Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội'

Lam Thanh | 06/11/2023, 10:03

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Làm rõ đến cùng những vấn đề chất vấn

Sáng 6.11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 được tiến hành trong thời gian 2 ngày rưỡi, từ sáng nay (6.11) đến hết sáng 8.11.

Ông Huệ nhấn mạnh phạm vi nội dung rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành 4 nhóm lĩnh vực.

Cụ thể: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (chất vấn trong khoảng 150 phút) gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, tài chính, ngân hàng; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (chất vấn trong khoảng 190 phút) gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp - phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên - môi trường; nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (chất vấn trong khoảng 180 phút) gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán; nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (chất vấn trong khoảng 190 phút) gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, y tế, lao động - thương binh - xã hội, thông tin - truyền thông.

qh-1.jpeg
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo khoản 6 điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đối với các thành viên chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội

Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo tòa án các cấp khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Về việc thực hiện nhiệm vụ “Xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14, từ ngày 1.7.2019 đến ngày 30.6.2023, các tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo.

Tòa đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Theo ông Bình, 100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

qh-3.jpeg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, ông Bình cho biết các tòa án đã thụ lý 7.064 vụ với 7.677 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em; đã đưa ra giải quyết, xét xử 6.755 vụ với 7.318 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,63% về số vụ và 95,32% về số bị cáo; vượt 5,63% so với chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội. 100% vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định.

Ngoài ra, 9 tháng đầu năm 2023, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỉ đồng; có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỉ đồng.

Về việc thực hiện nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội” quy định tại khoản 15 điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1.10.2020 đến ngày 30.6.2023, các tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án hằng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%). Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tiếp cận tín dụng hạn chế, nợ xấu có xu hướng tăng

Trình bày báo cáo, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được tích cực triển khai; đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả…

Ngoài ra, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.

qh-2.jpeg
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 nghìn tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội'