bón lượng phân bón tối ưu nhưng bây giờ không có”.

David Laborde cho biết gạo đặc biệt dễ bị biến động giá lớn vì hầu hết quốc gia sản xuất gạo đều giữ phần lớn cho tiêu dùng nội địa. Chỉ 9% sản lượng gạo toàn cầu được đưa ra thị trường quốc tế, so với hơn 20% với lúa mì và các loại ngũ cốc khác.

Ông chia sẻ: “Ở cấp độ quốc tế, thị trường gạo khá mỏng và bất kỳ sự thay đổi biên độ nào đều có thể dẫn đến biến động giá lớn, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với những người hoặc quốc gia mà năm nay sẽ phải mua trên những thị trường này”.

Bài liên quan
Lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo
Giới phân tích lo ngại sau lúa mì và đường, gạo có thể là mặt hàng tiếp theo Ấn Độ hạn chế xuất khẩu – động thái sẽ đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Á đối mặt khủng hoảng gạo: Trung Quốc và Ấn Độ có thể tránh được đợt tăng giá tồi tệ nhất