Một số dấu hiệu cho thấy châu Á gặp vấn đề vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đẩy giá trị đồng USD tăng cao.
Tăng trưởng kinh tế Singapore quý 1/2019 ở mức thấp nhất trong gần một thập niên, tăng trưởng Thái Lan thấp nhất trong 4 năm, xuất khẩu Hàn Quốc giai đoạn 20 ngày đầu tháng 5 sụt giảm, thép rớt giá và doanh số bán nhà chung cư Nhật Bản yếu nhất kể từ năm 2016 là các dấu hiệu làm dấy lên lo ngại những nền kinh tế hàng đầu châu Á bị căng thẳng thương mại làm tổn thương.
Chuyên gia ngoại hối Hans Redeker làm việc cho ngân hàng Morgan Stanley nhận định: “Triển vọng tăng trưởng toàn cầu dường như ngày càng ảm đạm. Tình hình tại châu Á - Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc - rất khó khăn, rõ ràng căng thẳng thương mại dù không leo thang hơn nữa vẫn đem lại thiệt hại. Đây là nguyên chính khiến đồng USD tăng giá”.
Chính quyền Washington hôm 20.5 thông báo nới lỏng một số hạn chế với Huawei để giảm thiểu xáo trộn. Tập đoàn Trung Quốc vẫn được phép mua hàng Mỹ (để duy trì mạng lưới và cung cấp cập nhật phần mềm cho thiết bị hiện tại, nhưng cấm dùng cho sản xuất sản phẩm mới) cho đến ngày 19.8.
Động thái trên nhận phản ứng tích cực từ thị trường chứng khoán châu Á, khiến giao dịch đồng Nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài thoát đáy. Nhưng chuyên gia Redeker đánh giá tác động tốt không kéo dài lâu do rủi ro bất ổn còn cao.
Trong phiên giao dịch 21.5, tỷ giá USD với yên Nhật nới rộng thêm 0,5% - đạt 1 USD đổi 110,59 yên. Đồng USD tăng thêm 0,1% giá trị so với euro - 1,116 USD đổi 1 euro.
USD còn có khả năng tăng cao hơn nữa vì giá trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ phát hành giảm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng đến 2,435%.
Cẩm Bình (theo Reuters, CNBC)